Tám Nhanh làm giàu
Nhờ có cách làm ăn hợp lý, ông Tám Nhanh (Võ Văn Nhanh, Ấp 3, xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình) đã trở thành tỷ phú trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Trui rèn trong gian khó
Trong căn biệt thự bề thế bên dòng kinh xáng Phụng Hiệp, ông Tám Nhanh mặc trên người bộ đồ nông dân đã lên phèn thong thả bước ra đón khách. Ấn tượng đầu tiên về ông tỷ phú miệt vườn này là gương mặt hồn hậu và phong thái điềm đạm. Dẫn chúng tôi vào phòng khách, ông Tám Nhanh đùa: “Nhìn vẻ ngoài của tôi mọi người đoán tôi đã mấy mươi rồi?”. Câu hỏi bất ngờ, khiến chúng tôi vừa thích thú nhưng không kém phần ngỡ ngàng. Ông Tám Nhanh cười hiền: “Thấy già vậy chứ tôi mới ngoài 50 tuổi thôi!”.
Hiếm ai nghĩ rằng, ông tỷ phú đang sở hữu trong tay gần 200 công đất nuôi tôm được tạo dựng nên từ đôi bàn tay trắng. Nhớ về thời gian đã qua, ông Tám Nhanh không kìm được xúc động, bởi ông không biết mặt ông bà nội, ngoại và cả cha mình.
Ông Tám Nhanh sinh ra và lớn lên ngay cánh đồng chó ngáp. Trong ký ức tuổi thơ của ông, dọc dòng kinh xáng Phụng Hiệp chưa đầy 10 căn nhà. Đất đai bạt ngàn nhưng toàn là năn với sậy nên chẳng ai buồn cắm ranh đất làm chủ quyền cho riêng mình. Hầu hết bà con chỉ lo làm sao để no bụng trước chớ chưa nghĩ tới việc phát triển kinh tế. Rồi dần dần, người xứ khác lần lượt kéo về định cư nhưng chủ yếu là dân nghèo.
Ông Tám Nhanh lớn lên trong sự đùm bọc và chở che của người mẹ cũng mất sức lao động do chiến tranh. Ông bắt đầu đi làm thuê để kiếm chút tiền công khi mới 13 tuổi. Trong căn chòi lá giữa cánh đồng rộng lớn hoang vu, ông Tám Nhanh cùng mẹ rau cháo nuôi nhau. Mỗi ngày, ông đều ngâm mình dưới các con kinh để đốn mướn lá dừa nước.
Ông Tám Nhanh trần tình, hồi đó, ở đây đồng khô hiu quạnh nên hầu hết đàn ông, trai tráng đều đi xứ khác làm ăn, chỉ có phụ nữ và trẻ con ở lại xứ này. Nếu nhiều người thích đi đến xứ khác làm thuê vì kiếm được nhiều tiền, thì Tám Nhanh lại quyết tâm làm giàu ngay trên mảnh đất mà mình đang sinh sống.
Thời đó, ghe bên Bạc Liêu hay qua đây mua lá dừa nước do bà con trồng nhiều. Nhưng sức của phụ nữ khó lòng kham nổi những việc quá nặng nhọc, bởi thế ông có việc làm hoài. Trầm mình từ mờ sáng đến trời đứng bóng, ông Tám Nhanh đã hạ cả ngàn tàu lá.
Độ khoảng ngàn tàu lá, ông nhận được 2.000 đồng tiền thù lao. Ông ngẫm nghĩ, với số tiền có được từ việc đốn lá thuê, mỗi ngày ông có thể mua được 10 lít gạo, cầm cự trong 5 ngày. Nhưng để tiết kiệm tối đa các khoản chi tiêu, ông Tám Nhanh nảy ra ý định ăn độn khoai lang, bí đỏ với cơm trắng. Nhờ chắt chiu từng đồng tiền mà đến năm 21 tuổi, ông Tám Nhanh đã mua được 17 công đất để lập nghiệp (khoảng 2,2 ha).
"Tay trắng" thành tỷ phủ
Sau khi lập gia đình, ông Tám Nhanh nhận thấy trách nhiệm của mình ngày càng lớn vì phải chăm sóc mẹ già và lo tương lai cho gia đình nhỏ sau này. Thế nên, ban ngày ông đốn lá mướn, ban đêm đi bắt cá ở những lung tự nhiên giữa cánh đồng năn. Nếu may mắn bắt được cá lớn thì ông bán, còn cá nhỏ ông đem về thả nuôi trên diện tích đất của mình.
Cá trong lung nhiều vô kể, mỗi lần bắt cá, với sức của ông, ông có thể vác về nhà hơn 25 kg cá đồng các loại. Ông Tám Nhanh trải lòng: “Tôi luôn chắt chiu những đồng tiền lẻ, vì nhiều tiền lẻ thì mới có tiền lớn. Tất cả số tiền tôi tiết kiệm được, tôi đều mua vàng để tiện quản lý”.
Làm việc không kể ngày đêm, ông mua vàng tích luỹ rồi mua thêm 15 công đất và quyết định thả tôm, cua để gầy dựng sự nghiệp. Khác với những người mới nuôi tôm, ông tìm mua những con giống chất lượng ở các công ty uy tín mặc dù giá cả đắt đỏ. Vì khi mua hàng của họ, đội ngũ nhân viên tư vấn rất nhiệt tình và cung cấp tài liệu hướng dẫn cụ thể, hỗ trợ kỹ thuật xuyên suốt vụ nuôi. Ông Tám Nhanh chia sẻ: “Tôi không quan trọng là chi bao nhiêu tiền, điều quan trọng là vấn đề đó có đáng chi tiền hay không. Vì tôi rất trân quý đồng tiền”.
Một kỷ niệm mà ông Tám Nhanh nhớ mãi, là chỉ trong một đêm xổ vuông đầu tiên được nuôi bằng tôm “chính hãng”, ông đã thu về trên 300 kg tôm sú (đó là những năm 2000). Cầm số tiền bán tôm trên tay, ông lập tức ra thị trấn mua vàng và lần đó đã mua gần hết số vàng 24K mà cửa tiệm ở gần nhà ông đang trưng bày.
Có một điều khá lạ là những hộ xung quanh ông đều nuôi tôm thất bại, dần dần họ đều bán đất lại cho ông. Và trong vòng vài năm, ông Tám Nhanh đã mua được tổng cộng gần 200 công đất sản xuất.
Ông Tám Nhanh tâm tình, theo dõi thị trường những năm qua, ông nhận thấy cung - cầu diễn biến rất phức tạp nên rút ra kinh nghiệm chỉ nuôi những con vật mà mọi người đã bỏ hẳn do giá cả tụt dốc chớ không theo xu hướng nuôi ồ ạt. Vì ông cho rằng, khi nhiều người không còn thiết tha nuôi những con vật đó nữa thì thị trường hụt cung, kéo theo giá thành sẽ tăng cao.
Chăn dắt đàn dê gần trăm con trên vùng cỏ tầm khoảng 5 công đất, ông Tám Nhanh khoe: “Cỏ này là tôi đi tới vùng núi phía Bắc mua về trồng. Vì dinh dưỡng trong cỏ rất cao nên dê chóng lớn và mau sinh sản. Bầy dê mới đầu chỉ khoảng 20 con, đến nay tăng lên rất nhiều. Mỗi năm tôi đều bán dê thịt”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lộc Đông Hứa Thanh Phong cho hay, ông Tám Nhanh là người tiên phong nuôi dê. So với bò thì dê giá thành cao và dễ chăm sóc hơn. Từ khi thấy ông nuôi dê hiệu quả, nhiều bà con làm theo, nhờ vậy mà đời sống cải thiện rõ nét.
Ông Tám Nhanh là người tiên phong nuôi dê thương phẩm ở Tân Lộc Đông.
Cạnh bên đồng cỏ là nhiều trại nuôi cá sấu tầm cỡ được xây dựng cách đây vài tháng. Lần này, ông Tám Nhanh quyết tâm đầu tư nuôi cá sấu, vì theo ông, những năm qua nông dân khóc ròng vì con vật này nên ai cũng ngán ngẩm bỏ cuộc. Mà người ta bỏ thì ông lại thích nuôi, vì ông tiên đoán rằng, tầm khoảng một năm tới giá cá sấu sẽ tăng cao.
Không ai lựa chọn được nơi mình sinh ra nhưng có quyền lựa chọn cách mình sống. Bản thân ông đã quá thiệt thòi từ tấm bé nên dù có khó khăn cách mấy, ông cũng dốc sức ươm mầm thế hệ sau. Mặc dù sở hữu rất nhiều tài sản nhưng điều ông hài lòng nhất là cả 3 người con của ông đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Riêng ông Tám Nhanh không ngưỡng mộ người khác vì của cải, vật chất họ đang nắm giữ, mà ông ngưỡng mộ nghị lực vươn lên của người ấy.
Chia sẻ về bí quyết nuôi tôm, ông Tám Nhanh cho biết, mỗi năm ông cải tạo đất một lần và mướn xáng vên sét, bao đắp bờ vuông. Cứ cách 2 tháng là ông thả tôm, cua, nhưng thả nhiều nhất là đầu tháng 4 và tháng 10 âm lịch. Ông lý giải, thời điểm từ tháng 4 đến tháng 10 mực nước chuyển từ mặn sang ngọt và từ tháng 10 đến tháng Chạp nước chuyển từ ngọt sang mặn. Nếu như tôm được thả thời điểm đầu tháng 4 và đầu tháng 10 thì phát triển rất nhanh. Và trước khi thả ra vuông, ông Tám Nhanh dèo tôm giống khoảng 20 ngày để tăng sức đề kháng. Điều đặc biệt, ông Tám Nhanh rất hạn chế tháo lấy nước, tránh tình trạng nước sông bị ô nhiễm ảnh hưởng đến nguồn nước trong vuông tôm.