Tây Bắc biến rêu thành đặc sản thơm ngon
Vùng núi Tây Bắc không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên hữu tình mà còn có nền văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào các dân tộc sinh sống ở đây. Đến với vùng rừng núi này, du khách nên một lần thưởng thức món rêu đá – món ăn đặc trưng làm nên nét hấp dẫn trong văn hóa ẩm thực của người Thái.
Rêu đá là một món ăn đặc sản của người Thái ở miền núi Tây Bắc, Việt Nam và các tỉnh Loei và Nakhon Ratchasima, Thái Lan. Cùng với măng chua, thịt gác bếp, rêu đá là món ăn không thể thiếu trong những bữa cơm đón tiếp khách quý của người Thái và được coi là đặc sản Tây Bắc độc đáo. Tuy nhiên, do số lượng có hạn, không thể vận chuyển đi xa và thời gian bảo quản ngắn nên rêu đá vẫn còn khá xa lạ với các địa phương khác.
Ảnh: Sigup
Sự tích về món rêu đá kể rằng, ngày xưa, có một đôi trai gái yêu nhau nhưng lại gặp sự cản trở của vị Chúa đất nơi họ sinh sống, họ đã quyết định cùng nhau chạy trốn tới một đỉnh núi cao. Cô gái khóc nhiều đến nỗi nước mắt của nàng chảy thành dòng nước lớn đổ từ trên đỉnh núi.
Cuối cùng, để được bên nhau mãi mãi, họ đã lao xuống dòng nước đó. Cơ thể của người thanh niên đó đã hoá thành những mảnh đá, còn mái tóc dài của cô gái lại biến thành một loại rêu mọc trên những tảng đá đó. Từ đó, món rêu đá trở thành món rau đặc sản của người dân Tây Bắc.
Ảnh: Sigup
Rêu đá thường mọc lúc chớm thu khoảng vào tháng ba âm lịch và theo mùa từ tháng 9, tháng 10 âm lịch đến hết tháng 5. Rêu được chia ra ba loại: Tau là loại mọc từng mảng ở ao, khe suối, sông Đà; Cay có màu xanh, mọc rời rạc ở suối Nậm He; và Cui có dạng như sợi tóc, mọc trên đá ở khu vực Nậm Mức, Nậm Mu, sông Nậm Rốm, Pá Nậm.
Rêu đá có thời hạn sử dụng rất ngắn, khoảng 2 đến 3 ngày và thường mọc ở nơi các nguồn nước chảy mạnh, chân thác, bám vào những tảng đá to giúp cho rêu dễ phát triển. Khi để lâu hơn, rêu sẽ bị khô và không ngon. Người Thái thường lấy rêu bằng cách đi dọc theo các khe suối, dùng dao tách những sợi rêu đang bám chặt vào đá, sau đó dùng chày gỗ đập rêu để làm bung lớp đất cát bám bên ngoài.
Đi hái rêu là một nét đẹp văn hóa của người Thái, khi một ngày đẹp trời cả bản nghỉ nương rẫy rủ nhau tới các bãi rêu như đi trảy hội. Với tâm ý, rêu là của đất trời, hái được nhiều sẽ có nhiều tài lộc nên ai cũng đi hái rêu để tích trữ.
Để chế biến món ăn từ rêu đá có rất nhiều cách phổ biến như luộc, nộm, xào, nấu canh hay nướng. Rêu đá nấu canh là món đơn giản nhất. Người ta lấy chày gỗ đập nát rêu cho hết tạp chất bám trên đó rồi rửa sạch. Cắt rêu thành các đoạn nhỏ, cho vào nước luộc gà hoặc xương hầm, nêm gia vị vừa khéo, đến khi chín sẽ dậy lên hương thơm hấp dẫn. Ngồi giữa núi rừng Tây Bắc, thưởng thức bát canh rêu đá nóng hổi trong tiết trời se lạnh mới thấy cái thú của ẩm thực vùng cao.
Ngoài ra, rêu đá còn có thể đem làm nộm. Món này thường chế biến với rêu non. Rêu rửa sạch được đồ chín, sau đó trộn với súp, mì chính, gừng, mùi, hạt tiêu rừng, có thể thêm ớt nướng giã nhỏ.
Nhưng đặc biệt thơm ngon so với các món rêu khác phải kể đến món rêu đá nướng. Đầu tiên người ta sơ chế rêu bằng cách để lên thớt đập nhiều lần cho sạch cát ở trong vì rêu lấy từ suối dính lẫn tạp chất. Sau đó đem rêu tẩm với các gia vị thông thường như mì chính, gừng, sả, hành, hạt sen,... được bao bọc trong lá dong hoặc lá chuối rồi kẹp tre nướng trên than hoặc có thể vùi vào trong tro nóng đến khi gói rêu dậy mùi lên thơm phức.
Để làm tăng thêm sự thơm ngon của món này, người dân thường nướng kèm với các loại thịt gà, thịt lợn và cá. Có những nơi, người ta sử dụng ống nứa non thay cho lá chuối nên rêu nướng có vị ngọt đặc trưng. Rêu nướng chín mỏng tang, giòn và thơm ngon đặc biệt. Thưởng thức món rêu đá nướng ngon nhất là khi nhâm nhi với rượu cần trong khung cảnh quây quần đầm ấm.
Rêu đá sau khi hái có thể bảo quản tươi được 2-3 ngày, người Thái cũng tích trữ rêu khô phơi gác bếp để ăn dần hay dùng trong các dịp trọng đại như cưới hỏi, lên nhà mới hay lễ hội.
Theo kinh nghiệm dân gian, rêu đá là một món ăn mát lành giúp lưu thông khí huyết, giải độc, thanh nhiệt, hạ huyết áp cũng như nhiều công dụng khác. Rêu không ai gieo trồng mà tự mọc là một món quà của đất trời ban cho, chỉ cần giữ nguồn nước cho thật sạch. Nhưng số lượng có hạn và không bảo quản tươi được lâu nên món ăn này ít phổ biến, chính bởi vậy rêu đá được coi là một đặc sản Tây Bắc mà chỉ đến đây bạn mới được thưởng thức.