Tát đìa ăn Tết
Từ khoảng Rằm tháng Chạp âm lịch, người dân vùng giáp ranh các tỉnh Bạc Liêu - Kiên Giang - Hậu Giang lại rộn ràng tát đìa ăn Tết. Tiếng máy tát đìa giòn giã, tiếng mọi người hô vang khi bắt được cá bự... khiến cả xóm cùng vui. Đó cũng là cách ăn Tết riêng của người miền Tây, vẫn được giữ gìn từ xưa đến nay.
Tờ mờ sáng 20 tháng Chạp, ông Nguyễn Văn Ðức (Hai Ðức), ngụ ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, đã chuẩn bị châm xăng vào chiếc máy Honda 6,5 mã lực để chuẩn bị tát đìa. Bà Hai Ðức thì sửa soạn xô, thau, rổ, vợt để chờ đìa cạn bắt cá. Các con, cháu của ông bà Hai cũng tề tựu về rất đông để cùng tát đìa. Ngồi chờ đìa cạn, ông Hai Ðức kể lại hồi ức tát đìa ăn Tết thuở trước...
Theo ông, đìa cá thường giáp với kênh, rạch, sông, chủ đìa đào đường nước, đặt ống bọng cho thông nhau. Có người còn đặt chà, trồng thêm mớ bông súng trong đìa để tạo môi trường thuận lợi cho cá ở và sinh sản. Gần Tết, chủ đìa sẽ tiến hành tát đìa. “Hồi xưa tát đìa đông vui lắm chứ không phải như vầy đâu” - ông Hai Ðức vừa nói vừa chỉnh chiếc máy đang chạy để bơm nước từ đìa ra sông. Hồi xưa tát đìa là cả xóm lại phụ, đắp đập và tát nước bằng tay, bằng gàu sòng, rất lâu nước mới cạn dù đã xả nước ra bọng từ đêm trước. Cánh lực điền thay nhau tát nước đến mấy tiếng đồng hồ thì đìa mới trơ đáy dần. Bây giờ, đã có máy và dụng cụ bơm nước - gọi là “đầu bò” nên rất tiện dụng, chỉ cần tốn vài ba lít xăng là đìa đã cạn nước.
Nước trong đìa cạn dần. Mấy đứa cháu của ông Hai Ðức nôn nao nhảy xuống bắt những chú cá nổi đầu vì không chịu nổi nước sình sắp cạn. Những con cá lóc, cá trê trắng, cá mè vinh, cá phi... lần lượt được “tóm gọn”. Các chị phụ nữ trên bờ đìa thì đi vòng vòng tìm và chỉ. Rồi tiếng reo hò khi bắt được cá, tiếng cười vang khi con cá bị bắt hụt, chúi xuống sình... làm nên không khí ngày Tết thật đậm chất miền Tây.
Hơn 30 ký cá đủ loại ú mềm, tươi ngon được thu hoạch xong. Ông Hai Ðức chia phần hết thảy cho các con và lối xóm, phần còn lại ông để rọng ăn Tết. Mùng 4 Tết nhà ông Hai Ðức có đám giỗ, con cháu tụ họp về đông lắm nên ông muốn để dành cho con cháu biết vị Tết miền Tây. Ông Hai Ðức nói: “Năm nào cũng rầy đìa cá, Tết có đặng mà tát ăn. Mấy đứa nhỏ ở chợ về ưa lắm, cá đồng nên ngon”. Dĩ nhiên, sau bữa tát đìa, mấy con cá lóc được nướng trui ngay tại bờ đìa, bữa lai rai cứ thế mà ấm nồng ngày giáp Tết.
Nhà của ông Ðặng Văn Nhỏ (Út Nhỏ) ở ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, cách nhà ông Hai Ðức chỉ một con sông, cũng vừa mới tát đìa xong. Ông Út Nhỏ than năm nay đìa thất, chỉ được vài chục ký, phần nhiều là cá phi chứ không nhiều cá lóc, cá trê. “Bây giờ cá ít dần, chứ hồi trước mỗi lần tát đìa là ăn cả xóm” - ông Út nói. Theo kinh nghiệm, việc tát đìa tốt nhất là chừng lối 20 tháng Chạp âm lịch trở đi để cá rọng không quá lâu, tránh bị chết hoặc ốm, mất ngon. Tát đìa là cách bắt cá thuận tự nhiên, chỉ bắt cá lớn, không bắt cá nhỏ nên mùa sau lại có cá ăn tiếp. Ðiều đáng quý là sau khi bắt cá, dù ít dù nhiều, chủ đìa đều chọn cá gửi chút ít cho lối xóm “ăn lấy thảo” - một nét đẹp tình làng nghĩa xóm đáng trân trọng.
Nói chuyện tát đìa ăn Tết, người viết lại nhớ kỷ niệm tuổi thơ của chính mình với chuyện “bắt hôi”. Hồi nhỏ, chủ đìa bắt cá ăn Tết thì mấy đứa con trai chừng 9-10 tuổi leo lên cây bình bát tìm bóng mát mà ngồi “chờ thời”. Chừng nào chủ đìa tuyên bố bỏ đìa, cuốn gói về là lúc tụi nhỏ căng mắt nhìn. Những chú cá lóc, cá trê có khả năng chúi xuống sình rất lâu và rất sâu để trốn, nhưng lâu quá thì nước sình dần sệt, lại thêm nắng gắt, cá chịu không nổi đành ngoi đầu lên. Tụi nhỏ ai thấy được thì “xí” trước rồi lao xuống bắt. Cá bắt hôi dù không nhiều nhưng lại là cá bự. Chủ đìa thấy vậy thì vui vẻ chứ không phiền lòng chi hết. Bữa nào trúng mánh, gặp đìa lớn, cá nhiều, bắt hôi được vài ba ký cá là chuyện thường. Ðứa trẻ xách sâu cá xỏ bằng dây bình bát đẹp về cho mẹ, quần áo, mặt mày lấm lem bùn sình, thế nào cũng bị mẹ rầy cưng: “Mình mẩy như bắt hôi vậy hà!”. Mà, quả là mới đi bắt hôi về thiệt!
Minh Thiện, cháu ngoại ông Hai Ðức, mới học lớp 1, nhưng bắt cá nhanh nhẹn, chính xác, không thua người lớn là mấy. Vừa dẻ miếng cá ăn, Minh Thiện dí dỏm: “Con cá này hồi nãy con bắt nè, cái mình ú quay!”. Mọi người cười rân. Tết miền Tây đầm ấm từ những tập tục bình dị như tát đìa ăn Tết!