TIN THỦY SẢN

Tam Nông phát triển nghề nuôi rắn ri voi

Những năm gần đây, không ít nông dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã tận dụng diện tích đất trống cạnh nhà, đầu tư vốn xây dựng bồn xi măng để thực hiện mô hình nuôi rắn ri voi, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Rắn ri voi giống được bán với giá từ 80.000đ - 100.000đ/con. Trung bình, con rắn ri voi giống sau một năm nuôi sẽ đạt trọng lượng trên-dưới 1 kg. Giá bán bình quân 600.000đồng/kg rắn thương phẩm…

Anh Mai Minh Mẫn (sinh năm 1977) đã có hơn 6 năm trong nghề nuôi rắn ri voi trong bồn xi măng ở ấp Long Phú A, xã Phú Thành A cho biết: Bồn nuôi rắn ri voi được thiết kế rất đơn giản bằng xi măng trên một khoảng sân trống hình chữ nhật. Bên trên có mái che mưa-nắng. Bồn được xây cao khoảng 1,2m, chiều ngang khoảng 1m và chiều dài từ 1,2 - 1,5m...

Gần đáy bồn, anh Mẫn thiết kế một đường ống dẫn nước để dễ dàng thay nước và làm vệ sinh bồn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Anh Mai Minh Mẫn hiện đang nuôi 100 con rắn ri voi bố-mẹ, 200 con rắn ri voi trưởng thành từ 700gram - 1 kg/con và 200 rắn ri voi con trong 4 bồn xi măng cạnh nhà.

Anh Mẫn vui vẻ bày tỏ: “Rắn lứa đẻ theo rắn lứa từ 7 - 10 con. Rắn nuôi được 1 năm, 2 năm trở lên, nó đẻ bình quân 25 con. Năm thứ 3, năm thứ tư nó đẻ từ 30 con. Năm sau nó tăng lên. Nói chung, theo con rắn già-rắn mẹ, nó đẻ 30 con, nó đẻ thẳng ra con luôn chứ không đẻ trứng. Còn rắn mẹ mới đầu đẻ con so từ 7 - 10 con đều đều; con rạ thì đẻ gấp đôi số lượng con. Con rắn này nói chung rất dễ nuôi, có thể để trong thùng muốt, trong lu, trong khạp hoặc xây bồn… Điều kiện nuôi, mình có nuôi cá trê, nuôi ếch… Ương ếch Thái, cá trê giống cho nó đẻ rồi mình bắt ếch con cho nó ăn…”

Theo anh Mẫn thì: cứ đầu tư từ 3 - 4 kg thức ăn sẽ cho ra 1kg rắn thương phẩm, đó là chưa kể con rắn cái đẻ mỗi năm 1 đợt. Sau khi đẻ rắn con, nuôi được hơn một tuần, rắn con bắt đầu lột da và tăng trưởng rất nhanh… Trong thời gian nuôi, mỗi tuần anh Mẫn thay nước bồn 2 lần để tránh dơ bồn và giúp đàn rắn ri voi phát triển nhanh. Anh Mẫn còn thường xuyên kiểm tra nguồn thức ăn thừa-thiếu, vệ sinh bồn sạch sẽ để tiêu diệt mầm bệnh và tách bầy rắn nuôi riêng tùy theo kích cỡ rắn lớn-nhỏ. Rắn con mới nở được anh Mẫn thả nuôi riêng…

Anh Mẫn cho xây 4 bồn xi măng để nhốt riêng từng loại rắn nhỏ, rắn trưởng thành và rắn bố-mẹ. Nhờ vậy, đàn rắn ri nuôi của anh Mẫn tăng trưởng nhanh, không bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp và sinh sản đều...

Trong thời gian nuôi từ năm 2005 đến nay, gia đình anh Mẫn đã xuất bán được 4 đợt, với hơn 2.000 con rắn ri voi giống và rắn ri voi thương phẩm. Giá bán 600.000 đồng/kg rắn ri voi thương phẩm và từ 80.000đ -100.000đ/con rắn ri voi một tuần tuổi cho người dân có nhu cầu nuôi. Thu nhập trên 300 triệu đồng, trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc anh Mai Minh Mẫn còn thực lãi hơn 120 triệu đồng! Nhưng đàn rắn ri voi của anh nuôi không đủ để bán.

Hiện tại, anh Mẫn đang nuôi hàng trăm con rắn ri voi các loại trong 4 bồn xi măng cạnh nhà. Đàn rắn ri voi nuôi của anh Mai Minh Mẫn đang được gia đình anh chăm sóc cẩn thận và rắn đang tăng trưởng tốt… hứa hẹn sẽ tiếp tục có nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình…

Nhiều nông dân trong và ngoài huyện Tam Nông hiện đang thuần dưỡng và nuôi nhốt loài rắn ri voi quý hiếm, vừa đem lại nguồn lợi nhuận kinh tế cho gia đình- vừa góp phần bảo tồn loài động vật hoang dã và vừa cung cấp nọc rắn để làm dược liệu bào chế thuốc trị bệnh cho mọi người.

Đây là mô hình độc đáo đang được các ngành chức năng nghiên cứu phát huy và nhân rộng để giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống và từng bước khá-giàu, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển…

Ông Nguyễn Văn Mãi - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành A cho biết: “Nhà tôi cũng gần nhà anh Mẫn, tôi tới lui tham quan thì thấy mô hình này đạt hiệu quả. Con này nuôi rất dễ, không bị ảnh hưởng dịch bệnh gì, năng suất và thu nhập khá cao. Nghề này nó cũng rãnh rỗi: khi bận công việc cứ đi làm thoải mái, mồi cho nó ăn thì cứ xúc mồi cá có sẵn cho nó ăn…

Mô hình nuôi rắn ri voi này phát triển rất tốt cho địa phương, chắc có thể vận động bà con đến tham quan, khuyến khích nuôi. Chỗ con giống của anh Mẫn rất tốt, thành ra có thể phát triển thêm mô hình này ở địa phương”

Đài TT Tam Nông, 05/04/2012