Hạn chế thiệt hại do bệnh gan thận mủ trên cá tra
THÀNH CÔNG - Báo Ấp Bắc, 13/11/2015
Những năm gần đây, bệnh gan thận mủ (GTM) hoành hành trên cá tra gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân, thậm chí nhiều trường hợp tỷ lệ hao hụt trong nuôi cá tra thương phẩm lên đến 50%.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người nuôi thả giống mật độ cao, môi trường bị ô nhiễm, mầm bệnh không được xử lý triệt để trước khi thải ra sông, rạch… Để hạn chế thiệt hại do bệnh GTM gây ra, bà con nuôi cá cần theo dõi, kiểm tra chặt chẽ các yếu tố gây bệnh.
Một điểm nuôi cá tra ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy.
Phòng bệnh GTM cho cá tra
Trước đây, bệnh GTM trên cá tra thường xuất hiện vào đầu mùa mùa mưa, cao điểm vào tháng 8 - 1 0 hàng năm và xuất hiện trên cá tra lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây bệnh GTM xuất hiện gần như quanh năm và bệnh xảy ra trên cả cá giống. Trong các giai đoạn bệnh thì tỷ lệ hao hụt trên cá tra giống là lớn nhất với tỷ lệ hao hụt lên tới 90%.
Đối với hoạt động ương nuôi cá tra, việc theo dõi chặt chẽ đàn cá nuôi có thể giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh GTM nhằm có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng cá chết hàng loạt. Khi bệnh, cá thường có hoạt động bất thường như:
Hoạt động của cá thay đổi, cá nổi đầu hay tập trung ở khu nước chảy, cá giảm ăn hay bỏ ăn bất thường, nhảy lên mặt nước. Tuy nhiên, cá tra chỉ có thể được xác định bị bệnh GTM khi có dấu hiệu bệnh lý là những đốm trắng xuất hiện trên gan, thận và tỳ tạng.
Thả giống mật độ cao trong các hệ thống nuôi cá tra thâm canh làm cho cá bị sốc và gây nên những biến đổi về môi trường là điều kiện thuận lợi cho bệnh GTM bộc phát. Người nuôi cần theo dõi hoạt động, biểu hiện của cá trong điều kiện nhiệt độ mà bệnh GTM dễ bùng phát (từ 28 - 30 độ C). Khi điều kiện môi trường xấu cần đưa ra biện pháp điều chỉnh thích hợp bằng các biện pháp như thay nước mới, cấp thêm nước vào ao.
Chế độ ăn không phù hợp dễ làm tăng độ mẫn cảm của cá tra đối với vi khuẩn E. ictaluri gây ra bệnh GTM. Bởi nếu cho cá ăn quá nhiều thì lượng thức ăn dư thừa thải ra môi trường bên ngoài sẽ làm tích tụ chất cặn bã gây nên ô nhiễm cho ao nuôi, từ đó làm cho cá dễ mẫn cảm với mầm bệnh.
Khi cá ở giai đoạn nhỏ (từ 50 - 80g) cho ăn tối đa khoảng 5% trọng lượng cơ thể, cá lớn khoảng 2% trọng lượng cơ thể. Không cho cá ăn vào thời điểm nhiệt độ nước thấp hay cho ăn vào giữa trưa khi mặt trời lên cao.
Sự tích tụ chất thải từ thức ăn dư thừa sẽ sinh ra độc tố khi phân hủy làm ảnh hưởng trực tiếp đến cá và tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Do vậy, không nên thả cá giống với mật trên 60 con/m2, cần phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như Oxy, pH, nhiệt độ, NH3, độ mặn… ít nhất 1 lần/tuần vào những thời điểm nhất định trong ngày.
Khi thấy cá nuôi có những dấu hiệu bất thường, việc ngưng cho cá ăn hoặc giảm lượng thức ăn có thể là một biện pháp tốt để hạn chế tình trạng cá chết.
Hạn chế dịch bệnh lây lan
Khi mua cá tra giống thả nuôi cần chọn những cơ sở uy tín, được cơ quan Thú y kiểm dịch có kết quả âm tính đối với các mầm bệnh nguy hiểm; đặc biệt không chọn cá giống đã nhiễm bệnh GTM. Cá giống cần được quan sát cẩn thận, mỗi biểu hiện bất thường hoặc triệu chứng bệnh ở cá phải được xử lý kịp thời. Sau khi vận chuyển cá tra giống về cơ sở nuôi cần chú ý loại bỏ những con cá bị xây xát nhiều; đồng thời tắm cá giống qua nước muối nồng độ 0,5% từ 5 - 10 phút trước khi thả nuôi.
Tình trạng cá chết do bị bệnh (nhất là bệnh GTM) được người nuôi vứt ra sông, bán cá chết cho những hộ nuôi cá chim hay chôn không đúng cách đã tạo điều kiện cho mầm bệnh lây lan từ vùng này sang vùng khác.
Vì vậy, để hạn chế việc lây lan mầm bệnh người nuôi cá tra cần khử trùng các dụng cụ nuôi cá bằng Chlorine nồng độ từ 10 - 15 g/m3 trong 30 phút, phát hiện cá chết phải vớt ra khỏi ao ngay và chôn vào hố cách ly có rải vôi sống (CaO) để tiệt trùng, và nước thải từ ao cá bệnh cần được diệt khuẩn trước khi thải vào các kinh, sông.
Khi cá tra đã bị bệnh GTM thì sẽ rất dễ nhiễm các mầm bệnh khác như: Ký sinh trùng, bệnh xuất huyết và bệnh trắng gan, trắng mang… làm tình trạng cá chết càng nặng hơn.
Do đó, người nuôi cần quan sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của cá để sớm phát hiện bệnh và có biện pháp hữu hiệu phòng trị bệnh. Và để điều trị bệnh GTM trên cá tra cần phải sử dụng đến kháng sinh, tuy nhiên việc lựa chọn kháng sinh điều trị hiệu quả, tránh việc sử dụng kháng sinh đã bị lờn thuốc cần dựa vào kết quả làm kháng sinh đồ.
Bệnh GTM trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra. Đầu tiên loại vi khuẩn này được phân lập trên cá nheo Mỹ (Ictalurus furcatus) gây bệnh nhiễm trùng máu, trên cá trê trắng (Clarias batrachus) ở Thái Lan và trên một số loài cá da trơn khác.
Năm 1998, bệnh GTM bắt đầu xuất hiện ở các vùng nuôi cá tra thâm canh phát triển mạnh ở các tỉnh ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ; sau đó bệnh này lan dần sang các vùng nuôi cá tra lân cận và xuất hiện toàn vùng có nuôi cá tra thâm canh.
Tài liệu tham khảo
- Xác định tác nhân gây bệnh trương bóng hơi trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) nuôi thâm canh
- Một số biện pháp phòng chống rét cho thủy sản
- Sinh sản nhân tạo thành công giống cá bông lau
- Vai trò và chức năng một số hệ cơ quan trên cá tra
- Kinh nghiệm nuôi cá tra sạch, giảm giá thành
- Kỹ thuật nuôi cá tra thương phẩm trong ao
- Kỹ thuật sản xuất giống cá tra
- Quản lý sức khỏe cá tra nuôi lồng bè
- Quản lý môi trường nuôi cá tra trong lồng bè
- Nuôi cá tra ở miền bắc