TIN THỦY SẢN

Tôm hùm ở Sông Cầu bị chết do "sốc nước ngọt"

Tôm hùm. Ảnh: ytimg.com Kim Sơ

Tôm hùm nuôi ở phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, Phú Yên bị thiệt hại do bị ‘sốc nước ngọt’ do ảnh hưởng mưa lớn từ cơn bão số 5 vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, cho biết, qua kiểm tra vùng tôm hùm nuôi ở phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu bị chết, đơn vị không phát hiện bệnh lý. Nguyên nhân tôm hùm bị chết được xác định do sự cố môi trường từ ảnh hưởng của cơn bão số 5 gây mưa lớn, làm tôm bị sốc nước ngọt.

Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, hiện tôm hùm nuôi trên địa bàn Xuân Thành không còn chết nữa. Số lượng tôm hùm bị thiệt hại khoảng 2 tấn/21 hộ, với giá trị khoảng 2 tỷ đồng. Việc tôm hùm bị chết chỉ xảy ra cục bộ do những người nuôi này chủ quan dù trước mùa mưa bão các địa phương đã có khuyến cáo.

Theo tìm hiểu chúng tôi, tôm hùm bị chết với nhiều trọng lượng khác nhau. Đối với tôm hùm mới chết được thương lái thu mua với giá từ 400.000 - 410.000 đồng/kg, giảm hơn nửa so với bán tôm sống. Tuy nhiên, đối với tôm chết ngợp lâu người dân không bán được, phải đổ bỏ. Chính vì thế thiệt hại cho người tôm nuôi hùm khi tôm chết là rất lớn.

Tôm hùm chết ở thị xã Sông Cầu, Phú Yên lại bị chết do sốc nước ngọt. Ảnh: nongnghiep.vn

Thế những thực tế đây không phải lần đầu tiên, người nuôi trên địa bàn thị xã Sông Cầu bị thiệt hại do tôm hùm bị chết bởi ảnh hưởng sốc nước ngọt khi vào mùa mưa bão mà đã xảy ra thường xuyên. Hàng năm trước mùa mưa bão cơ quan chuyên môn đều có khuyến cáo cho người nuôi tăng cường biện pháp phòng chống, hạn chế thiệt hại do môi trường, dịch bệnh, thiên tai (nắng nóng, mưa lũ, bão…) trong nuôi trồng thủy sản lồng bè.

Và mới đây nhất vào ngày 12/9 vừa qua, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên đã ký văn bản đề nghị UBND thị xã Sông Cầu chỉ đạo phòng Kinh tế, UBND các xã, phường và đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động người dân nuôi đúng theo quy hoạch của địa phương, cũng như các quy định của nhà nước về nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh thủy sản.

Bên cạnh đó có biện pháp quản lý các vùng nuôi, không để tình trạng phát triển nuôi tràn lan, không theo quy hoạch, gây mất kiểm soát, quá sức tải môi trường nuôi. Vận động người nuôi vớt thủy sản chết, thức ăn thừa, rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản đem vào bờ xử lý để hạn chế việc ô nhiễm môi trường vùng nuôi.

Nuôi trồng đối với tôm hùm xanh mới chết thương lái thu mua với giá thấp hơn nửa so với tôm sống. Ảnh: nongnghiep.vn

Tổ chức thông tin bằng nhiều hình thức kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh do đơn vị chức năng cung cấp để người nuôi nắm bắt kịp thời, chủ động phòng ngừa, hạn chế rủi ro.  Kịp thời thông tin cho ngành chức năng khi có vấn đề về dịch bệnh, môi trường vùng nuôi để phối hợp triển khai phòng chống, giảm thiệt hại cho người nuôi.

Các địa phương khuyến cáo và tuyên truyền để người nuôi bán tôm, thủy sản nuôi khi đủ kích cỡ thương phẩm, không giữ hàng để chờ giá, giảm số lượng lồng bè và tôm nuôi thấp nhất khi thời tiết giao mùa và trước khi vào mùa mưa bão.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên đề nghị Chi cục Thủy sản hướng dẫn người nuôi thực hiện các quy định hiện hành của nhà nước về nuôi trồng thủy sản; các biện pháp kỹ thuật nuôi, ứng phó biến đổi môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Tích cực thu mẫu quan trắc, cảnh báo môi trường, đặc biệt cần tăng tần suất thu mẫu vào những thời điểm thời tiết chuyển đổi đột ngột, nắng nóng kéo dài, tại những vùng có nguy cơ cao về xảy ra sự cố môi trường để khuyến cáo kịp thời cho người nuôi chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh hiệu quả.

Đối với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tích cực nắm bắt thông tin, kiểm tra tình hình thủy sản nuôi khi xảy ra hiện tượng chết, dịch bệnh; báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh theo đúng quy định, xác định nguyên nhân, phân tích, đánh giá và hướng dẫn xử lý kịp thời cho người nuôi chủ động áp dụng các giải pháp phòng chống, giảm thiệt hại.

Kim Sơ Nông Nghiệp Việt Nam