Vị ngọt của hến!
Khoảng 4-5 giờ sáng, những người đàn ông khỏe mạnh của xóm hến ấp Trung Phú 1 (xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn) đã “ra khơi” bắt đầu cho hành trình đi tìm “lộc của trời” - cào hến. Hến được người dân nơi đây quý lắm vì hàng chục năm qua, nó đã nuôi sống biết bao dân nghèo ở xóm nhỏ này.
Có dịp thăm xóm hến vào mùa nước nổi, mọi người mới cảm nhận được cuộc mưu sinh vất vả nhưng cũng thật hào sảng của những người dân quanh năm chỉ biết “bán mặt” cho sóng nước và làm bạn với... con hến!
Con hến gắn bó với bà con xứ này đến nổi không thể bỏ được. Dù những người theo nghề cào hến không khá giả nhưng cuộc sống đã thoát cảnh “thiếu trước, hụt sau”, tạm gọi là ổn định. Phải chăng vì lẽ đó mà cuộc mưu sinh dù có vất vả thế nào thì người dân xóm hến vẫn bám trụ với nghề cào hến. Có gia đình theo nghề từ đời cha rồi đến đời con.
Cứ thế, bao nhiêu năm qua, cái tình của người dân với con hến ngày càng “nặng” hơn. Không khó tìm, vừa qua cầu Ba Bần, quẹo trái, ôm hết “cua” là đã thấy xóm hến. Cũng không cần đến nơi, cách xóm hến chừng trăm mét, người đi đường đã có thể ngửi thấy hương ngọt ngào của con hến đang được luộc đãi vỏ trong các lò “khổng lồ” ở xóm hến. Thường thì, đàn ông sẽ theo ghe cào hến bởi đây là công việc khá vất vả, đòi hỏi có sức khỏe tốt. Phụ nữ ở nhà, chờ hến về bắt tay vào việc luộc, vớt thịt hến và bán, bởi công việc này cần sự tỉ mỉ. Mùa hến, xóm hến lại càng nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
“Từ lúc trai trẻ, tôi đã theo nghề cào hến. Lúc ấy, khúc sông trước mặt toàn là hến. Hến nhiều đến mức mỗi ngày, tôi cào được đến cả trăm tạ chứ chẳng chơi. Nhưng lúc đó dân cào hến bằng cào tay (thân bằng tre, lưỡi cào bằng sắt có răng dài khoảng 6 tấc) rất nặng nên việc cào hến rất cực. Ai có sức lực, cào khỏe thì hến càng nhiều. Giá hến lúc ấy rất thấp, chỉ 1.500 đồng/kg (còn vỏ), chúng tôi bán cho người dân quanh vùng và thương lái ở những nơi xa, có khi ở ngoài tỉnh. Cuộc sống của chúng tôi nhờ vậy mà đỡ khổ vì có cái nghề ổn định, không phải lo thiếu cái ăn hàng ngày. Thế là, người theo nghề cào hến ngày một đông và duy trì đến tận bây giờ” - ông Bùi Văn Sánh (sinh năm 1938, ấp Trung Phú 1) nhớ lại. Chợt tắt hẳn nụ cười, ông Sánh đưa tay chỉ về con sông trước mặt và cho biết, bây giờ việc cào hến đỡ cực hơn rất nhiều vì có máy cào hỗ trợ nhưng muốn cào hến phải đi xa lắm mới có, vì “lộc hến” ở đây dường như đã hết.
Có lẽ do đánh bắt quá dày đặc và diễn ra quanh năm nên con hến không còn dồi dào. Giờ muốn có hến, mọi người phải xuôi ghe lên kênh Mặc Cần Dưng (Châu Thành) hay các kênh ở cầu số 11, 13, 14, 15 (hướng Châu Thành - Tri Tôn) mới có.
Phụ nữ ở nhà luộc và bán hến
Mày mò ngồi vá lại những tấm lưới rách trong buổi cào hến đêm trước, anh Bùi Thanh Văn (39 tuổi, ngụ ấp Trung Phú 1) cho biết: “Hến bắt đầu sinh sản mạnh vào tháng 6 (âm lịch), đến tháng 8 (âm lịch) là đã lớn. Trước khi vào mùa cào hến mới, tôi tiến hành thăm dò từng khúc sông. Cào thử một lần là biết được mình nên bắt đầu cào hến, và chỗ nào “dưỡng” cho con hến lớn để cào sau. Hết 1 năm, tôi mới quay lại thăm dò tiếp. Cùng sinh sống bằng nghề cào hến nên dân cào chúng tôi rất hiểu những khó khăn trong nghề, không bao giờ có chuyện tranh nhau “địa bàn”. Thậm chí, họ “chơi đẹp” chỉ mình chỗ nào hến nhiều thì lần sau, mình cũng giới thiệu họ nơi có nhiều hến khác. Làm nghề này, có qua có lại mới bền được”. Hiện, thương lái mua hến tại chỗ với giá 31.000 đồng/kg, mua lẻ 40.000 đồng/kg. Hến ăn ngon nhất là sau khi luộc, đãi vỏ, chấm với nước mắm me. Vị thơm ngọt của hến, chua cay của me và ớt sẽ khiến người ăn nhớ mãi. Bởi, đó còn là vị ngọt của cuộc sống, vị ngọt của những giọt mồ hôi vất vả.
Trưởng ban Nhân dân ấp Trung Phú 1 Thạch Văn Tân cho biết: “Hiện, địa bàn ấp có khoảng 20 hộ dân theo nghề cào hến, đa số họ đều không có ruộng đất, đời sống khó khăn. Nhưng nhờ theo nghề cào hến này mà đời sống bà con đã dần ổn định. Năm 2015, các hộ dân được địa phương hỗ trợ làm thủ tục vay vốn từ 5-10 triệu để trang bị phương tiện, máy cào để thuận tiện hơn trong nghề nghiệp. Với mật độ khai thác dày đặc như hiện nay, chúng tôi đang lo ngại việc cạn kiệt nguồn lợi này trong tương lai. Vì thế, trong quá trình họp dân, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền mọi người khai thác phải đi đôi với bảo vệ nguồn lợi. Chúng tôi nhận được nguồn hỗ trợ để tạo thêm việc làm cho bà con trong khoảng thời gian hến đang sinh sản, để mọi người ngưng khai thác vài tháng, bảo vệ “lộc của trời” này”.