Trữ lượng thủy sản của Ấn Độ đang trong tình trạng suy kiệt
Theo một báo cáo mới được công bố ngày 8/6, 90% trữ lượng thủy sản của Ấn Độ đang ở mức kém bền vững. Các loài cá lớn với chu kỳ sống dài đã bị khai thác quá mức và hiện Ấn Độ đang phải đánh bắt các loài cá nhỏ hơn như cá mòi. Các năm trước đây, sản lượng cá mòi chiếm tới 16% tổng sản lượng thủy sản đánh bắt của Ấn Độ.
Người dân Kerala Ấn Độ kéo lưới (Ảnh: http://www.flickr.com)
Sản lượng thủy sản đánh bắt của Ấn Độ cũng bị lãng phí nghiêm trọng. Lượng thủy sản đánh bắt hỗn hợp thường được bán làm thức ăn chăn nuôi gia cầm hoặc bán làm thức ăn sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Từ năm 1985 đến nay, sản lượng thủy sản đánh bắt hỗn hợp hay sản lượng thủy sản không mong muốn đã tăng hơn gấp đôi. Báo cáo cũng chỉ ra có tới 25% sản lượng thủy sản đánh bắt của Ấn Độ bị loại bỏ.
Báo cáo đưa ra lời cảnh báo nếu tình trạng này không được cải thiện, khoảng 15 triệu người dân sống phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào ngành thủy sản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ngành xuất khẩu thủy sản Ấn Độ tạo nguồn thu 2,8 tỷ USD niên vụ 2010-2011 và chính phủ đặt ra mục tiêu con số này tăng lên 6 tỷ USD vào năm 2015.
Ấn Độ sản xuất khoảng 9 triệu tấn thủy sản hàng năm, nhưng chỉ 9 - 10% tức khoảng 880.000 tấn dành cho xuất khẩu. Các mặt hàng bán ra nước ngoài chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cua, phần lớn đến từ bờ biển Kerala, Maharashtra, Tamil Nadu và Tây Bengal. Mức tiêu thụ cá của Ấn Độ tăng từ 2,9 kg/người/năm vào năm 1981 lên tới 4,7 kg kể từ năm 2000 tới nay.
Tình trạng trữ lượng thủy sản Ấn Độ bị cạn kiệt càng trở nên nghiêm trọng hơn do ô nhiễm, sự xuống cấp của các khu vực thủy sản như rừng ngập mặn và khu vực cửa sông, nước thải từ các nhà máy nhiệt điện, lượng chất thải công nghiệp, chất thải từ các khu đô thị và vùng ven biển do tình trạng phát triển quá mức của nền kinh tế.