TIN THỦY SẢN

Tục thờ Ông Táo ở Nam Bộ

Người miền Tây đưa Ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: DUY KHÔI Trần Phỏng Diều

Ông Táo hay Thần Bếp là vị thần được thờ phổ biến trong mỗi gia đình người Việt Nam nói chung và ở Nam Bộ nói riêng. Phong tục này có liên quan mật thiết đến tín ngưỡng thờ lửa thời cổ xưa, hay nói cách khác tục thờ Ông Táo là một dạng cụ thể hóa tín ngưỡng thờ lửa của con người thời sơ khai.

Thiết chế bàn thờ Ông Táo

Theo quan niệm dân gian, Ông Táo gồm có bộ ba là: Táo quân, Táo bà và Táo tướng. Táo quân và Táo bà được gọi là Thần Táo hoặc Phật Táo, là vị chánh thần, đại diện Thượng đế. Táo tướng tục gọi Thổ Táo - một vị thần chuyên trách củi lửa. Nên ca dao mới có câu:

“Hăm ba Phật Táo về trời,

Thổ Táo ở lại đội nồi suốt năm”.

Dân gian thường gọi Táo quân là Tư Mạng Táo Quân hoặc Ðịnh Phước Táo Quân, được xem như nhất gia chi chủ, đại diện Thượng đế kiểm tra mọi suy nghĩ, mọi việc làm của từng cá nhân, vì vậy được thờ ở nơi trang trọng nhất. Theo tục lệ Nam Bộ, nếu làm nhà ba gian thì bàn thờ gia tiên phải đặt ở hai bên, còn ở trên cao của gian giữa thì làm một trang thờ chung: Quan Thánh Ðế Quân (giữa), Ðông Trù Tư Mạng Táo Phủ Thần Quân (trái) và Thổ Ðịa Phước Ðức Chánh Thần (phải). Riêng Táo tướng - còn được gọi Hỏa Ðức Táo Quân - tức vị thần chuyên trách việc củi lửa, được thờ tại nhà bếp. Tục thờ Táo tướng đơn giản hơn tục thờ Táo quân. Có gia đình lấy một ống tre gắn trên cửa lò bếp để cắm nhang tưởng nhớ, không cần bày biện đầy đủ các loại tự khí như ở bàn thờ Táo quân. Trước đây có rất nhiều gia đình thờ Ông Táo ở hai nơi. Về sau người ta thấy tục thờ Táo quân trên trang cao bất tiện, nên thống nhất đưa về một nơi ở nhà bếp. Thế nhưng hiện nay tục thờ Táo quân ở nhà trước vẫn còn, nhất là ở nông thôn Nam Bộ(1).

Ngày nay, trang thờ Ông Táo thường được đặt theo kiểu đóng một tấm ván vào cột nhà (ở thành thị người ta thường mua trang thờ bằng các vật liệu chắc chắn, được hàn sẵn về bắc vào tường ở nhà bếp). Trên trang thờ có lư hương dùng để cắm nhang, trên cột có dán một tấm giấy hồng điều, hoặc tờ giấy đỏ được lộng vào khung kiếng có ghi bốn chữ Hán to ở giữa: Ðịnh Phước Táo Quân. Hai bên là câu đối được viết nhỏ hơn, cũng bằng chữ Hán: “Hữu đức năng tư hỏa / Vô tư khả đạt thiên” (nghĩa là: Có đức nên có thể quản lý lửa / Do lòng vô tư nên có thể thông đạt với trời).

Như vậy Ông Táo có hai chức năng chính: một là coi chừng việc bếp núc, củi lửa, không để xảy ra hỏa hoạn - có ý nghĩa che chở cho cuộc sống con người; hai là ghi chép mọi diễn biến suốt năm trong gia đình rồi mang sớ về trời báo cáo với Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng sẽ căn cứ vào sự tâu trình đó mà ban phúc hay giáng họa cho mỗi gia đình.

Ở đây “Lửa của Thần Bếp/Ông Táo là mặt tích cực của lửa, lửa đã được chế ngự, hữu ích cho con người. Vì vậy, Thần Bếp, bộ ba Ông Táo là thần trông nom việc củi lửa, bếp núc cho con người. Chính vì vậy, dần dần Ông Táo được coi là phúc thần đứng đầu trong nhà nhất gia chi chủ với tôn hiệu là Ðông Trù Tư Mạng Táo Phủ Thần Quân.

Chức năng tư mạng/tư mệnh, tức việc quản lý sự sống của con người, được quy vào việc theo dõi công tội của chủ nhà (hay rộng hơn là các thành viên trong gia đình) để tâu báo với Ngọc Hoàng trên Thiên đình để trời có căn cứ mà ban phước, giáng họa. Ở tập tục tín ngưỡng thờ Ông Táo nổi bật là Bà Táo (cũng gọi là Ông Táo chúa với dấu chỉ báo phân biệt là Ông Táo/Ông đầu rau bằng đất sét/gốm có nhấn cái lỗ rốn ở giữa bụng). Ðó là hình tượng nhân cách hóa bếp lửa: Bà Mẹ lửa/Bà Chủ lửa”(2).


Giấy cúng ông Táo.

Nghi thức cúng Ông Táo

Ngoài việc thắp nhang lên bàn thờ Ông Táo mỗi ngày để cầu mong sức khỏe, bình an, người ta còn cúng Ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Ðây là lễ cúng Ông Táo lớn nhất trong năm, nhằm đưa tiễn Ông Táo về trời sau một năm phù hộ độ trì cho sự bình an và ghi chép công tội của gia chủ.

Lễ vật cúng Ông Táo trong dịp này thường có trái cây, bánh, kẹo, thịt heo, trà, rượu, có đốt giấy tiền vàng bạc và giấy có in hình con cò, con ngựa mà người ta thường nói rằng “Cò bay ngựa chạy đưa ông Táo về trời”. Ðó là: “Theo nghĩa ngựa chở Táo đi đường bộ, rồi cưỡi cò bay về trời. Việc dùng ngựa và cò làm vật cưỡi cho Táo bắt nguồn từ nghi thức “xá mã xá hạc” theo “hành trì” của Ðạo giáo lẫn trong khoa nghi Phật giáo. Nghi thức này được tiến hành sau cùng của các cuộc lễ cúng tế. Ở đó người ta gom tất cả các sớ điệp nhét vào ngựa giấy và hạc giấy (đã làm sẵn đặt ở lễ đàn) rồi đem đốt nhằm biểu thị rằng nhờ ngựa và hạc đem những sớ đến các đối tượng cầu cúng trú trong tam giới”(3). Có nơi người ta còn bưng cả cái cà ràng ra đặt giữa sân, hốt ít muối hột bỏ vào cho nổ nghe lốp bốp, như là tống khứ mọi thứ xui xẻo đi, đón nhận những điều tốt lành vào, cho một năm mới được vạn sự như ý.

Tóm lại, “Tập tục thờ Thần Bếp ở xứ ta một mặt còn bảo lưu dấu ấn của tục thờ Thần Lửa cổ xưa và mặt khác, do tích hợp các tín điều ngoại nhập đã đổi thay dần, biến Thần Bếp thành phúc thần đảm nhận chức năng tư mệnh và kế đó là giám sát chức năng công tội của các thành viên trong gia đình. Rõ ràng là cùng với sự tiến bộ của mình, con người càng lúc càng có được khả năng kiểm soát sự tác hại của lửa nên công năng tư hỏa của Thần Bếp/Táo quân không còn quan trọng như xưa, theo đó, công năng đạt thiên lên trời tâu báo công tội của thế nhân để Ngọc Hoàng ban phúc giáng họa trở thành chính yếu của Ông Táo. Ðiều này đã lý giải tại sao việc thờ Ông Táo với tôn hiệu Ðịnh Phước Táo Quân ngày càng chiếm ưu thế”(4).

------------

[1] Trương Ngọc Tường (2002), Tục thờ cúng Táo quân ở Nam Bộ, Tạp chí Xưa và Nay, số 108-109, tháng 1+2.

[2] Huỳnh Ngọc Trảng (2018), Khảo luận về Tết, Nxb Văn hóa văn  nghệ  thành phố Hồ Chí Minh, tr.29.

[3] Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Ðại Phúc (2013), Ðặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần, Nxb Văn hóa văn  nghệ, tr. 53.

[4] Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Ðại Phúc, Sđd, tr. 53.

Trần Phỏng Diều Báo Cần Thơ