Xăng dầu giảm giá, ngư dân phấn khởi
Lần công bố mới đây của Liên Bộ Công Thương - Tài chính về giảm giá các mặt hàng xăng dầu như một tin vui đến với hầu hết người tiêu dùng, trong đó có hàng vạn ngư dân đang tham gia hoạt động đánh bắt xa bờ. Bởi giá xăng dầu công bố giảm lần này tương đối sâu so với những lần giảm trước đó.
Theo đó, giá xăng Ron 92 và xăng E5 cùng có mức giảm 816 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm giá 819 đồng/lít. Mức giảm này sẽ tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Đặc biệt, thông tin này là niềm vui lớn với hầu hết ngư dân đánh bắt xa bờ. Bởi xăng dầu là chi phí chính trong hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản. Theo tính toán của nhiều ngư dân, cứ mỗi chuyến đi biển khoảng 30 ngày, ít nhất chủ phương tiện phải chi từ 120 – 150 triệu đồng tiền dầu, tùy vào công suất của tàu cá lớn hay nhỏ.
Ông Nguyễn Hiền, chủ tàu ĐNa 90242 tại quận Sơn Trà - Đà Nẵng cho biết, tàu chúng tôi chuẩn bị ra khơi trở lại khi có thông tin giảm giá xăng dầu đến gần 900 đồng/lít nên rất mừng. Mỗi chuyến đi biển tàu chúng tôi tiêu tốn trên 6.000 lít dầu; nếu giảm 819 đồng/lít thì chi phí sẽ giảm được khoảng gần chục triệu đồng (tương đương gần bằng tiền lương thực cho cả chuyến đi).
Nghề làm biển phụ thuộc nhiều yếu tố nên ngư dân luôn trong tình trạng lo lắng trước những chuyến vươn khơi dài ngày. Trong đó, chi phí xăng dầu luôn là nỗi ám ảnh của các chủ tàu. Ngư dân Nguyễn Hiền chia sẻ: “nếu giá xăng dầu tăng cao, chắc chắn tàu chỉ có nằm bờ, chứ không thể ra khơi. Bởi giá xăng dầu cao, đi kèm với chi phí cũng cao hơn, gặp thời tiết thuận lợi thì may ra hòa vốn còn không thuận lỗ là cái chắc”.
Còn ngư dân Bùi Văn Bảy, chủ tàu cá Dng 92184, công suất 420CV đang neo đậu tại Cảng cá Thuận Phước (Đà Nẵng) cho hay, tàu mới đánh ở ngư trường Hoàng Sa vào được 2 ngày và chuẩn bị ra khơi trở lại. Chuyến đi biển vừa rồi, tàu ông lỗ gần 50 triệu đồng, lao động trên tàu coi như không có tiền công, chỉ đủ trang trải cho những ngày lênh đênh trên biển.
“Chuyến này, với giá xăng dầu giảm xuống sẽ tiết kiệm được phần nào chi phí, mong thời tiết thuận lợi để đánh bắt hiệu quả hơn, bù lại chuyến trước đó”, ông Bảy hy vọng.
Trên thực tế, giá xăng dầu tác động rất lớn đến hoạt động đi biển của bà con ngư dân. Đơn cử, trong đợt tăng giá xăng dầu cuối tháng 5/2015, đã tác động tiêu cực đến hoạt động đánh bắt thủy hải sản của bà con ngư dân. Hàng loạt tàu cá phải nằm bờ, không thể ra khơi. Giá xăng dầu tăng, đã đẩy chi phí mỗi chuyến đi biển tăng thêm 30 - 40%.
Cùng đó, những chi phí liên quan đến hoạt động khai thác như ngư cụ, nhu yếu phẩm, nước đá… cũng trở nên đắt đỏ hơn. Vì vậy, theo ông Bảy là nhà nước cần có những giải pháp tích cực để giữ ổn định giá xăng dầu, giúp ngư dân yên tâm bám biển.
Hiện tại đang vào cao điểm khai thác cá vụ Nam năm 2015, nhưng tại Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) cũng như các cảng cá khác tại miền Trung, hàng chục tàu công suất lớn đang neo đậu cả tháng chưa ra khơi. Khi tìm hiểu được nhiều ngư dân cho biết, thời gian qua giá cá giảm rất sâu, trong khi chi phí đánh bắt lại tăng.
Vậy nên, từ đầu năm 2015 đến nay hầu hết các chuyến biển đều lỗ, may mắn lắm hòa vốn, đủ tiền công cho các lao động trên tàu. Chính điều này dẫn đến việc đánh bắt không hiệu quả buộc nhiều ngư dân cho tàu nằm bờ.
Một ngư dân có tàu công suất trên 400CV nhưng đang neo đậu tại Cảng cá Thọ Quang thổ lộ, tàu của tôi nằm bờ hơn một tháng rồi. Trước đó, cứ mỗi chuyến biển từ Trường Sa về bị lỗ hơn 70 triệu đồng. Nguyên nhân lỗ là do chi phí quá cao, trong đó chi phí xăng dầu là lớn nhất.
Thế nhưng giá cá lại xuống mức thấp trong hơn 1 năm trở lại đây. Thậm chí có chuyến đi về tư thương thu mua dưới 30 ngàn đồng/kg. Với giá bán này, chủ tàu không lỗ mới lạ.
Tuy nhiên, ngư dân này hy vọng, thông tin giá xăng dầu giảm vừa qua, không chỉ riêng tôi mà nhiều ngư dân rất phấn khởi. Chúng tôi đang chuẩn bị tập kết nhu yếu phẩm, lương thực và dầu để ngày mai cho tàu ra khơi trở lại. Chứ nằm bờ lâu nhớ biển lắm. Với giá xăng dầu như hiện nay, cùng với hy vọng thời tiết thuận lợi để những chuyến biển tới đây đánh bắt hiệu quả hơn, bù lỗ cho những chuyến đi biển trước đó.
Xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với cuộc sống của người dân, nên luôn được nhiều người quan tâm. Đánh giá về việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hiệp hội nghề Cá TP. Đà Nẵng cho rằng, mỗi lần điều chỉnh giá mặt hàng xăng dầu, ít nhiều tác động trực tiếp đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
Trong đó, đặc biệt là tác động trực tiếp đến hoạt động đánh bắt xa bờ của bà con ngư dân vùng biển. Thời gian qua, việc điều hành giá xăng dầu đã gây “sốc” đối với người dân, tác động tiêu cực đến thị trường hàng hóa và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Tuy nhiên, có thể khẳng định, từ khi có Nghị định 83/2014/NĐ – CP đến nay, giá xăng dầu được điều chỉnh lên xuống một cách hợp lý hơn và có những thay đổi tích cực trong việc điều hành giá xăng dầu. Song trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn, do đó cơ quan quản lý cần điều hành giá xăng dầu giảm để chia sẻ với người dân.
Ông Lĩnh cho biết thêm, còn trong lần giảm giá các mặt hàng xăng dầu này, chắc chắn sẽ tác động tích cực đến hoạt động đánh bắt của bà con ngư dân. Bởi hiện nay đang vào cao điểm của mùa vụ đánh bắt xa bờ. Sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động khai thác thủy sản trong năm 2015, tạo động lực cho ngư dân vươn khơi, kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Như chúng ta đã biết hàng vạn tàu cá Trung Quốc đang đổ ra Biển Đông, khi lệnh cấm đánh bắt của nước này đơn phương đưa ra đã hết hiệu lực từ ngày 1/8/2015. Nếu trong thời gian này, tàu thuyền của ngư dân chúng ta nằm bờ thì một sự thua thiệt lớn, cả về kinh tế và an ninh trên biển. Do đó, cần tạo điều kiện tốt nhất để giúp ngư dân an tâm bám biển, tham gia bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc.