TIN THỦY SẢN

Thấy đời trong nước

Sông Hồng buổi bình minh lên. Ảnh: Hồng Vân Phan Cẩm Thượng

Mỗi một miền quê, mỗi một con người đều gắn với một con sông theo nghĩa đen, nghĩa là dòng sông là nguồn sống, nơi cung cấp nước và thuỷ sản. Sự gắn bó này có tính chất sống còn, lâu đời, và trở thành một khái niệm quê hương đất nước không tách rời.

Nước với người Việt quan trọng đến mức đồng nghĩa với quốc gia, khác với nhiều dân tộc gọi quốc gia mình là đất (land). Từ nước – sông được coi là khái niệm đồng nghĩa, chỉ khác hình dạng, người Bahnar gọi là Dak, người Jrai gọi là Ia hay Krong, người Tày Thái gọi là Nậm… trong những khái niệm đó nước và sông là một. Các địa danh phần nhiều bắt đầu từ khái niệm nước và núi. Người ta nói văn minh Việt cổ xưa hình thành trên đồng bằng sông Hồng và sông Thái Bình, sử gia Trần Quốc Vượng cho rằng nên nói là châu thổ sông Hồng, vì phần lớn địa hình miền Bắc không bằng phẳng, sông không chỉ chảy xuống đồng bằng mà còn xuyên qua nhiều núi. Trừ Thái Bình, tỉnh nào cũng có núi.

Vị giáo sư người Mỹ Benier ở đại học Colorado, khi sang Việt Nam có nhận xét, tuy cực đoan: “Mọi con sông ở châu Á đều bắt nguồn từ Tây Tạng cho nên văn minh châu Á có nguồn gốc từ Tây Tạng đi theo các dòng sông trở xuống”. Khi nhờ tôi dẫn tham quan các di tích Việt Nam, ông chỉ chú ý đến mỗi cái đình và điêu khắc đình làng và cho đó là Việt hơn cả và gần với các phẩm chất Tây Tạng nhất. Điều này đúng một phần: cảm quan sông nước từ cái đình và cấu trúc phù điêu phức hợp nhiều chiều của điêu khắc đình làng, không có gì chung với nghệ thuật Trung Hoa, mà người Việt từng chịu ảnh hưởng. Tôi cảm thấy những dãy phù điêu kéo dài của điêu khắc đình làng chả khác nào một dòng sông – cuộc đời thu gọn.

Tôi từng đến sông Dương Tử (Trung Hoa), sông Mississippi (Mỹ) và sông Mekong, thì thấy con sông Hồng nhỏ bé so với nhiều sông lớn lục địa, nhưng đối với tuổi thơ của mình, sông Hồng quá lớn. Tuổi thơ từng bơi ở sông Hồng nhưng cũng chỉ dám mon men bờ nước. Tôi còn có bao kỷ niệm với sông Cầu, sông Đuống, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Cà Lồ và nhiều con sông nhỏ khác trên bước đường lang thang của mình. Dọc triền sông hai bên có biết bao làng mạc, đình đền chùa của những làng mạc ấy đều hướng ra sông cả, và hình như phong cách nghệ thuật (kiến trúc và chạm khắc cứ theo triền sông mà biến đổi dần). Những ngôi đình đền chùa nổi tiếng như đình chùa Thổ Hà (sông Cầu), đền Đa Hoà (đền Chử Đồng Tử, sông Hồng), đình Chèm (sông Hồng), chùa Bà Đanh (sông Đáy), chùa Bút Tháp (sông Đuống)… đều toạ lạc trên các triền sông. Có lẽ một ngày nào đó, người ta phải tìm hiểu đời sống tâm linh của con người gắn với sông thế nào.

Cho đến nay tôi vẫn thích đi đò, dù việc này khá nguy hiểm, nhất là phóng xe máy từ mặt đê cao xuống dưới tít dốc đò. Cây gạo cây đa bến đò được người xưa trồng có nhã ý như một cây cột báo bến nước từ xa, dưới đó bao giờ cũng có một quán nước, bát chè xanh cái kẹo lạc, rồi hóng gió mát từ lòng sông tâm hồn người ta thư thái hẳn, đó là cái cảm giác trống rỗng dịu dàng không có được từ đâu cả, nhất là vào mùa đông hiu quạnh, đò vắng chờ lâu. Tôi nhớ những tháng năm ở rừng, có con phà nhỏ, mắc dây song tự kéo (không có chủ) ở con sông nhỏ trong rừng sâu. Những con sông đó thường xanh ngắt, lặng lẽ không thể tưởng, chỉ còn nghe tiếng gió reo nhẹ trên tận ngàn cao. Đi dọc theo những con sông trong rừng, ta đến được những con sông nhỏ chảy ra trung du và đồng bằng, rồi nhập vào các sông lớn. Những con đường ven sông không dễ đi, nhưng đầy những câu chuyện, sự tích và ở mỗi ngã ba sông, khi nó gặp con sông khác bao giờ cũng có làng bản và truyền thuyết đáng ngờ. Ai nấy có lẽ nên đi theo con sông của mình, dù nước cả hay dòng cạn, dù sông lớn hay nhỏ, và đó là chuyến hành trình im lặng để nhìn thấy mình trong đất nước.

Phan Cẩm Thượng Báo Sài Gòn Tiếp Thị, 28/01/2014