TIN THỦY SẢN

Sạt lở đang ảnh hưởng trực tiếp đến nuôi trồng thủy sản

Cần có nhiều biện pháp để ứng phó với tình hình sạt lở trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Tép Bạc Sáu Nghệ

Ngày 11 và 12/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác khảo sát khu vực đê biển, tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp cho thấy tình hình sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng, đòi hỏi các địa phương có giải pháp xử lý.

Ngày 11/8, đoàn công tác khảo sát thực địa tình hình sạt lở bờ biển khu vực thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; biển Nhà Mát và cửa sông Gành Hào, ven biển tỉnh Bạc Liêu; huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi và đất mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Ngày 12/8, khảo sát để biển Tây ở tỉnh Cà Mau; kè chống sạt lở thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; tuyến kè bảo vệ khu dân cư ở huyện Tân Châu, tỉnh An Giang và một số điểm sạt lở ở tỉnh Đồng Tháp.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ năm 2016 đến nay, ĐBSCL xuất hiện 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km (bờ sông 666 điểm/744km, bờ biển 113 điểm/390km). Mức độ xói lở ngày càng nghiêm trọng: trước năm 2005, mỗi năm bồi 100 ha thì 15 năm trở lại đây, mỗi năm mất trên 350 ha. Số tiền đầu tư cho phòng chống sạt lở dự kiến sẽ lên đến hơn 13.000 tỉ đồng, tuy nhiên, đó chỉ là đầu tư giải quyết phòng chống sạt lở ở những điểm nóng.

Những địa phương bị sạt lở mạnh cũng đang phát triển nuôi trồng thủy sản do đó có thể thấy, sạt lở đang ảnh hưởng trực tiếp đến nuôi trồng thủy sản. Chỉ tính trong 7 tháng đầu năm nay, tỉnh Bạc Liêu xảy ra 8 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển làm hơn 100 căn nhà bị sụp, gây thiệt hại hàng ngàn héc-ta nuôi trồng thủy sản.

Thủ tướng Chính phủ ngồi máy bay khảo sát ngày 12/8. Ảnh: VOV

Tại tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, có 7 km bờ biển sạt lở tàn phá đai rừng phòng hộ và hơn 80 đoạn bờ sông sạt lở ảnh hưởng lớn đến tài sản của người dân và hang ngàn héc-ta nuôi trồng thủy sản. Tại tỉnh Cà Mau trong chục năm qua có 187 km bờ biển bị sạt lở làm mất hơn 5.000 ha đất và rừng phòng hộ, bên cạnh hơn 400 km bờ sông đã và đang có nguy cơ bị sạt lở, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản khó thống kê.

Một nghiên cứu của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho rằng cần có giải pháp tổng thể để ngành nuôi trồng thủy sản thích ứng với tình hình sạt lở, giữ vững sự phát triển. Nghiên cứu cho biết, ĐBSCL có các vùng nuôi thủy sản trọng điểm nước ngọt, nước mặn, nước lợ.

Nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung ở vùng ngập lũ Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và vùng trũng nội địa thuộc bán đảo Cà Mau và phát triển ở khắp các địa phương. Phổ biến là lúa-tôm (tôm thẻ, tôm càng xanh), lúa-cá (cá lóc, rô, sặc, thác lác, chép, rô phi,…), nuôi cá bè trên sông và đặc biệt ao cá tra.

Đê biển ở Bạc Liêu bị sạt lở. Ảnh: Báo Thanh Niên

Vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ trọng điểm ở ven biển Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Tiền Giang. Phổ biến nhất là nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh, luân canh lúa-tôm, lúa-cá, cá-tôm. Bên cạnh, phát triển đa dạng các loài như cua biển, cá kèo, nghêu, sò huyết, hào,…

Trước tình hình sạt lở và cả vấn đề ô nhiễm môi trường do nuôi trồng thủy sản gây ra, cần khẩn trương quy mô vùng nuôi và các kế hoạch bảo vệ cụ thể trong phân vùng quy hoạch. Với nuôi trồng thủy sản nước ngọt, phát triển nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp, nuôi cá bè trên sông để tập trung bảo vệ tốt. Với nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ vùng ven biển chú trọng vùng nuôi tập trung có giải pháp quản lý cộng đồng để bảo vệ môi trường và kịp thời ứng phó với tình hình sạt lở. Trong đó, quan tâm đúng mức đối với vấn đề thủy lợi, đảm bảo có hệ thống cấp nước, thoát nước an toàn cho nuôi trồng, tăng cường giám sát để có các giải pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Trồng cây bảo vệ bờ biển

Chuyên gia độc lập nghiên cứu hệ sinh thái ĐBSCL, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, để thích nghi và sống chung với vùng đồng bằng ngày càng nhiều sạt lở, chính quyền và người dân ĐBSCL cần đổi mới tư duy. Trong sản xuất, cần đảm bảo quy trình xanh, thuận theo tự nhiên. Có ba nhóm giải pháp: Công trình, phi công trình và rút lui.

Giải pháp công trình có hàng loạt nhược điểm là rất đắt đỏ và không vĩnh cửu nên chỉ thực hiện để bảo vệ những nơi xung yếu như đô thị, nơi đông dân cư, nơi có cơ sở hạ tầng quan trọng mà không thể dùng để bảo vệ cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Biện pháp phi công trình như kè mềm, trồng bần ven sông có lợi thế chi phí thấp, phù hợp sinh thái, tạo cảnh quan đẹp, tạo sinh cảnh cho các loài thủy sinh và hỗ trợ ổn định nuôi trồng thủy sản nên cần được ưu tiên, tuy nhiên nơi bị sạt lở mạnh thì không khả thi. Cho nên, những nơi sạt lở nghiêm trọng thì nguyên tắc đơn giản là rút lui, các vùng nuôi thủy sản né tránh để hạn chế tác hại và chủ động thích nghi hơn với tình hình sạt lở.

Sáu Nghệ