Tỉnh Khánh Hòa giúp ngư dân đóng tàu cá hiện đại
Sau thời gian chậm tiến độ cho vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 (một số chính sách phát triển thủy sản) do gặp nhiều vướng mắc trong khâu thiết kế mẫu tàu, dự toán kinh phí, thẩm định giá… tỉnh Khánh Hòa đang có những cách làm thông thoáng nhằm đưa đoàn tàu hiện đại từ “vốn 67” vươn khơi.
4 ngư dân được vay “vốn 67”
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức lễ ký kết hợp đồng vay vốn tín dụng theo Nghị định 67/NĐ-CP giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Khánh Hòa và Ngân hàng NNPTNT (Agribank) Chi nhánh Khánh Hòa với 3 ngư dân địa phương.
Ngư dân Võ Văn Vẽ đầu tư tàu vỏ gỗ, công suất 657 CV, vốn đầu tư 6,3 tỷ đồng, được Agribank Khánh Hòa cho vay 4,41 tỷ đồng. Các ngư dân Lê Tấn Hiệp và Mai Thành Phúc cùng ký hợp đồng vay vốn từ BIDV Khánh Hòa đóng tàu composite. Ông Hiệp đầu tư 11 tỷ đồng đóng tàu 800 CV, ngân hàng cho vay 10,45 tỷ đồng. Ông Phúc đầu tư 4,6 tỷ đồng đóng tàu 400 CV, ngân hàng cho vay 4,1 tỷ đồng. Cả 2 ngư dân này đều có sẵn vốn đối ứng 300 triệu đồng tại BIDV.
Ông Phúc chia sẻ: “Tôi được Chủ tịch Ủy ban MTQVN Nguyễn Thiện Nhân trao tặng 300 triệu đồng hỗ trợ đóng tàu xa bờ. Số tiền này thành vốn đối ứng trong ngân hàng, tôi chọn loại tàu vỏ composite để phù hợp với nghề đánh cá ngừ đại dương. Nhưng trong 21 mẫu tàu do Tổng cục Thủy sản ban hành không có vật liệu này, vì vậy thời gian làm thủ tục vay vốn bị kéo dài. Nay thiết kế tàu của tôi đã được phê duyệt, các thủ tục vay vốn cũng được tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc để tôi được vay vốn đóng tàu mới với lãi suất ưu đãi. Mong là tàu của tôi sẽ nhanh được hoàn thành, vươn khơi”.
Trước đó, một ngư dân TP.Nha Trang trở thành người đầu tiên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được vay vốn theo Nghị định 67 để đóng tàu cá 405CV, tổng giá trị tàu đóng mới là 5 tỷ 543 triệu đồng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Nha Trang cho vay là 4, 988 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 90% tổng giá trị. Thời hạn vay vốn là 11 năm với lãi suất 2%/năm. Dự kiến cuối tháng 6 này con tàu sẽ hoàn thành và hạ thủy, tham gia đánh bắt xa bờ.
Tháo gỡ nhiều vướng mắc
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 25 ngư dân đăng ký tham gia đăng ký vay vốn theo Nghị định 67, trong đó có 20 dự án tham gia đóng tàu mới, 4 tàu đóng mới theo chất liệu composite. Ông Nguyễn Hoài Chiểu - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khánh Hòa cho biết, tiến độ cho vay nguồn vốn 67 để đóng mới tàu thuyền ở tỉnh Khánh Hòa còn chậm vì gặp nhiều vướng mắc. Gần đây, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở NNPTNT, các đơn vị liên quan xúc tiến giải quyết các khâu bị vướng như thiết kế mẫu tàu, dự toán, thẩm định giá… để ngân hàng có cơ sở giải ngân cho chủ tàu.
Theo ông Đào Công Thiên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vấn đề mấu chốt thường vướng trong quá trình lập hồ sơ xin vay vốn là thiết kế mẫu tàu đã được “cởi trói”. Hiện việc thiết kế, thẩm định mẫu tàu đã được giao cho địa phương thực hiện. Cũng theo ông Thiên, việc thay đổi một số thiết kế trên thân, vỏ tàu là không tránh khỏi bởi quan điểm của ngư dân là con tàu phải phù hợp với tập quán, thói quen và ngành nghề đánh bắt của họ. “Việc thiết kế, thẩm định mẫu tàu rất thuận lợi với tỉnh Khánh Hòa vì ở đây có Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy Nha Trang, quy tụ những chuyên gia trong lĩnh vực đóng tàu”- ông Thiên nói.
Đặc biệt, để giải bài toán khó cho nhưng ngư dân đã “lỡ” vay vốn thông thường để đóng tàu do không chờ nổi “vốn 67” trong giai đoạn lắm vướng mắc, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chủ trương giúp những ngư dân này hoàn thiện hồ sơ để được hưởng lãi suất ưu đãi của “vốn 67”.