TIN THỦY SẢN

Tác động của NH3, NO2, CO2 đến môi trường ao tôm

Tảo trong ao phát triển mất kiểm soát cũng là nguyên nhân quan trọng,liên quan đến NO2 . Ảnh: Tép Bạc Nhất Linh

Việc duy trì chất lượng môi trường ao tôm là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của vụ nuôi. Trong đó, NH3, NO2 và CO2 đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái ao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và năng suất của tôm. Việc hiểu về chúng có thể giúp bà con nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm soát, quản lý từ đó cải thiện được năng suất ao nuôi.

NH3

NH3 trong ao nuôi tôm được tạo ra từ thức ăn dư thừa và sự phân hủy chất hữu cơ của vi sinh trong bùn đáy ao tôm. Khi nuôi tôm thẻ chân trắng, đôi khi chỉ có 22% lượng Nitơ (đạm) được tôm hấp thụ. 57% được thải ra môi trường và 14% còn lại tồn tại trong lớp bùn đáy ao.

Amonia tồn tại một trong hai dạng là NH3 (Amoniac) hoặc các ion amoni (NH4+) nó sẽ chuyển hóa thành các chất khác tùy thuộc vào giá trị pH trong ao. Amoni ion hóa tương đối không độc trong khi amoniac gây độc cho tôm nuôi.

Khi ở nồng độ cao, NH3 có thể làm hỏng mang, gan tụy và có thể cả niêm mạc ruột tôm. Chúng ảnh hưởng đến hô hấp, trao đổi chất, miễn dịch, điều hòa thẩm thấu, hấp thụ chất dinh dưỡng, bài tiết, lột xác và tăng trưởng của tôm. Từ đó tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập và làm chết tôm.

Bà con cần duy trì môi trường ổn định trong ngưỡng pH 7.5 – 8.0, nhiệt độ 25 – 30°C, độ mặn 10 – 30ppt là vì Khi pH thấp, NH4-N sẽ chiếm ưu thế, và đây là chất ít độc. Khi pH cao hơn 9.0, NH4-N sẽ chuyển dần thành NH3-N, đây chính là lúc khí độc NH3 gây hại lên tôm.

NO2

NO2 là kết quả của quá trình phân huỷ NH3 từ vi khuẩn. Khí độc này hình thành qua:

- Quá trình sên vét, cải tạo ao ban đầu trước vụ nuôi thực hiện chưa triệt để, lượng bùn cũ trong ao tồn nhiều. 

- Nguồn nước nhiều phù sa, không qua hệ thống lắng lọc  khi vào ao nuôi, lắng tụ từ từ, hình thành khí độc NO2

- Sử dụng nước của vụ nuôi trước cho vụ nuôi mới, cũng là nguyên nhân làm cho khí độc NO2 tăng nhanh ngay trong tháng đầu tiên của vụ nuôi mới hoặc trong nguồn nước lấy vào nuôi có sẵn hàm lượng NO2 cao. 

- Quản lý cho tôm ăn không hợp lý, gây dư thừa thức ăn, làm tích luỹ và phân huỷ hữu cơ. Chỉ khoảng 30% thức ăn được tôm tiêu hoá triệt để, phần còn lại thải ra môi trường nuôi trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường phân tôm. 

Ngoài ra, việc tảo trong ao phát triển mấy kiểm soát hay biến động pH cũng là nguyên nhân quan trọng, liên quan đến NO2 (pH tăng cao ≥ 8,5, hàm lượng NH3 tích luỹ trong ao sẽ tăng cao, kéo theo lượng NO2 tăng cao).

NO2 hình thành qua con đường dư thừa thức ăn rất nhanh, nguy hiểm cho tôm. Ảnh: Tép Bạc

NO2 gây hại cho tôm thông qua việc kết hợp với Hemocyanin trong máu tôm, tạo thành Mehemoglobin, làm mất khả năng vận chuyển oxy trong máu, từ đó khiến tôm nuôi bị thiếu oxy. Nền đáy ao nuôi chuyển đen, mùi hôi, ao nhiều bong bóng bọt khí sậm màu, bong bóng khó vỡ, nước keo, nhớt, tanh hôi. 

Theo các chuyên gia, con số giới hạn khuyến cáo hàm lượng khí độc NO2 trong ao ≤ 1 ppm. Vẫn có những ao ngoại lệ, khi hàm lượng khí độc NO2 vượt con số giới hạn cho phép trên, tôm vẫn phát triển, tuy nhiên trường hợp này rất ít. 

CO2

Nguồn khí carbonic (CO2) trong ao nuôi thủy sản chủ yếu sinh ra từ hoạt động hô hấp của sinh vật và tảo, ngoài ra quá trình phân giải chất hữu cơ cũng tạo ra khí carbonic đáng kể.  

Lượng khí CO2 quá cao trong nước sẽ gây ra các tác hại tiêu cực đến:

- Sự tăng trưởng, tỉ lệ sống của tôm, bên cạnh đó còn làm giảm hoạt tính enzyme tiêu hóa và tăng hàm lượng glucose trong máu của tôm. 

- Quá trình chuyển hóa trao đổi chất của tôm dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng thức ăn. Các hoạt động của enzyme tiêu hóa bị ức chế, việc tiêu thụ thức ăn và tăng trưởng sẽ chậm lại.

- Tốn nhiều năng lượng trong việc hô hấp dẫn đến thiếu năng lượng để phát triển.

- Sức khỏe và quá trình sinh trưởng của tôm sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngoài ra, do biến đổi khí hậu, hàm lượng CO2 trong khí quyển đã tăng nhanh chóng. Hàm lượng khí CO2 ở trong khí quyển quá cao sẽ dần dần khuếch vào trong nước biển, làm ảnh hưởng độ pH bề mặt nước biển giảm. Trong đó, ngành thủy sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, mức CO2 lý tưởng trong ao nuôi tôm là 5 mg/L, nếu những lý do nêu trên làm tăng mức CO2 > 29,7 mg/L sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tôm nuôi trong ao.

Nhất Linh