Trà Vinh: Thời tiết tương đối thuận lợi cho thả nuôi thủy sản vùng mặn, lợ
Theo ông Trần Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS): so với thời điểm trước đây thì năm 2015 tình hình thời tiết khi về cuối vụ thả nuôi thủy sản tương đối thuận lợi cho người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng vùng mặn, lợ. Nguyên nhân là thời tiết năm nay lượng mưa ít, độ mặn trên các sông còn cao. Riêng ở đầu vụ thì thời tiết khô hạn, nóng gay gắt… Trước tình hình trên, ngành đang khuyến cáo nông dân cần tập trung tốt việc thả nuôi đối với các diện tích chưa thả hoặc lắp vụ.
Vấn đề khó khăn hiện nay để người nuôi thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) lắp vụ là giá thủy sản đang ở mức thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận trong sản xuất của nông dân. Qua tìm hiểu của chúng tôi, so với thời điểm tháng 4/2015 thì tại đầu tháng 9/2015 giá tôm sú (loại 30 con/kg) chỉ còn 165.000 đồng/kg, giảm hơn 40.000 đồng/kg; giá tôm thẻ chân trắng (loại 100 con/kg) ở mức 85.000 đồng/kg, giảm trên 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho nuôi tôm tiếp tục tăng cao, chủ yếu là thuốc, thức ăn và các chế phẩm sinh học. Theo thống kê của Chi cục NTTS, các huyện vùng ven biển đã thả nuôi trên 2,11 tỷ con tôm sú giống, diện tích 20.887 ha (cao hơn cùng kỳ 208,3 triệu con) và 2,33 tỷ con tôm thẻ chân trắng, diện tích 4.399 ha (cao hơn cùng kỳ 80 triệu con). Qua đó, đã thu hoạch được 9.326 tấn tôm sú và 13.720 tấn tôm thẻ chân trắng.
Nông dân Nguyễn Thanh Thưởng, ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết: Vụ thả nuôi đợt 1 này coi như thất bại, chỉ trông chờ vào vụ thả tiếp theo. Riêng gia đình có 05 ao nuôi tôm, trong đợt 1 đã thả nuôi được 03 ao với 60.000 con post, nhưng khi tôm được khoảng 02 tháng tuổi thì rơi vào thời điểm nắng nóng (giữa tháng 4/2015) nên bị thiệt hại, lỗ trên 30 triệu đồng. Được biết, trong vụ thả nuôi đợt 1/2015, ấp Cái Già có 60 hộ thả nuôi nhưng đã có tới 40 hộ có tôm nuôi bị chết, gây thiệt hại ước trên 02 tỷ đồng. Nhằm để tranh thủ cho vụ thả nuôi tiếp theo, nhiều hộ phải tranh thủ thời gian làm vệ sinh ao hồ cho lắp vụ.
Theo nông dân Nguyễn Tấn Nghiệp, ấp Cái Già Bến, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, nếu tình hình thả nuôi tôm thuận lợi như hiện nay thì người nuôi sẽ có thu nhập tương đối tốt, phần lớn các hộ sau khi thu hoạch xong và bỏ ao khoảng 02 - 03 tháng, nay tiếp tục thả nuôi lắp vụ lại rất nhiều. Tuy giá tôm có giảm nhưng trong quá trình nuôi không bị gãy (dịch bệnh, thời tiết…) người nuôi vẫn có lãi.
Riêng đối với xã Mỹ Long Nam, là địa phương có diện tích nuôi tôm công nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất của huyện Cầu Ngang, với tổng diện tích gần 1.000ha, tuy nhiên vào thời điểm tháng 4 - 6 vừa qua do ảnh hưởng nắng nóng nên số hộ nuôi tôm ở địa phương chịu nhiều thiệt hại. Từ đó, làm cho tiến độ thả nuôi bị ảnh hưởng, hiện nay khi thời tiết đã ổn định tạo điều kiện cho các hộ lắp vụ lại. Kỹ sư Huỳnh Duy Phong, phụ trách thủy sản của xã Mỹ Long Nam cho biết: Đến nay đã có khoảng 95% diện tích nuôi được thu hoạch và 10% diện tích đang được các hộ thả lắp vụ. Với tình hình thời tiết ổn định, dự kiến giữa tháng 10/2015 sẽ có nhiều diện tích được lắp vụ và thả mới, các hộ đang chuẩn bị ao hồ. Nhìn chung về năng suất tôm năm nay có giảm nhiều so với cùng kỳ do phần lớn các hộ hiện thả nuôi với mật độ thấp, ảnh hưởng dịch bệnh…
Để tập trung chỉ đạo việc thả nuôi thủy sản trên 02 đối tượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng đạt kế hoạch đề ra, tại thời điểm hiện nay về lịch thời vụ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục cho kéo dài thời gian thả đến tháng 11/2015, đồng thời khuyến cáo nông dân tập trung nuôi rải vụ. Riêng đối với các ngành chuyên môn sẽ tăng cường công tác quản lý di nhập giống tôm vào tỉnh, vật tư đầu vào trong thủy sản. Cũng theo ông Trần Văn Dũng cho biết: Do tình hình diễn biến thời tiết hiện nay khá phức tạp, việc xác định khung lịch thời vụ sẽ kéo dài hơn và có những thông báo điều chỉnh ngay khi thời tiết bất lợi, không còn thuận lợi cho mùa vụ thả nuôi.