TIN THỦY SẢN

Vay hơn 18 tỷ, cách nào giúp chủ tàu vỏ thép trả 1,2 tỷ/năm?

Tàu vỏ thép mang số hiệu HT 96706 TS Vũ Huyền

“Vay hơn 18 tỷ đồng để đóng tàu vỏ thép, mỗi chuyến đi chủ tàu phải có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng thì mới trả dần được tiền vay ngân hàng. Tôi đã tìm được đáp án của bài toán này trước khi quyết định vay vốn Ngân hàng NN&PTNT Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để đóng tàu theo Nghị định 67/NĐ-CP” - ông Nguyễn Hữu Cường, Giám đốc Công ty TNHH DV&TM Đại Trường Phát chia sẻ.

Chủ tàu dày dặn kinh nghiệm

Tháng 9/2015, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại (DL&TM) Đại Cường Phát do anh Nguyễn Hữu Cường (xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) làm giám đốc được vay vốn Agribank Kỳ Anh theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ để đóng mới tàu vỏ thép công suất gần 900CV.

Số tiền cho vay cả phần đóng tàu và lắp đặt hệ thống ngư, lưới cụ cho nghề lưới vây ánh sáng là 18,6/tổng số 19,6 tỷ đồng tiền đầu tư. Gần 1 năm đóng tàu và lắp đặt hệ thống ngư lưới cụ tại Công ty TNHH TM Khiên Hà (Hải Phòng) - một trong những đơn vị đóng tàu biển và tàu cá lớn uy tín hàng đầu Việt Nam, đến tháng 5/2016, con tàu chính thức hoạt động. Một năm sau, tàu vỏ thép của Công ty trả tiền vay gốc và tiền lãi 1,2 tỷ đồng/năm cho ngân hàng.

Theo Giám đốc Nguyễn Hữu Cường thì với thực tế sản xuất hiệu quả cao như hiện nay, công ty sẽ thực hiện đúng trách nhiệm trả nợ theo cam kết.

Chia sẻ về hành trình làm chủ con tàu vỏ thép, anh Cường cho biết: “Mặc dù có khá nhiều kinh nghiệm trong đánh bắt xa bờ, nhưng khi quyết định vay số vốn “khủng” để đóng tàu vỏ thép, tôi rất lo lắng và phải mất cả năm trời ròng trăn trở, tham khảo, tìm hiểu ở nhiều nơi để quyết định phương án sản xuất khả dĩ nhất. Sở dĩ như vậy là vì chi phí cho mỗi chuyến ra khơi đối với tàu vỏ thép là không hề nhỏ, nếu không có phương án sản xuất phù hợp để nâng cao hiệu quả đánh bắt thì nắm trong tay phần lỗ, nguy cơ tàu nằm bờ là rất cao”.


Lãnh đạo thị xã Kỳ Anh và Agribank Kỳ Anh động viên, chúc mừng anh Nguyễn Hữu Cường (người phía trong cùng) tại lễ hạ thủy tàu vỏ thép

Làm nghề vây ánh sáng, sau hơn 1 năm đánh bắt xa bờ bằng tàu vỏ thép, anh Cường đã khẳng định được sự lựa chọn của mình là đúng đắn, khi hầu hết các chuyến đi đều có lãi. Sản phẩm chủ yếu của nghề vây ánh sáng là cá thu ngừ, cá nục…, thường dễ tiêu thụ.

Theo tính toán sơ bộ của chủ tàu, mỗi chuyến ra khơi (khoảng 15 ngày) với tổng số 22 thuyền viên, tổng chi phí hết khoảng gần 500 triệu đồng, các anh còn thu lãi khoảng trên 400 triệu đồng. Mỗi năm, thực hiện khoảng 10 chuyến vươn khơi, con tàu vỏ thép của công ty có đủ khả năng trả dần số tiền vay hàng năm theo cam kết với ngân hàng.

Anh Cường chia sẻ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67/NĐ-CP là rất lớn. Tuy nhiên, yếu tố quyết định thành công đó là phải lựa chọn được nghề đánh bắt hiệu quả, có kinh nghiệm đánh bắt xa bờ dày dặn và năng lực quản lý, tổ chức sản xuất trên con tàu lớn. Dù chính sách hỗ trợ lãi suất rất ưu đãi (1%/năm) nhưng chủ tàu cần cân nhắc kỹ để có thể trả nợ tiền vay dựa vào hiệu quả sản xuất của mình.

Ngân hàng triển khai cho vay bài bản

Giám đốc Agribank Kỳ Anh Trần Văn Tài cho biết, triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngân hàng đã phối hợp với UBND thị xã Kỳ Anh tuyên truyền kỹ lưỡng tới tận ngư dân các địa phương có nghề đánh bắt thủy sản. Mỗi cuộc tuyên truyền, lãnh đạo ngân hàng đều trực tiếp tham gia phổ biến trực tiếp cho ngư dân về các điều kiện, quyền lợi, nghĩa vụ khi vay vốn theo Nghị định 67, trong đó đặc biệt phân tích kỹ về trách nhiệm của chủ tàu trong việc phải tính toán tính khả thi trong sản xuất để trả nợ tiền vay. Ở thị xã Kỳ Anh chỉ có 1 doanh nghiệp và 1 cá nhân tàu đăng ký vay vốn theo Nghị định 67, đều ở xã Kỳ Ninh.

Được biết, trước khi triển khai thẩm định, cho vay tàu vỏ thép, cán bộ ngân hàng đã đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị để trang bị kiến thức về cách đánh giá, tình toán các thông số kỹ thuật, hiệu quả sản xuất của tàu vỏ thép. Đây là cơ sở để ngân hàng đồng hành, hỗ trợ chủ tàu trong quá trình lựa chọn đơn vị đóng tàu, trang bị ngư lưới cụ và triển khai đánh bắt.


Agirbank Kỳ Anh trao đổi cùng chủ tàu về kết quả đánh bắt sau mỗi chuyến vươn khơi

“Điều khiến ngân hàng yên tâm đầu tư cho dự án này không chỉ là dựa vào khả năng tài chính của 1 doanh nghiệp đa ngành nghề, là kinh nghiệm đánh bắt của chủ tàu từng nhiều năm làm thuyền trưởng cho các tàu đánh bắt thủy sản nước ngoài, mà còn là bởi sự suy nghĩ kỹ lưỡng, tính toán thận trọng của giám đốc doanh nghiệp trước khi quyết định vay vốn đóng tàu vỏ thép" - Giám đốc Agribank Kỳ Anh nhấn mạnh.

Vũ Huyền Báo Hà Tĩnh