Tôm chết vì dịch, hàng trăm ao nuôi bỏ hoang
Tôm thẻ chân trắng nuôi trong hàng chục hecta ao hồ ở Quảng Nam bỗng nhiên mắc dịch bệnh rồi chết hàng loạt khiến nhiều người lâm vào cảnh trắng tay; hàng trăm ao nuôi đành phải bỏ hoang.
Những năm gần đây, trên địa bàn Quảng Nam xảy ra tình trạng tôm thẻ chân trắng nuôi ở vùng nước lợ liên tục bị chết vì dịch bệnh. Dù các ngành chức năng cũng như người dân đã tìm đủ mọi cách “chống dịch” nhưng tình trạng này vẫn không hề thuyên giảm. Theo lịch trình, vụ nuôi tôm nước lợ thường kết thúc vào đầu tháng 10. Tuy nhiên, do dịch bệnh tràn lan nên nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phải kết thúc sớm hơn dự kiến 1 - 2 tháng.
Thả 3 - 4 đợt tôm đều chết
Anh Ngô Văn Hải (ở thôn An Lạc, xã Duy Thành, H.Duy Xuyên) buồn bã cho biết tháng 2.2019, sau khi cải tạo kỹ 2 ao nuôi tôm nước lợ với tổng diện tích mặt nước khoảng 1.500 m2, gia đình anh thả 10 vạn tôm giống. Sau hơn 1 tháng, tôm chết hàng loạt. Gia đình anh đã có thêm 3 lần thả nuôi tôm tiếp theo nhưng đều thất bại, thua lỗ 150 triệu đồng. Hiện các ao nuôi đều bị bỏ hoang.
“Quan sát kỹ, ban đầu tôi thấy vỏ tôm có màu trắng nhợt nhạt. Sau đó tôm lờ đờ, ruột rỗng vì không chứa thức ăn, thân tôm xuất hiện vết màu đen rồi nổi lên mặt ao chết hàng loạt. Sau mỗi lần thấy tôm xuất hiện những triệu chứng bất thường, tôi đã báo các ngành chức năng của tỉnh, huyện. Cán bộ thủy sản đến lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả tôm chết do bệnh hoại tử gan tụy, vi bào tử trùng”, anh Hải nói.
Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (50 tuổi, trú thôn Nhơn Bồi, xã Duy Thành) có 3 hồ tôm rộng 4.000 m2 cũng vừa trải qua 2 vụ trắng tay. Tuy nhiên, ông Dũng cho hay vẫn phải “cầm cự” vì nếu bỏ nghề nuôi tôm thì… không biết làm gì để sống và có tiền trả nợ. Bởi không chỉ năm nay, mà 2 - 3 năm liên tiếp đây, năm nào gia đình ông cũng có tôm chết vì dịch bệnh.
“Cách đây hai tháng tôi thả nuôi 15 vạn con tôm giống trong 3 ao, tuy nhiên vừa thả được khoảng 35 ngày thì tôm bất ngờ chết hàng loạt. Hiện nuôi tôm ngày càng khó khăn hơn trước. Ở đây, không chỉ riêng gia đình tôi mà có gần 50 hộ gia đình cũng chung cảnh tương tự. Sợ nuôi tôm sẽ tiếp tục thua lỗ nên người dân đành bỏ hoang cả hàng trăm ao tôm”, ông Dũng nói.
Xem lại môi trường nuôi
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT H.Duy Xuyên, trên toàn huyện có 128 ha diện tích mặt nước nuôi tôm. Để đảm bảo phòng tránh dịch bệnh và nâng cao tay nghề cho người nuôi tôm, thời gian qua cơ quan chức năng huyện cũng như tỉnh Quảng Nam đã mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho bà con địa phương. Tuy nhiên, tình trạng dịch bệnh tôm đốm trắng và các bệnh khác vẫn xảy ra và chủ yếu trên địa bàn các xã như Duy Thành, Duy Vinh và một số xã khác lân cận.
Ông Lê Tấn Bảo, Phó chủ tịch UBND xã Duy Thành, cho biết toàn xã có khoảng 53 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên phần diện tích mặt nước 28 ha. Do những năm trước nuôi tôm đạt năng suất cao nên nhiều hộ dân ồ ạt đầu tư. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khiến người nuôi tôm gặp khó khăn, thua lỗ nặng. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay dịch bệnh khiến tôm chết gây thiệt hại của các hộ nuôi tôm hơn 1,5 tỉ đồng. “Nguyên nhân khiến tôm chết một phần do dịch bệnh. Có thể do chất lượng tôm giống kém nhưng không được kiểm dịch nên người nuôi không biết mầm bệnh đã có sẵn trong tôm giống. Cũng có thể do môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm, hay cách thức chăm sóc, quy trình kỹ thuật nuôi tôm không đảm bảo”, ông Bảo nhận định.
Còn theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, thống kê ban đầu cho biết trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khoảng hơn 100 ha ao nuôi tôm bị dịch bệnh đốm trắng, bệnh do vi khuẩn hoại tử gan tụy cấp, bệnh do vi bào tử trùng và bệnh do thay đổi các yếu tố môi trường. Nguyên nhân chủ yếu là điều kiện nuôi tôm tại các vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh quá sơ sài, không có kênh cấp, kênh thoát nước, không có ao lắng xử lý sạch nguồn nước đã vô hình trung tạo môi trường thuận lợi để vi rút đốm trắng dễ phát tán trên tôm nuôi. Trong khi đó, tôm giống hầu hết là tôm chợ, nếu nông hộ có mua tôm giống thương hiệu thì cũng hiếm khi được kiểm dịch đúng quy trình, loại bỏ con giống có mầm bệnh đốm trắng nên bệnh này dễ phát sinh. Đặc biệt, đến thời điểm này, dù đã có nhiều nghiên cứu nhưng bệnh đốm trắng vẫn chưa có thuốc chữa trên phạm vi cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng, hễ tôm mắc phải là chết hàng loạt tại ao nuôi, chết đồng loạt ở các khu vực liền kề, gây nên dịch tràn lan.
“Các hộ nuôi tôm chủ động theo dõi sát sao các diễn biến của thời tiết, bởi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường, cực đoan, nhất là lạnh đột ngột. Qua đó, chủ động chăm sóc tôm nuôi, hạn chế bệnh, dịch bệnh; thường xuyên bổ sung khoáng chất, vitamin, men vi sinh, giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng cũng như túc trực thường xuyên quanh ao nuôi tôm, xử lý nhanh các tình huống phát sinh, đảm bảo an toàn cho tôm nuôi”, Chi cục Thủy sản Quảng Nam khuyến nghị.