TIN THỦY SẢN

Từng bước hiện đại hóa nghề lưới vây

Ngư dân làm nghề lưới vây ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) chuẩn bị cho chuyến biển mới. Đoàn Ngọc Thuận

Nghề lưới vây (mành rút) là một trong những nghề khai thác thủy sản truyền thống của ngư dân Bình Ðịnh. Vài năm trở lại đây, ngư dân làm nghề lưới vây trong tỉnh từng bước đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đánh bắt đạt hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế.

Nghề lưới vây sử dụng dàn lưới bằng chất liệu ni lông, gồm: Nghề lưới vây ánh sáng (mành rút chì đêm) khai thác hải sản bằng cách dùng ánh sáng đèn điện để dẫn dụ đàn cá, mực gom lại rồi thả lưới đánh bắt; nghề lưới vây rút ngày (mành rút ngày) chỉ đánh bắt vào ban ngày theo luồng cá núp dưới bóng của các vật nổi trên biển khơi.

Ngư dân Nguyễn Văn Minh, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu lưới vây ánh sáng BĐ 91388 TS, cho biết: “Trước đây, ở Quy Nhơn, nghề mành rút ngày phát triển rất mạnh, nhưng giờ thì chủ các tàu làm nghề này dần chuyển sang làm mành rút chì đêm để đánh bắt hiệu quả hơn. Như tàu tôi chuyển từ nghề mành rút ngày sang làm nghề lưới vây ánh sáng chuyên đánh bắt cá ngừ vằn (còn gọi là cá sọc dưa, cá dưa gang). Biển giả thì lúc có lúc không, nhưng trúng đến mức đánh bắt được 45 tấn cá sọc dưa, chia phần bạn gần 30 triệu đồng/người thì hồi ở tàu đánh bắt kiểu cũ chưa từng có”.

Phần lớn các tàu của ngư dân làm nghề lưới vây đều được trang bị hệ thống đèn cao áp cùng nhiều thiết bị, như: Máy thông tin liên lạc ICOM, VX-1700; máy định dạng; máy dò chụp, dò quét; máy tời… Việc ứng dụng thiết bị hiện đại làm thay đổi thói quen đánh bắt của ngư dân, tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả cao. 

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có 6.035 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên; trong đó có 1.520 tàu cá làm nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ, cá nục, mực… Trong 6 tháng đầu năm 2019, ngư dân trong tỉnh khai thác ước đạt hơn 123 tấn thủy sản; riêng sản lượng cá ngừ đại dương đạt hơn 7.200 tấn

Theo ngư dân Lê Minh Thư, ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), chủ tàu cá BĐ 96935 TS, trước đây tàu nhỏ lưới ngắn chỉ làm ven bờ, máy móc chưa hiện đại lắm. Bây giờ tàu to máy lớn phát triển với số lượng nhiều nhưng lại thiếu bạn đi biển nên chủ tàu phải đầu tư trang thiết bị hiện đại hơn đánh bắt mới hiệu quả. Ví như trước đây bè đèn sử dụng bóng cao áp phải kéo dây điện từ tàu cá xuống nước rất vướng víu, sau đó ngư dân thay đổi bằng cách đưa một máy phát điện nhỏ xuống thúng chai để cấp điện cho bè đèn dụ cá, còn bây giờ thì nhiều tàu dùng bè đèn trang bị bóng đèn led sử dụng nguồn điện bình ắc quy vừa nhỏ gọn lại hiệu quả hơn.

“Ngoài các loại thiết bị trên tàu, tôi còn đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp 2 máy tời để thu kéo lưới, đưa cá lên tàu, giúp giảm bớt sức lao động khi ra khơi. Hệ thống hầm bảo quản sản phẩm trên tàu của tôi cũng được nâng cấp, bọc lại bằng inox giúp nâng cao chất lượng hải sản được bảo quản trong quá trình khai thác”, ông Thư cho biết thêm.

Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân có điều kiện vay vốn, đóng mới tàu cá công suất lớn với nhiều thiết bị máy móc hiện đại để vươn khơi bám biển. Năm 2016, ngư dân Trương Hoài Đức, ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ) đã vay vốn Nghị định 67 để đóng con tàu vỏ composite công suất 822 CV, làm nghề lưới vây ánh sáng, trị giá hơn 14 tỉ đồng. Ông Đức bộc bạch: “Tàu mới có công suất lớn, được trang bị các thiết bị hiện đại giúp tăng hiệu quả kinh tế, lại đảm bảo an toàn khi ra khơi với mỗi chuyến biển kéo dài từ 20 - 25 ngày. Bình quân mỗi chuyến biển tàu tôi đánh bắt 15 – 20 tấn cá, mực, thu nhập của bạn được 10 triệu đồng/người; có chuyến trúng biển được gần 50 tấn cá, mực, chia phần bạn được hơn 30 triệu đồng/người”.

Đoàn Ngọc Thuận Báo Bình Định