TIN THỦY SẢN

Trung Quốc: kênh bán lẻ thay đổi- tiếp thị thủy sản cũng phải chuyển mình

Thu Trang

Phương thức bán thủy sản ở Trung Quốc đang thay đổi dần, cùng với sự phát triển của thương mại trực tuyến.

Phần lớn các DN vẫn đi theo phương thức tiếp thị từ DN đến DN (B2B). Trong khi đó, kênh bán lẻ đang chuyển dịch phương thức tiếp thị theo hướng từ DN đến người tiêu dùng (B2C).

Tại Trung Quốc, internet đã thay đổi cách mà người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm, các DN bán lẻ truyền thống cũng cạnh tranh trong mảng kinh doanh trực tuyến. Vì vậy, đây là xu hướng DN XK cần để ý nhằm tăng doanh thu tại thị trường này.

New Zealand đã bắt đầu chi mạnh tay cho các chiến dịch quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử tại Trung Quốc. Các nước khác thường chỉ cố gắng tăng khối lượng thủy sản XK sang Trung Quốc chứ không tập trung nhiều vào tiếp thị. Đương nhiên, hiệu quả không thể cao bằng phương pháp của New Zealand.

Sự phát triển của thương mại điện tử làm tăng NK của Trung Quốc. Nhiều DN vừa và nhỏ có thể “thoát khỏi” nhiều thủ tục lằng nhằng nhờ thương mại điện tử. Những website như Tmall đưa ra khái niệm thương mại điện tử xuyên biên giới, xử lý các vấn đề về hậu cần và thanh toán cho bên cung ứng nước ngoài. Trong khi đó, nhờ việc thành lập Khu thương mại tự do (FTZ) Thượng Hải, người tiêu dùng Trung Quốc đã được phép truy cập vào Amazon.com. Amazon có thể cung cấp thủy sản sang Trung Quốc - hứa hẹn sẽ cung cấp hàng hóa cho người tiêu dùng Trung Quốc trong vòng một tuần. Costco (Mỹ) cũng bắt đầu bán trên Tmall.

Với Trung Quốc, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới đồng nghĩa với tăng cường sự phát triển của các DN XK và XK của nước này. Tại FTZ, DN NK có thể lưu trữ hàng hóa lâu nhất có thể và bán trong vùng FTZ. Do đó, việc chuyển đến tay người mua được thực hiện dễ dàng hơn. Hải quan chỉ phải thông quan nếu hàng hóa ra khỏi khu vực. Vì vậy, DN NK thủy sản và DN phân phối có thể dự đoán nhu cầu thị trường để có những bước đi thích hợp. Tất cả những điều này làm giảm thời gian vận chuyển hàng hóa, linh hoạt hơn cho các DN NK.

Một số DN XK thủy sản lớn có đại lý tại Trung Quốc. Các đại lý này có gian hàng riêng trên trang Tmall. Tuy nhiên, rất ít các DN thủy sản quốc tế dám chi tiền để thực hiện hoạt động thương mại trực tuyến ở Trung Quốc bởi có 3 thách thức lớn: vốn, thời gian và hỗ trợ tiếp thị.

Thương mại điện tử của Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và vẫn còn tiềm năng to lớn. Các DN cung cấp hải sản cần phải bắt kịp với xu hướng, để nắm bắt cơ hội mà những kênh tiêu thụ mới này mang lại. 

Thu Trang Vasep, 04/01/2016