Sản vật lạ và "độc" ở Hoàng Sa
Nắp hầm tàu QNg 92046 TS bật mở, ngư dân trên bờ ồ lên ngạc nhiên vì tàu của thuyền trưởng Nguyễn Văn Lâm đã câu được chú mực khổng lồ. Đó là một trong nhiều loại sản vật lạ và phong phú ở quần đảo Hoàng Sa.
Sáng 4-12, trên con tàu cập bến tại cửa biển Cổ Lũy, ngư dân Trần Đức Quang đã thực hiện màn bật hầm cá và chào đón người thân trong bờ bằng cách vui nhộn, đó là ôm một chú mực to gần bằng thân người có trọng lượng 15 kg. Chuyến đi biển mệt nhọc đã trở nên vui vẻ. Vợ các ngư dân sờ nắn chú mực và sướng rơn vì chồng “lập thành tích quá xuất sắc”. Một ngư dân vừa đùa vừa thật bảo: “Mực này ăn vô thì ích thận, tráng dương như A Ma Kông”.
Chú mực khổng lồ này có tên gọi như một loại vũ khí trang bị trên tàu ngầm, đó là mực hỏa tiễn. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Lâm cho biết: “Nó phóng nhanh nhất trong các loại mực. Khi bơi dưới nước, thấy động là nó lướt như mũi tên nên ngư dân gọi là mực hỏa tiễn”. Đây là “vua” của mực, vì hiếm gặp, được thu mua với giá cao, chất lượng thì ngon hơn hẳn các loại mực khác.
Những người thu mua hải sản nài nỉ ngư dân chia lại chú mực này với giá 1,2 triệu đồng. Nhưng các ngư dân quyết định, sản vật độc đáo và chất lượng hảo hạng này dành cho “cả nhà”. Vậy là cả đội ngư dân và người thân đánh chén mực hỏa tiễn ngay trong ca bin tàu trước giờ bán cá. Hương vị của loại mực này quả là đặc biệt.
Ngư dân ra khơi mưu sinh vất vả. Nhưng sự phong phú của các loại tôm cá Hoàng Sa đã cuốn hút họ trong những chuyến mở biển. Lão ngư dân Nguyễn Văn Tâm (83 tuổi), một trong những ngư dân kỳ cựu tại địa phương kể lại niềm đam mê với nghề đi khơi. Ông cho biết, các loại tôm, cá ở vùng biển Hoàng Sa rất phong phú. Cá mực nổi lên dày đặc vào mùa gió nồm. Trong đó có các loại mực khơi, mực lá, mực ma…Ông Tâm đi biển từ năm 17 tuổi, đến năm 81 tuổi thì mới chịu ngồi bờ vì cậu con trai là thuyền trưởng Lâm kiên quyết bắt phải nghỉ dưỡng già.
Theo các ngư dân, mực ma là loại bạch tuộc khổng lồ ở rạn san hô. Có ngư dân mới đi biển, ngồi trên thúng thấy mực ma lởn vởn bên cạnh thì co rúm lại không khác gì chuột nhìn thấy mèo đen. Mực ma nếu tung vòi phủ vào ngư dân, nó trở thành sợi dây thừng kéo ngư dân xấu số xuống biển. Vì các mắt tua trên vòi mực có sức hút và bám vào da dính chặt như keo dán sắt. “Mình mà bị mực nó trói thì chỉ có chết”, một ngư dân kể lại những câu chuyện xui xẻo khi gặp loại mực này.
“Đây cũng là loại hàng độc ở Hoàng Sa”, một ngư dân quỳ xuống sàn tàu nâng chú cá mú lên giới thiệu. Đó là một loại cá mú đỏ có trọng lượng gần 40 kg, được bán tại bến với giá 5 triệu đồng/con. Cá mú đỏ được câu tại các rạn ngầm khu vực quần đảo Hoàng Sa. Theo các ngư dân, một phiên biển nếu câu được 20 chú cá mú đỏ này thì coi như gần đủ tổn cả chuyến biển.
Cá mập có thân hình to kềnh càng nhưng trọng lượng chỉ 50-60 kg. Còn cá mú đỏ thì thịt chắc và rất nặng. Một chú cá mú to như can nước thì phải 2 người khiêng. Cá mú là loại tạp ăn và có bộ răng rất sắc nhọn. Một ngư dân cà tay vào miệng cá mú và cho biết, nó ham mồi, nhưng mình không cẩn thận là nó đớp đứt tay như chơi.
Nhìn những con tàu tấp nập cập bờ và tranh thủ ra khơi để kết thúc những phiên biển cuối năm. Các ngư dân cho biết, thú vị nhất là ban đêm ngồi trên mạn tàu câu cá. Tàu ngư dân làm nghề câu cá ngừ đại dương bằng ánh sáng nên điện cao áp sáng rực cả một khu vực rộng trên vùng biển Hoàng Sa.
Theo các ngư dân, khi đi câu đêm, thỉnh thoảng anh em trên tàu lại hò reo, xúm lại giúp nhau kéo co với chú cá to. Có lúc thì kéo cá vào gần bờ, có lúc giả vờ thua nó và nới bớt dây để lựa thế kéo lên tàu. “Câu được chục con cá mập là kiếm hơn 100 triệu đồng, câu hai chục con cá mú cũng kiếm hơn cỡ đó, nghề biển cực nhưng kiếm tiền cũng dễ” – một ngư dân chia sẻ niềm đam mê.