Tôm chết ở Cam Thịnh Đông: Đã xác định được nguyên nhân
Thời gian qua, người nuôi tôm thẻ chân trắng tại vùng nuôi Hiệp Mỹ (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đứng ngồi không yên khi tôm thả nuôi được 15 đến 60 ngày bị chết, có hộ thiệt hại hoàn toàn. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề là hộ ông Lê Thanh Tịnh. Theo ông Tịnh, trên diện tích 1ha đìa, gia đình ông thả nuôi 200.000 con tôm thẻ chân trắng. Sau một thời gian ngắn thả nuôi, tôm có hiện tượng bỏ ăn, chậm lớn và chết đỏ ao, thiệt hại 100%. Tôm chết có biểu hiện rỗng ruột, gan sưng và có màu vàng nhạt, mềm nhũn.
Cũng lâm vào cảnh tương tự là hộ ông Trần Bé. Vụ nuôi mới đây, ông Bé thả nuôi 800.000 con tôm thẻ chân trắng trên 2ha đìa, tỷ lệ tôm chết lên đến 70%. Theo ông Bé, thời điểm xảy ra tôm chết thời tiết không thuận lợi, ban ngày nắng gắt, chiều tối có giông, đôi khi có mưa lớn khiến nhiệt độ chênh lệch. Ngoài ra, quan sát môi trường nước trong ao nuôi ông thấy có màu hơi đục, nhiều chất lơ lửng. Hỏi về chất lượng con giống, ông Bé cho hay, gia đình ông cũng như hầu hết các hộ nuôi tôm tại vùng nuôi Hiệp Mỹ đều mua giống từ các cơ sở sản xuất giống có thương hiệu nhưng rất ít hộ thực hiện việc xét nghiệm, kiểm tra chất lượng tôm giống trước khi thả nuôi.
Qua trao đổi với lãnh đạo UBND xã Cam Thịnh Đông, được biết, Hiệp Mỹ là vùng nuôi trồng thủy sản chính của địa phương với diện tích 340ha; trong đó, có 150ha nuôi cá mú, 80ha nuôi tôm thẻ chân trắng, 70ha nuôi ốc hương… Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, trên địa bàn xuất hiện tình trạng tôm thẻ chân trắng chết, tỷ lệ hao hụt ở các ao nuôi hơn 30%. Đặc biệt có 7 hộ nuôi, với tổng diện tích hơn 6,5ha có tỷ lệ hao hụt từ 50% trở lên, trong đó có 3 hộ nuôi bị thiệt hại 100%, 2 hộ bị thiệt hại 70 - 80%... Ngay sau khi nắm bắt thông tin tôm ở vùng này bị chết nhiều nhưng chưa rõ nguyên nhân, UBND xã đã báo cáo với cơ quan chức năng; phối hợp với Trạm Chăn nuôi - Thú y Cam Ranh tiến hành lấy mẫu đưa đi xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Theo kết quả xét nghiệm của cơ quan Thú y Vùng 4, mẫu tôm chết dương tính với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có gen độc lực gây nên bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm. Sau khi xác định được nguyên nhân tôm chết, ngành Chăn nuôi - Thú y đã tiến hành khoanh vùng, xác định các ao nuôi có dấu hiệu bệnh lý đặc trưng và tiến hành dập ổ dịch, ngăn chặn không cho lan rộng. Ông Đặng Văn Thứ - Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông cho biết: “Đến nay, dịch bệnh trên tôm nuôi tại vùng nuôi Hiệp Mỹ đã được khống chế, không phát sinh thêm hộ nuôi nào có tôm chết nhiều như trước”.
Theo bà Trần Thanh Thúy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y, theo đặc điểm dịch tễ, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm thẻ chân trắng thường xuất hiện trong thời điểm nắng nóng, kéo dài trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm; trong khi đó, thời điểm tháng 8, tháng 9 là thời điểm giao mùa, nắng nóng kèm theo mưa giông bất thường sẽ khiến tôm nuôi bị sốc thời tiết, sức đề kháng giảm. Biên độ nhiệt ngày và đêm cao làm tảo trong ao phát triển dày, gây thiếu oxy cục bộ vào ban đêm; tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào tôm nuôi gây nhiễm khuẩn dẫn đến tình trạng tôm chết.
Trước tình trạng này, Chi cục Chăn nuôi - Thú y khuyến cáo, để tránh thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng, người dân cần tuân thủ lịch thời vụ, không nên thả tôm vào mùa mưa bão (sau tháng 9). Các hộ nuôi cần có ao lắng, ao xử lý nước; áp dụng các biện pháp nuôi an toàn dịch bệnh; định kỳ diệt khuẩn cho ao nuôi; kiểm tra sức khỏe tôm hàng ngày, bổ sung vitamin, men vi sinh, khoáng chất cho tôm… Người nuôi cần chú ý chỉ sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh phục vụ nuôi tôm nằm trong danh mục được phép lưu hành…