TIN THỦY SẢN

Sự thành công của ngành thủy sản Na Uy và kinh nghiệm quý cho Việt Nam

Kiểm tra tình hình chất lượng tôm thẻ. Ảnh: Tép Bạc Phạm Hiếu

Na Uy là một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Sự thành công của ngành thủy sản nước này là kinh nghiệm quý cho ngành thủy sản Việt Nam.

Thủ tướng sẽ làm việc để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu thủy sản năm 2023

Ngày 31/3, Bộ NN-PTNT, báo Tuổi Trẻ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đồng tổ chức Hội thảo “Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt”.

Phát biểu trực tuyến khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2022 là một năm khó khăn nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng, đặc biệt là thành công trong lĩnh vực thủy sản.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỉ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỉ USD, cá tra 2,5 tỉ USD, hải sản 3,2 tỉ USD (cá ngừ 1 tỉ USD, mực và bạch tuộc đạt 768 triệu USD).

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, ngành thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn do lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao, hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hạ tầng thuỷ sản. Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, môi trường chưa được kiểm soát, chế biến chưa sâu, chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến... cũng ảnh hưởng lớn đến việc phát triển ngành thủy sản, chưa nâng cao được giá trị.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với các điều kiện về nuôi trồng và nhiều doanh nghiệp đã xúc tiến tăng mạnh về đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, giá trị về thuỷ sản Việt Nam sẽ còn dư địa lớn để phát triển. Ảnh: Công Hân

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành thủy sản đã đề ra một số chỉ tiêu đến năm 2030 như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3 - 4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỉ USD.

“Với các điều kiện về nuôi trồng và nhiều doanh nghiệp đã xúc tiến tăng mạnh về đầu tư nuôi trồng thuỷ sản, giá trị về thuỷ sản Việt Nam sẽ còn dư địa lớn để phát triển”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá.

Tuy vậy, để đạt được những chỉ tiêu đề ra, Thứ trưởng Tiến cho rằng, ngành thủy sản cần nâng cao sức cạnh tranh về con giống, thức ăn, an toàn sinh học, đặc biệt là các đối tượng được nuôi trồng chủ đạo như tôm, cá tra... Ngoài ra, phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản...

Ngành thủy sản đặt ra mục tiêu đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 14 - 16 tỉ USD. Ảnh: TL

Nhìn từ sự thành công của Na Uy...

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Hội đồng Hải sản Na Uy (NSC) cho biết, 2022 là năm xuất khẩu thủy sản của Na Uy đạt nhiều thành công nhất.

Theo đó, Na Uy đã xuất khẩu 2,9 triệu tấn thủy sản với giá trị khoảng 14,5 tỷ USD trong năm 2022, tăng 2,9 tỉ USD so với năm 2021. Năm 2022, sản phẩm thủy sản Na Uy được xuất khẩu cho 149 thị trường trên toàn cầu.

Theo ông Asbjørn Warvik Rørtveit, trong giá trị xuất khẩu thủy sản của Na Uy, cá hồi có giá trị lớn với mức giá khoảng 10 USD/kg. Theo khảo sát, giá bán mặt hàng này tại thị trường Việt Nam là 30 USD/kg.

Theo ông Asbjørn Warvik Rørtveit, trong xuất khẩu thủy sản của Na Uy, cá hồi chiếm giá trị lớn. Ảnh: Phạm Hiếu

“Các doanh nghiệp Việt Nam có thể bán với giá cao gấp 3 lần do giá trị thương hiệu của cá hồi Na Uy. Khách hàng Việt Nam sẵn sàng chi trả với giá đó. Chúng tôi không quá tập trung nâng sản lượng mà tập trung vào cải thiện chất lượng cá hồi”, đại diện Hội đồng Hải sản Na Uy chia sẻ.

Ông Asbjørn Warvik Rørtveit cho biết thêm, hải sản Na Uy được ngư dân và các công ty nuôi trồng thủy sản thu hoạch từ các vùng nước ven biển và nội địa, sau đó được sơ chế để chuyển đến các nhà máy chế biến, đặc biết chế biến thứ cấp như nấu chín, đóng hộp và các sản phẩm ăn liền để tăng thêm giá trị.

Na Uy là một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới và có chuỗi giá trị phát triển tốt nhờ áp dụng các phương pháp với 5 giá trị cốt lõi: Tính bền vững, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, đổi mới, hợp tác.

Theo đó, Na Uy đã thực hiện các quy định và kiểm soát nghiêm ngặt từ đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng thủy sản để đảm bảo thu hoạch hải sản bền vững. Cách tiếp cận này đảm bảo nguồn hải sản của đất nước được quản lý một cách có trách nhiệm, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Bên cạnh đó, Na Uy nổi tiếng về sản xuất các sản phẩm thủy sản chất lượng cao, được người tiêu dùng trên khắp thế giới tìm kiếm. Ngành thủy sản ở Na Uy ưu tiên chất lượng trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ tàu đánh cá đến nhà máy chế biến và trung tâm phân phối.

Na Uy đã xuất khẩu 2,9 triệu tấn thủy sản với giá trị khoảng 14,5 tỷ USD trong năm 2022, tăng 2,9 tỉ USD so với năm 2021. Ảnh: Arctic Seafood Norway

Đặc biệt, Na Uy có hệ thống truy xuất nguồn gốc, giúp theo dõi các sản phẩm hải sản từ điểm đánh bắt đến điểm tiêu thụ, đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể tin tưởng vào nguồn gốc và tính xác thực của hải sản mà họ mua.

Ngành thủy sản Na Uy cũng đi đầu trong đổi mới, phát triển các công nghệ và phương pháp sản xuất mới giúp nâng cao hiệu quả, giảm chất thải và tăng giá trị của các sản phẩm thủy sản.

Ngoài ra, ngành thủy sản Na Uy có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan ở mọi giai đoạn trong chuỗi giá trị. Sự hợp tác này thúc đẩy một môi trường cải tiến liên tục và cho phép ngành phản ứng nhanh chóng và hiệu quả với các điều kiện thị trường đang thay đổi và sở thích của người tiêu dùng.

Phạm Hiếu Nông Nghiệp Việt Nam