Thủy sản “nhắm” 10 tỷ USD, không dễ!
Qua nửa chặng đường, xuất khẩu (XK) thủy sản dù tăng trưởng khá tốt song mới đạt trên 40% kế hoạch năm. Bởi vậy, ngành thủy sản nhận định để đạt mục tiêu XK 10 tỷ USD trong cả năm 2018 không phải đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực lớn.
Tăng 12,9%
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT): Nửa đầu năm, kim ngạch XK thủy sản ước đạt trên 4 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. So với chỉ tiêu kế hoạch XK cả năm, kim ngạch XK thủy sản đạt 40,3%.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho hay: Nửa đầu năm, công tác quản lý tàu cá, nghề nghiệp ngày được tăng cường, nâng cao. Bằng chứng là số lượng tàu cá được đăng ký, đăng kiểm, cấp phép hoạt động thủy sản đạt tỷ lệ cao hơn so với các năm trước; quản lý thông tin về hoạt động của tàu cá trên biển đã có bước tiến bộ đáng kể. Bên cạnh đó, công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác tại các địa phương đã dần đi vào ổn định. Số lượng các lỗi cảnh báo của cơ quan thẩm quyền châu Âu đã giảm so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, điểm đáng ghi nhận là, trong nuôi trồng thủy sản không để xảy ra dịch bệnh, vật tư đầu vào, chất lượng con giống được kiểm soát; kết quả sản xuất các đối tượng chủ lực tiếp tục theo định hướng tái cơ cấu, có hiệu quả hơn, sản lượng tôm nước lợ và cá tra đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Còn trong khai thác hải sản, tiếp tục bảo đảm an toàn đối với người và tàu cá, chất lượng hải sản khai thác (đặc biệt là cá ngừ) được cải thiện, nâng cao hiệu quả sản xuất…
Ông Luân thông tin thêm, trên cơ sở những gì đã đạt được, nửa cuối năm, Tổng cục Thủy sản tập trung đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng ngành với các con số cụ thể như: Tổng sản lượng thủy sản là trên 3,9 triệu tấn và kim ngạch XK gần 6 triệu USD. Tổng cục Thủy sản cũng xác định sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về khắc phục “thẻ vàng” IUU; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vi phạm quy định IUU; ngăn chặn các tàu khai thác vùng biển các nước…
Đánh giá cao những kết quả mà ngành thủy sản đạt được trong nửa đầu năm, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám phân tích: “Với XK thủy sản nói chung, nửa đầu năm đạt 4 tỷ USD là đáng mừng nhưng so với chỉ tiêu 10 tỷ USD mà Bộ trưởng đặt ra cho ngành thủy sản, nhiệm vụ còn rất nặng nề, còn rất nhiều việc phải làm. Đơn cử như với tôm-mặt hàng tác động chủ yếu tới kim ngạch XK thủy sản. Trong sản xuất, nuôi trồng tôm, nửa đầu năm sản lượng mới đạt 258 nghìn tấn/743 nghìn tấn đặt ra cho cả năm. Điều này không đặt ra quá nhiều lo lắng bởi kinh nghiệm cho thấy, có những năm nửa đầu năm sản lượng tôm chỉ đạt 190 nghìn tấn, song cả năm vẫn đạt sản lượng đề ra. Nhưng đây cũng là điểm phải cố gắng”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.
Nâng năng suất, giảm giá thành
Là người nhiều năm gắn bó với công tác chỉ đạo, điều hành ngành thủy sản, Thứ trưởng Vũ Văn Tám phân tích: Có hai nhóm giải pháp cần tập trung trong thời gian tới. Thứ nhất, nhóm giải pháp tập trung nâng cao năng suất, giảm giá thành, đảm bảo không sử dụng hóa chất, kháng sinh để sản phẩm tôm, cá tra có thể vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường XK. Với tôm, quan trọng nhất là phải đồng thời “đi bằng hai chân”. Tập trung vào những phương thức nuôi tôm thâm canh, công nghiệp theo hướng công nghệ cao. Hiện nay đã có nhiều mô hình làm tốt, cần nhân rộng lên. Ngoài ra, cần phát triển, nhân rộng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái. Hướng này gắn với tôm sú, là mặt hàng lợi thế của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt nguồn tôm giống. “Với cá tra, ngoài kiểm soát tốt chất lượng con giống, điểm mấu chốt là quản lý tốt thị trường tiêu thụ, XK, nhất là XK tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
Nhóm giải pháp quan trọng thứ hai được Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề cập tới là tập trung tháo gỡ “thẻ vàng” của EC. Thời gian tới sẽ làm quyết liệt vấn đề này. Bên cạnh đó, Luật Thủy sản 2017 đã được Quốc hội thông qua. Trong luật có tiếp thu các kiến nghị từ EC và các tư tưởng mới. Thời gian sau khi công bố luật, Tổng cục Thủy sản đã triển khai nhiều biện pháp để xây dựng văn bản dưới luật, đề nghị nửa cuối năm Tổng cục Thủy sản phải tập trung hơn, trước tháng 8 phải hoàn thiện để trình Bộ NN&PTNT, trình Chính phủ ban hành với chất lượng cao. “Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cần phối hợp tốt với các địa phương trong tập huấn, triển khai Luật Thủy sản”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo.
Đứng từ góc độ Tổng cục Thủy sản, để đảm bảo các mục tiêu đặt ra trong cả năm nay, đặc biệt là mục tiêu XK thủy sản đạt 10 tỷ USD, đơn vị này kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chủ động nắm thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, tháo gỡ rào cản thương mại để ổn định cho XK thủy sản và thường xuyên thông tin cho Tổng cục Thủy sản để chỉ đạo sản xuất sát với diễn biến thị trường. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Thú y tăng cường kiểm soát và cảnh báo sớm dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản nửa cuối năm; tham mưu cho Bộ về phương án tổ chức lại công tác kiểm soát nguyên liệu thủy sản NK để đảm bảo quá trình kiểm soát nguyên liệu thủy sản NK sử dụng cho các lô hàng XK đi châu Âu được thực thi bởi cơ quan có đủ năng lực và có hệ thống quản lý phù hợp.
Ông Luân cho biết thêm, Tổng cục Thủy sản kiến nghị Bộ NN&PTNT đồng ý chủ trương đầu tư triển khai thực hiện dự án Thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn 2 (khoảng 125 tỷ đồng) từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ và đề xuất với Chính phủ cho phép sử dụng nguồn kinh phí dự phòng ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện đầu tư nâng cấp một số cảng cá loại I nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của EC trong việc giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc và quản lý khai thác.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): XK thủy sản thời gian tới sẽ khả quan, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc. Nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của Trung Quốc ngày một cao, nhất là mặt hàng cá tra, cá ngừ, tôm đông lạnh, dầu cá, mặt hàng cá khô, cá đóng hộp tẩm gia vị... Từ ngày 1/7, Trung Quốc chính thức giảm thuế NK từ 2-10% cho 221 sản phẩm thủy sản từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đặc biệt, thuế NK philê cá tra đông lạnh sẽ giảm từ 10% xuống còn 7%; thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh sẽ giảm từ 12% xuống 7% sẽ tạo cơ hội để DN XK của Việt Nam vào thị trường này. Tuy nhiên, XK thủy sản vào các thị trường truyền thống như EU, Mỹ đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến hàng rào thuế quan và kiểm dịch an toàn thực phẩm. Để nâng cao giá trị và phát triển bền vững các sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra, trong thời gian tới cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm này.