TIN THỦY SẢN

Tại sao xây dựng mô hình nuôi cá măng kết hợp tôm sú lại hiệu quả?

Mô hình không chỉ mang hiệu quả kinh tế mà còn mang lại nhiều lợi ích về mặt sinh thái và môi trường Phan Tấn Đạt

Tại Bến Tre, mô hình nuôi cá măng kết hợp tôm sú trong ao đất đang dần trở thành hướng đi mới đầy tiềm năng. Mô hình này không chỉ giúp tận dụng tối đa diện tích ao nuôi mà còn giảm thiểu rủi ro từ môi trường và biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Hiệu quả kinh tế vượt trội 

Sau thời gian nuôi từ 6 đến 7 tháng, kết quả cho thấy mô hình nuôi ghép đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với mô hình nuôi đơn thuần. Cá măng sau 7 tháng nuôi đạt trọng lượng trung bình từ 300 – 500 gam/con, với tỷ lệ sống trên 70%. Trong khi đó, tôm sú sau 6 tháng nuôi đạt trọng lượng trung bình từ 15 – 20 con/kg, với tỷ lệ sống trên 60%. Tổng sản lượng thu hoạch đạt 1,2 tấn cá măng và 5,4 tấn tôm sú trên diện tích 1 ha. 

Với mật độ nuôi ghép, doanh thu đạt khoảng 712,47 triệu đồng/ha sau 150 ngày, trong khi nuôi tôm đơn chỉ đạt khoảng 173 triệu đồng/ha. Đây là sự khác biệt lớn, thể hiện tính hiệu quả vượt trội của mô hình kết hợp. 

Tại sao mô hình cá măng kết hợp tôm sú lại hiệu quả lại hiệu quả? 

Sự kết hợp giữa cá măng và tôm sú tạo ra sự tương hỗ giữa hai loài. Cá măng làm sạch ao nuôi bằng cách tiêu thụ các loại sinh vật phù du và tảo, giúp nước sạch hơn, giảm thiểu tác động ô nhiễm đối với tôm sú. Ngược lại, chất thải từ tôm sú trở thành nguồn thức ăn cho cá măng, từ đó giảm chi phí thức ăn và cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa quá trình nuôi, mà còn tăng năng suất và giảm chi phí quản lý. Mô hình nuôi kết hợp này mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. 

Quy trình kỹ thuật kết hợp cá măng và tôm sú 

Theo ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, một trong những mục tiêu chính của dự án là xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi cá măng kết hợp với tôm sú tại Bến Tre. Thử nghiệm được triển khai tại Đại lý thức ăn Ngọc Trâm, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú trên diện tích 18.000m², gồm 6 ao nuôi. Quá trình nuôi kết hợp này tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ việc cải tạo ao nuôi cho đến việc chăm sóc và quản lý từng giai đoạn sinh trưởng của cá và tôm. 

Trước khi bắt đầu nuôi, các ao đất được cải tạo kỹ lưỡng, bao gồm nạo vét bùn, đắp bờ, và xử lý nước ao. Số lượng cá măng giống được thả với mật độ từ 1 con/3m² đến 1 con/5m², trong khi tôm sú được thả với mật độ 20 con/m². Các loài giống được chọn lọc kỹ càng, đảm bảo khỏe mạnh, không nhiễm bệnh, và có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia như TCVN 9398:2012. 

Trong quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ các yếu tố môi trường như độ mặn, hàm lượng NH₃-N và H₂S, cùng các chỉ tiêu khác để duy trì điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của cả cá măng và tôm sú. Thức ăn được quản lý chặt chẽ để tránh lãng phí và ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo tăng trưởng tối ưu của đàn nuôi. 

Cá măng có triển vọng kết hợp cùng tôm sú cho năng suất cao. Ảnh: Sưu tầm

Đóng góp cho sự phát triển bền vững 

Ngoài giá trị kinh tế, mô hình nuôi ghép này còn mang lại nhiều lợi ích về mặt môi trường và xã hội. Việc kết hợp nuôi cá và tôm giúp tối ưu hóa việc sử dụng diện tích ao nuôi, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ thức ăn dư thừa. Sản phẩm từ mô hình này, như chả cá măng và chả tôm sú, đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, mở ra cơ hội tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Hơn nữa, mô hình này còn giúp giải quyết việc làm cho người dân địa phương, cải thiện đời sống kinh tế và nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Đây là một phần quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành thủy sản tại Bến Tre và các tỉnh ven biển khác.   

Triển vọng nhân rộng mô hình 

Với những kết quả tích cực từ thử nghiệm ban đầu, ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo khẳng định rằng mô hình nuôi ghép cá măng kết hợp tôm sú là một hướng đi mới cho ngành nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Mô hình này không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn tận dụng tốt tiềm năng ao nuôi, giúp tăng năng suất và giá trị sản phẩm. Qua đó, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản, góp phần vào chương trình an ninh lương thực và cải thiện đời sống người dân. 

Phan Tấn Đạt