Thạch Kim giàu lên nhờ biển
Phát huy lợi thế xã biển, Thạch Kim (Lộc Hà - Hà Tĩnh) đã tập trung khai thác hải sản gắn với phát triển chế biến sản phẩm, dịch vụ; nhờ đó bức tranh phát triển kinh tế ngày càng khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 42 triệu đồng.
Tấp nập trên bến, dưới thuyền
Sau hơn 3 ngày đánh bắt cách bờ 40 hải lý, tàu cá 400 CV của anh Đỗ Văn Tiến ở thôn Long Hải, xã Thạch Kim đã cập cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) và mang về hơn 3 tạ cá thu lồi, cá nục, cá nhỡ cùng một số hải sản khác.
Toàn bộ hải sản trên đã được thu mua hết ngay tại thuyền với gần 20 triệu đồng. Sau khi nhận 1,7 triệu tiền thù lao/người, 4 thuyền viên trên tàu được về nhà nghỉ ngơi để ngày kia tiếp tục vươn khơi...
Cách đó không xa, tàu đánh bắt xa bờ của anh Bùi Văn Đình (thôn Giang Hà) cũng đã chuẩn bị đầy đủ ngư cụ, đá lạnh, nước uống, lương thực, thực phẩm để chuẩn bị xuất bến. Theo kế hoạch, chuyến đi này, chủ tàu và 5 thuyền viên sẽ đánh bắt khoảng 1 tuần ở khu vực cách bờ 40 - 50 hải lý. Đây là chuyến biển thứ 2 sau tết Nguyên đán nên các ngư dân trên thuyền đều hy vọng sẽ đánh bắt được nhiều hải sản.
Lực lượng chức năng nhắc nhở ngư dân chấp hành các quy định đánh bắt và thức hiện các phép an toàn phòng và chống dịch Covid - 19
Hiện nay, toàn xã Thạch Kim có 107 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó 24 chiếc có công suất trên 90 CV. Từ đầu năm đến nay, đội tàu của xã đã đánh bắt được 137 tấn hải sản, cho giá trị khoảng 11 tỷ đồng. Đây là dấu hiệu tích cực để năm 2021 này, Thạch Kim đạt sản lượng đánh bắt 2.100 tấn hải sản các loại với tổng trị giá khoảng hơn 90 tỷ đồng.
Cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập vào buổi sớm mai ở cảng cá Cửa Sót (xã Thạch Kim)
Chủ tịch UBND xã Thạch Kim Trần Đình Hưng thông tin: “Những năm gần đây, Thạch Kim đã chú trong nâng cấp đội tàu thuyền, mua sắm ngư cụ, đổi mới phương thức đánh bắt để mở rộng ngư trường… Nhờ vậy, tổng sản lượng khai thác trong 5 năm qua lên đến 10.319 tấn, mang về nguồn thu khoảng 361 tỷ đồng. Tới đây, chúng tôi tiếp tục chăm lo cho hoạt động đánh bắt, phấn đấu khai thác 2.100 - 2.200 tấn/năm”.
Chế biến, thương mại phát triển
Hòa trong khung cảnh tàu thuyền ngược xuôi ra vào cảng là không khí buôn bán tấp nập trên bờ. Mỗi buổi sáng sớm, ngay tại cảng, các loại hải sản tươi ngon được chuyển lên xe để chở đi khắp các khu chợ. Tiếp đó là hệ thống cửa hàng, kho đông lạnh, cụm làng nghề buôn bán, chế biến nước mắm, ruốc, hải sản đông lạnh, mực khô, cá nướng… hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm.
Những loài hải sản tươi ngon vừa đánh bắt về đươc bày bán ngay tại cảng
Ngoài sản lượng do ngư dân địa phương đánh bắt, mỗi năm, ở cảng cá Cửa Sót còn đón gần 18.000 lượt tàu thuyền của các địa phương trong và ngoài tỉnh ra vào, mang về gần 8.000 tấn hải sản đã giúp hoạt động chế biến, kinh doanh hải sản ở vùng biển cửa ngày ngày càng phát triển.
Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm, doanh thu từ kinh doanh, buôn bán, chế biến các hải sản là 20 tỷ đồng. Dự kiến, trong năm 2021, lĩnh vực này sẽ mang về doanh thu hơn 200 tỷ đồng trong toàn xã.
Cơ sở chế biến mực Ngọc Diệp nâng tầm sản phẩm OCOP 3 sao
Chủ tịch UBND xã Thạch Kim Trần Đình Hưng cho biết thêm: “Trên địa bàn hiện có 15 cơ sở và 3 HTX cấp hàng đông lạnh, 3 cơ sở chế biến ruốc và nước mắm quy mô lớn, hàng trăm hộ chế biến, kinh doanh các mặt hàng hải sản. Qua đó giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ và mỗi năm mang về nguồn thu từ 200 - 220 tỷ đồng, chiếm khoảng 65% giá trị ngành chế biến, thương mại, dịch vụ của xã”.
Kinh tế biển góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân vùng biển
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung khuyến kích Nhân dân mở rộng hoạt động chế biến, quy mô sản xuất, phát triển kinh doanh gắn với xây dựng các sản phẩm OCPOP. Hiện đã có 3 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao là: ruốc kem Hương Xuân, mực khô Ngọc Diệp và nước mắm Đồng Châu; năm nay, sẽ phấn đấu có thêm 2 - 3 sản phẩm OCOP” - Chủ tịch UBND xã Thạch Kim nói thêm.