Sẽ quản lý đến từng tàu cá trên biển
Để quản lý đến từng tàu thuyền đánh cá, nâng cao chất lượng đánh bắt, giảm thiểu nguy cơ rủi ro trên biển, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xây dựng Hệ thống thông tin Nghề cá Việt Nam với kinh phí hơn 130 tỷ đồng.
Nguồn lợi thủy sản ngày một suy kiệt do nạn đánh bắt tràn lan, cộng với rủi ro ngày càng lớn trong nghề đánh bắt cá trên biển đã khiến ngư dân gặp không ít khó khăn. Hệ thống thông tin Nghề cá Việt Nam do Bộ NN&PTNT xây dựng, trình Chính phủ đặt ra mục tiêu khắc phục những nhược điểm trên, sát sao quản lý đến từng tàu thuyền đánh cá.
Mới có hơn 8% tàu cá được định vị
“Những diễn biến phức tạp trên Biển Đông thời gian gần đây đã tác động đến hoạt động sản xuất khai thác hải sản trên biển của bà con ngư dân”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám
Theo Bộ NN&PTNT, ngành Thủy sản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn trong nông nghiệp. Không chỉ có vậy, sự hiện diện dân sự thường xuyên của hàng nghìn tàu thuyền khai thác hải sản trên các vùng biển Việt Nam đã đóng góp vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Tuy vậy, hiện nay ngành này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tác động của biến đối khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh, các rào cản thương mại của thị trường thủy sản thế giới. “Những diễn biến phức tạp trên Biển Đông thời gian gần đây đã tác động đến hoạt động sản xuất khai thác hải sản trên biển của bà con ngư dân”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám thông tin.
Mặt khác, trong quá trình phát triển mạnh thời gian qua, ngành Thủy sản đã bộc lộ nhiều yếu tố bất cập và phát triển không bền vững như: Chất lượng tăng trưởng thấp; quản lý chưa theo kịp với sự phát triển nhanh của hoạt động sản xuất; nguồn nguyên liệu chưa ổn định; tàu thuyền có xu hướng giảm nhưng số tàu thuyền nhỏ khai thác ở các vùng biển gần bờ vẫn chiếm tỷ trọng cao, tác động xấu đến nguồn lợi thủy sản ven bờ; hoạt động sản xuất trên biển còn tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Theo số liệu tổng hợp, đến hết năm 2016, cả nước có 109.009 tàu thuyền. Số tàu thuyền công suất trên 90 CV tăng nhanh, từ chỗ chỉ có gần 1.000 tàu năm 1997 đã tăng lên 33.014 tàu năm 2016. Trong 5 năm từ 2011 - 2015, số tàu thuyền giảm trung bình hàng năm 2,09%, trong đó tàu công suất dưới 90CV giảm bình quân 4,8%/năm.
Tỷ trọng sản phẩm khai thác ở vùng biển xa bờ chiếm gần 40% tổng sản lượng thủy sản khai thác, chất lượng sản phẩm sau khai thác chưa được nâng cao. Hiện mới có khoảng 9.000 tàu được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chiếm tỷ lệ quá nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu về quản lý.
Đến 2020 quản lý được 60% tàu cá
Theo mục tiêu Đề án đưa ra, 28 tỉnh/thành phố ven biển sẽ được tiếp cận và sử dụng Hệ thống thông tin Nghề cá Việt Nam phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành; 60% tàu cá được quản lý, giám sát quá trình hoạt động trên biển thông qua hệ thống; 100% tỉnh/thành phố sử dụng cơ sở dữ liệu VNFishbase để cập nhật, khai thác và sử dụng phục nhu cầu quản lý của địa phương và của ngành trong các lĩnh vực khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản.
Đề án sẽ chia làm 2 phần. Trong đó, phần 1 đầu tư hạ tầng hệ thống cơ sở dữ liệu thủy sản Việt Nam tại Trung ương (Tổng cục Thủy sản) và 28 tỉnh ven biển; xây dựng phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu thủy sản Việt Nam áp dụng tại tất cả 28 tỉnh ven biển; thu thập thông tin dữ liệu, vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu thủy sản Việt Nam (VNFishbase). Thời gian thực hiện từ 2017-2020, với kinh phí 53,5 tỷ đồng.
Phần 2 cũng được thực hiện đồng thời trong giai đoạn 2017-2020, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý trên biển giai đoạn II với kinh phí 80 tỷ đồng. Theo đó, hoàn thiện cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về vệ tinh, thông tin viễn thông, viễn thám, đảm bảo tính bảo mật và tính tự chủ về công nghệ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát tàu thuyền hoạt động trên các vùng biển Việt Nam, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho hay, toàn bộ thiết bị giám sát lắp trên tàu cá phải đảm bảo yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật theo quy định, có chức năng tự động nhận, lưu trữ và truyền phát các thông tin liên quan đến quá trình hoạt động của tàu cá (vị trí, tốc độ, hướng di chuyển). Hoàn thiện phần mềm quản lý tàu cá để đảm bảo quản lý, truy xuất nguồn gốc, thực hiện cam kết chống đánh bắt bất hợp pháp, không quản lý và không báo cáo đáp ứng yêu cầu hội nhập của ngành.