TIN THỦY SẢN

TP.Hồ Chí Minh: Lạc quan với tăng trưởng xuất khẩu cá cảnh

Công ty Cường Cá Cảnh tham dự Ngày hội cá cảnh TP.HCM năm 2016. Ảnh: N.Hiền. Nguyễn Hiền

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cá cảnh của TP.HCM thời gian qua đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và đóng góp ngày càng lớn vào cơ cấu sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Tăng trưởng khả quan

Thống kê của Chi cục Thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, 9 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích nuôi cá cảnh trên địa bàn TP.HCM khoảng 88 ha với hơn 290 cơ sở và hộ nuôi. Tính đến cuối tháng 10/2017, thành phố đã xuất khẩu được gần 16,25 triệu con cá cảnh, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2016; kim ngạch đạt gần 17,58 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016. Cá cảnh của thành phố đã được xuất khẩu đi đến trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường châu Âu chiếm trên 54%, châu Á chiếm 30%, châu Mỹ 12%. Điều đáng chú ý là đã không còn cá cảnh xuất khẩu không đăng ký thực hiện kiểm dịch.

Mục tiêu của thành phố trong năm 2017 là sản xuất 140-150 triệu con cá cảnh, tăng 10-15% so với năm 2016. Trong đó, sản lượng cá cảnh xuất khẩu dự kiến đạt 18 – 20 triệu con với giá trị kim ngạch là 20 – 25 triệu USD, tăng từ 15 - 20% so với năm 2016. Đến năm 2020, sản lượng sản xuất cá cảnh dự kiến sẽ đạt 150 – 180 triệu con, xuất khẩu đạt 40 – 50 triệu con với kim ngạch xuất khẩu đạt 40 – 50 triệu USD.

Với dự báo thị trường cá cảnh sẽ tiếp tục tăng trưởng, hầu hết cơ sở, doanh nghiệp tại TP.HCM đều có nhu cầu liên kết sản xuất, kết nối mở rộng thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Trong đó, Công ty TNHH Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Cường Cá Cảnh Vina Fish Farm (Bình Chánh) hiện cung cấp hơn 30 loài cá cảnh nước ngọt cho thị trường trong và ngoài nước. Ông Trương Trung Cường, Giám đốc Công ty Cường Cá Cảnh cho biết sắp tới sẽ đẩy mạnh hơn nữa thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị gia tăng cho cá cảnh.

Công ty TNHH Green Chapter (quận 1) là đơn vị sản xuất các loài tép cảnh với năng lực sản xuất 1.000 – 5.000 con tép các loại mỗi tháng. Ông Phan Minh Khánh, Giám đốc Green Chapter nhận định phong trào chơi tép cảnh ở Việt Nam đang khá mạnh nhưng vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng, việc xuất khẩu cũng hạn chế do vướng mắc về các thủ tục nên cũng chưa khai thác được các thị trường nước ngoài. Theo ông Khánh, Chính phủ cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp về việc xuất, nhập khẩu các loại tép cảnh; nghiên cứu, cung cấp hỗ trợ cho doanh nghiệp các loại thuốc kháng sinh, các giấy tờ chứng nhận để có thể xuất khẩu tép cảnh sang các thị trường khác.

Trong khi đó, Công ty TNHH Bonsai Driftwood Trần Tuấn (huyện Hóc Môn) lại chuyên về tạo hình gỗ lũa bonsai dùng cho bể cá, hồ thủy sinh. Ông Trần Kim Tuấn, Giám đốc công ty cho biết, 95% sản phẩm tạo ra được xuất khẩu, khách hàng đa số là các đại lý lớn ở Mỹ, Úc, Canada, Hồng Kông, Singapore, Trung Quốc… Hiện công ty đang tìm kiếm đối tác để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu.

Cần thêm hỗ trợ

Theo Chi cục Thủy sản, dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song nghề sản xuất cá cảnh tại TP.HCM chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Hầu hết các trại nuôi cá cảnh chưa có sự đầu tư đúng mức và phù hợp về cơ sở hạ tầng. Thực hành sản xuất mang tính truyền thống, quy trình sản xuất chủ yếu dựa theo kinh nghiệm mà không tuân thủ theo quy trình chuẩn nên vấn đề vệ sinh, tiêu độc khử trùng, đảm bảo an toàn dịch bệnh chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại một số khu vực trong thành phố cũng ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cá cảnh. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực cá cảnh như quy trình chọn giống, sản xuất giống, lai tạo giống mới và chế độ dinh dưỡng phù hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm cá cảnh vẫn còn hạn chế, chưa tạo được sản phẩm cá cảnh nổi trội trên thị trường hiện nay.

Việc tổ chức sản xuất, kinh doanh cá cảnh trên địa bàn TP.HCM cũng chưa có sự liên kết chặt chẽ, đặc biệt là vai trò của các hội, chi hội cá cảnh còn nhiều hạn chế, hội viên phân tán. Điều này dẫn tới tình trạng không phát huy được sức mạnh thực sự của các nghệ nhân có tâm huyết. Số lượng tổ hợp tác và hợp tác xã cá cảnh còn ít và hoạt động chưa hiệu quả, hiện nay chỉ có Hợp tác xã Sinh vật cảnh Sài Gòn tại huyện Củ Chi hoạt động hiệu quả. Số hộ nuôi cá cảnh được tiếp cận chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố cũng còn ít.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu cá cảnh 40 triệu con với kim ngạch 40 triệu USD vào năm 2020, theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM, các cơ quan ban ngành thành phố cần sớm có nhiều giải pháp đột phá để hỗ trợ kịp thời các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu cá cảnh mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng chủng loại sản phẩm... nhằm nâng cao tính cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghiệp thực phẩm lần 6 năm 2017, từ ngày 9 đến 13/11 Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Ngày hội cá cảnh TP.HCM lần 2 năm 2017” với quy mô lớn hơn năm 2016. Trong đó, khu triển lãm cá cảnh rộng 900m2 có 120 hồ cá cảnh được thiết kế theo hình thức “thủy cung” với nhiều dòng cá đẹp, lạ của các nghệ nhân mang đến trình diễn như cá dĩa, cá neon, cá biển, các loại san hô mới lạ, cá koi, cá chép Nhật, cá vàng, tép cảnh...

Bên cạnh đó còn có khu kết nối giao thương rộng 450m2 cho gần 40 đơn vị trưng bày sản phẩm tại 50 gian hàng thương mại, cung cấp vật tư, thiết bị phục vụ người nuôi cá cảnh, cung cấp giống cá cảnh các loại; cây thủy sinh, hồ thủy sinh; mô hình thiết kế quy trình nuôi cá...

Nguyễn Hiền Báo Hải Quan