TIN THỦY SẢN

Những yếu tố sống còn quyết định thành bại trong nuôi tôm thẻ chân trắng

Tôm giống kém chất lượng ngày càng được đưa vào thị trường phổ biến Lý Vĩnh Phước

Tôm giống Postlarvae chiếm 8 – 10 %, trong cơ cấu giá thành nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm công nghệ cao, nhưng quyết định sự thành công của mô hình do liên quan đến tỷ lệ sống. Tỷ lệ sống của tôm sau chu kỳ nuôi cao, đồng nghĩa mô hình thành công, có lợi nhuận.

Đặc biệt, mô hình có lời cao, nếu tôm về size ≤ 30 con/kg và tỷ lệ sống tôm nuôi suốt vụ ≥ 70 %. Và ngược lại, mô hình được đánh giá thất bại, lỗ vốn, khi tỷ lệ sống tôm sau chu kỳ nuôi ≤ 40 %. Tỷ lệ sống tôm nuôi thấp, liên quan đến chất lượng tôm giống, cơ sở hạ tầng kỹ thuật sản xuất không đảm bảo, trình độ nắm bắt kỹ thuật và vận hành trại nuôi chưa cập nhật theo yêu cầu công nghệ. Quy mô sản xuất, nuôi, nhỏ lẻ, manh mún, không đảm bảo hệ thống các ao theo yêu cầu công nghệ cao. Không kiểm soát được dịch bệnh xâm nhập, chưa coi trọng công tác phòng bệnh từ xa.

Chất lượng tôm giống chưa cao và chưa ổn định còn liên quan đến bầy tôm bố mẹ. Do hiện nay, chủ yếu tôm bố mẹ được nhập khẩu, rất khó khăn trong kiểm soát chất lượng, lượng tôm gia hoá chiếm tỷ lệ rất ít. Nhiều cơ sở sản xuất tôm giống nhỏ lẻ, không đủ điều kiện sản xuất, không đảm bảo quy chuẩn sản xuất tôm giống, vẫn được cấp phép sản xuất, kinh doanh. Từ những cơ sở nhỏ lẻ này, tôm giống kém chất lượng được tuôn ra thị trường, thông qua nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn, đến tay người nuôi tôm. Thả nuôi những bầy giống kém chất lượng này, tôm nuôi dễ nhiễm bệnh, nuôi chậm lớn, tỷ lệ sống thấp, người nuôi chắc chắn thất bại, lỗ vốn. 

Vấn đề lạm dụng sử dụng thuốc, hoá chất trong nuôi tôm hiện nay của nông dân Việt Nam đã được đề cập trong nhiều bài viết của Tép Bạc. Mặt hàng tôm chế biến xuất khẩu và chất lượng sản phẩm tôm chế biến xuất khẩu hiện nay đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm. Các nước nhập khẩu tôm của Việt Nam liên tục đưa ra các quy định, tiêu chuẩn, đối với các sản phẩm từ tôm do Việt Nam cung cấp, đây là rào cản kỹ thuật rất lớn. Chính vì lẽ đó, các doanh nghiệp chế biến, khi thu mua tôm nguyên liệu từ thương lái, cũng đưa ra ngày càng nhiều các tiêu chuẩn khắt khe để nhập hàng. Việc thương lái thu mua tôm từ bà con ngày càng kiểm tra kỹ dư lượng kháng sinh, hoá chất, chất cấm…nhằm ép giá, cũng như sàng lọc tôm không nhiễm kháng sinh, chất cấm, nhằm chủ động hơn khi nhập cung cấp tôm nguyên liệu cho nhà máy chế biến tôm.

Thức ăn chiếm hơn 50% chi phí cho vụ nuôi

Sử dụng kháng sinh, hoá chất thường xuyên ngoài hệ luỵ vi khuẩn lờn thuốc, còn ảnh hưởng trực tiếp đến tôm nuôi, làm gan tôm chai, teo, bở, mất dần chức năng gan. Sử dụng thuốc kháng sinh lạm dụng, làm tôm chậm lớn, khó khăn trong điề trị bệnh. Sau thời gian sử dụng thuốc kháng sinh, không tiến hành giải độc gan, bồi bổ sức khoẻ, làm tôm tăng trưởng chậm, đề kháng kém, dễ tái nhiễm bệnh. Chi phí thuốc, hoá chất, trong giá thành sản xuất 1 kg tôm thương phẩm chiếm 15 – ≥ 25%, ngày càng có xu hướng tăng cao hơn, khi dịch bệnh phân trắng, EHP…bùng phát như hiện nay. Mặt khác, tôm thương phẩm nhiễm kháng sinh, hoá chất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng. Đối với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm, tôm nhiễm kháng sinh, hoá chất, gây khó khăn khi tìm đối tác xuất khẩu, mất giá trị cạnh tranh so với các đối thủ khác cùng xuất khẩu tôm, tốn kém nhiều chi phí để xử lý, giá trị hàng hoá thấp. 

Giá thành sản xuất tôm thương phẩm của Việt Nam cao, tôm size 30 con/kg, giá thành sản xuất ≥ 95.000 đ/kg; tôm size 25 con/kg, giá thành sản xuất 110.000 – ≥ 115.000 đ/kg, nên giá xuất khẩu cao, cao hơn các nước khác như Ấn Độ, Ecuador từ 15 – 35 %, đây là một bất lợi lớn trong lợi thế cạnh tranh về giá. Năm 2023, sản lượng tôm Việt Nam giảm mạnh tới 32%, trong khi các quốc gia đối thủ như Ecuador và Ấn Độ tăng sản lượng. Nuôi tôm công nghệ cao tại Việt Nam thả nuôi mật độ dày ≥ 200 con/m2, sử dụng 100 % thức ăn công nghiệp. Nuôi mật độ cao, nhưng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, công nghệ…không tương xứng, khiến tôm dễ bị stress và nhiễm bệnh. Thức ăn chiếm 60 – 65% trong giá thành sản xuất 1 kg tôm thương phẩm.

Việc người nuôi chọn lựa thức ăn phù hợp về chất lượng, giá cả, cách sử dụng…sẽ ảnh hưởng đến hệ số chuyển hoá thức ăn FCR, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất tôm thương phẩm, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, lợi nhuận của mô hình. Cho tôm ăn 100 % so với nhu cầu như một số bà con đang áp dụng cần được tính toán sớm thay đổi, và điều chỉnh lại cho hợp lý. Cần định lượng chính xác tỷ lệ cho ăn, lượng thức ăn sử dụng hàng ngày, theo trọng lượng tôm, theo thời gian nuôi, theo giai đoạn nuôi, theo hàm lượng đạm sử dụng, theo phương thức cho ăn bằng tay hay bằng máy. Quản lý cho tôm ăn thật hiệu quả, chỉ cho tôm ăn 70 – 80 % so nhu cầu thực tế. Chủ động điều chỉnh lượng ăn, lần ăn trong ngày theo sức khoẻ tôm, theo thời tiết, theo chất lượng môi trường nước nuôi…Dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường, phát sinh khí độc, dịch bệnh dễ bùng phát, tăng giá thành, tăng chi phí trong sản xuất tôm thương phẩm. 

Áp dụng thêm một số thiết bị công nghệ cao để hỗ trợ tăng hiệu suất nuôi trồng

Công nghệ nuôi và việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất, nhằm nâng cao giá trị và chất lượng hàng hoá còn hạn chế, chưa được quan tâm đầu tư. Nhiều cơ sở nuôi tôm nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, như BAP và ASC…, dẫn đến giá tôm xuất khẩu không cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ thành công các mô hình nuôi tôm của Việt Nam chỉ đạt 40%, thấp hơn nhiều so với Ecuador (90%) và Ấn Độ (60-70%). Vấn đề này, Tép Bạc đã nhiều lần đề cập trong nhiều bài viết. 

Trong chuỗi giá trị tôm, doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh ở khâu chế biến, tuy nhiên, ở khâu nuôi tôm và khâu phân phối, khó có thể cạnh tranh được với các đối thủ khác. Trong thời gian tới, các nước sẽ bắt kịp và vượt Việt Nam cả về khâu chế biến vì chính phủ và doanh nghiệp của họ cũng đang rất nỗ lực đầu tư công nghệ chế biến. Đối với khâu nuôi tôm, cần nâng cao tỷ lệ thành công mô hình nuôi tôm tại Việt Nam dần tiệm cận 50 – ≥ 60% và ổn định. Bà con nuôi tôm cần thay đổi tư duy, không nên chạy theo sản lượng, cần chú trọng đến chất lượng và tính bền vững của mô hình. Khâu phân phối sẽ dễ dàng tìm kiếm nhiều đối tác, nhà nhập khẩu, khi 4 vấn đề chúng tôi đã đề cập trên được giải quyết căn cơ. 

Lý Vĩnh Phước