TIN THỦY SẢN

Trở lại “ổ cá” Vàm Nao- Kỳ 2: “Săn” cá theo con nước

Tư Lợi giăng lưới thâu đêm trên sông Vàm Nao. Bài, ảnh: THÀNH CHINH

Thời điểm cận Tết, bãi sông Vàm Nao trở nên sôi động vì ngư dân chuẩn bị ghe, xuồng thi nhau bủa lưới bắt cá. Đêm đêm, những ánh đèn leo lét phủ đầy sông báo hiệu một mùa săn cá bông lau nữa lại về.

Thu hoạch cá ăn Tết:

Trời càng về đêm, cái lạnh cuối đông se lại thật dễ chịu. Cùng ngư dân ra sông bủa lưới, những chiếc đèn lung linh lấp lánh soi dài trôi xuôi dòng nước, trông như một bức tranh quê sinh động, lâu lâu nghe tiếng í ới gọi nhau: “Hôm nay, xuống lưới lần đầu tiên, nếu dính được con cá bông lau hay cá cóc, cá thu sẽ cúng bà cậu…”. Thỉnh thoảng, còn nghe được câu hò đặc sệt chất quê của ngư dân nơi đây: “Bước xuống Vàm Nao con cá bông lau bổ nhào vô lưới/ Anh ngồi chặc lưỡi biết chừng nào anh mới cưới được em…”. Rọi chiếc đèn pha theo luồng lưới, nghe câu hò ấy, anh Trần Văn Lợi (tư Lợi) cười trừ: “Mấy cha đó rảnh quá! Cá mắm hôm nay ít quá, vậy mà còn vui đùa. Bủa gần nửa đoạn sông Vàm Nao mà chưa thấy lưới giật giềng, tôi hồi hộp quá. Đã 15 đêm rồi, bủa lưới chưa dính con cá bông lau nào. Vái “bà cậu” cho tôi dính một con để kiếm sở hụi xăng, dầu…”.

Những năm gần đây, không đợi đến thời điểm sau Tết mà vào khoảng tháng 11 âm lịch là ngư dân bắt đầu bủa lưới bắt cá bông lau đông nghẹt cả khúc sông. Màn đêm đen phủ trùm trên mặt sông Vàm Nao, hàng chục chiếc xuồng nối tiếp nhau thả lưới. Tư Lợi nói chắc nịch: “Giá cá bông lau hiện tại ở mức từ 160.000- 180.000 đồng/kg. Hễ mỗi lần dính, chỉ cần nhấc máy điện thoại thì bạn hàng chạy ghe, xuồng lại tận nơi cân. Thời điểm này, mỗi đêm chỉ cần dính một con cá bông lau là kiếm bạc triệu nên ai nấy cũng tranh thủ đem lưới ra bủa”. Theo kinh nghiệm của tư Lợi, hễ năm nào lũ lớn thì cá nhiều. Hồi trước, thường vào khoảng tháng giêng thì ngư dân mới rục rịch chuẩn bị lưới để giăng cá bông lau. Còn bây giờ, nhiều gia đình bám khúc sống này mưu sinh mãn năm.

Nổi tiếng khắp vùng:

Tư Lợi nói, tháng giêng đến tháng 3, cá bông lau nhiều vô kể. Lạ thay, vào mùa lũ thì người dân đặt đáy, đặt đú chẳng thấy mặt mũi cá con. Thế nhưng, đến thời điểm nước trong là loài cá này xuất hiện. Ông bà xưa đúc kết, loài cá này không phải trôi dạt từ Biển Hồ (Campuchia) xuống, mà có thể từ vùng nước lợ miệt dưới lội ngược dòng về.

Hôm ghé thăm vợ chồng năm Tẻo (Phạm Văn Tẻo, 46 tuổi) cũng là lúc gia đình anh đang tất bật hoàn thành công đoạn ráp lưới để xuống mẻ lưới đêm đầu tiên. Gia đình anh có đến ba đời sống bằng nghề giăng lưới cá bông lau. Năm Tẻo nói: “Cái nghề hạ bạc này đã ăn vào máu thịt của mình. Nhiều lúc định bỏ nghề lên bờ kiếm việc khác để làm nhưng không “đoạn tuyệt” được. Bởi, năm nào cũng vậy, cứ vào mùa đánh bắt cá bông lau là cả xóm đan lưới rủ rê nhau làm ăn. Làm nghề này, có đêm dính 4-5 con cá bông lau, cũng có đêm trở về bến đậu mà không có con nào”. Nhà năm Tẻo có đông anh em, tất cả đều sống bằng nghề đánh lưới cá bông lau. Năm Tẻo tự hào cái nghề của mình, nhờ nó mà kiếm thu nhập kha khá nuôi sống gia đình. Năm nào cũng vậy, năm Tẻo đầu tư giàn lưới khoảng 30 triệu đồng, giăng qua mùa cá bông lau, bỏ sở hụi kiếm được vài chục triệu đồng. “Hồi trước, có đêm ba tôi giăng dính nhiều đến mức phải gánh bằng cần xé, bạn hàng mua chỉ vài ngàn đồng/kg. Còn bây giờ nhờ giá cá nằm ở mức cao nên dù dính ít cũng kiếm thu nhập ổn định”.

Vào những đêm sáng trăng, từ đầu đến cuối khúc sông, ghe xuồng giăng lưới cá bông lau đông nghẹt. Tại khúc sông này có 2 bến, mỗi bến đậu khoảng 30 đầu xuồng, khoảng 4 giờ chiều là mọi người lên đèn chuẩn bị thả lưới. Có khi đông quá, các xuồng phải nằm chờ tài. Theo luật bất thành văn, người nào đến trước thì được quyền thả trước, mỗi luồng lưới cách nhau khoảng 200m… Trời về sáng, những người đánh cá bông lau ai cũng ngáp ngắn ngáp dài, nhưng khi kéo lưới lên dính được con cá bông lau to thì họ quên đi mệt nhọc. Đó là thành quả mà họ đã thu hoạch được trong đêm...

Box: Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng, khúc sông Vàm Nao (dài gần 7km, rộng khoảng 800m, có nơi sâu nhất khoảng 30m) xưa kia là con lạch nhỏ xuất hiện nhiều loài cá quý hiếm. Thậm chí, còn có cả “ông nược” (cá heo nước ngọt), cá đao, cá mập, cá hô, cá tra dầu khổng lồ ...

(Còn tiếp)

Kỳ cuối: Ký ức xa xôi…

Bài, ảnh: THÀNH CHINH Báo An Giang; 08/01/2014