TIN THỦY SẢN

5 quốc gia nào đứng đầu thế giới trong nghề nuôi tôm?

Mô hình nuôi tôm đang phát triển nhiều ở các quốc gia. Ảnh: Khoros Publishing, twitter. Nhã Hương

Những năm gần đây, tình hình nuôi tôm trên thế giới tương đối phát triển với trên 50 quốc gia và điển hình trong đó là 5 cường quốc có con số ấn tượng nhất đối với nghề nuôi tôm.

Ecuador 

Hiện nay Ecuador vẫn đang giữ vị trí đứng đầu “bảng vàng” trong  nuôi tôm và xuất khẩu tôm trên thế giới với hành trình dài hơn 50 năm từ năm 1969. 

Sau nhiều mô hình nuôi tôm thất bại, Ecuador thực hiện một phương pháp mới đó là bắt các con giống đến từ các cửa sông vận chuyển đến bể sinh sản trong vòng 4 - 8 tháng để phục vụ sản xuất và thương mại. Đây cũng là nền tảng cho cuộc cách mạng hóa toàn cầu trong ngành nuôi tôm.

Mô hình nuôi tôm của Ecuador khi nhìn từ trên cao. Ảnh: undercurrentnews

Bên cạnh đó còn có mô hình nuôi tôm theo phương pháp phân vùng trang trại nuôi và tránh những môi trường gần rừng ngập mặn, thay vào đó là xây dựng ao nuôi thả tôm ở những vùng có địa hình cao hơn. Cùng với ứng dụng công nghệ cho ăn tự động, từ 2009 đến 2022, sản lượng tăng gấp 6 lần và tăng trưởng nhanh chiếm 22% sản lượng toàn cầu.  

Nhờ sự phát triển trong nuôi tôm mà người nông dân cũng được tăng thu nhập khoảng 45 - 50.000 pounds/năm (tương đương với gần 1 tỷ 400 triệu). Năm 2021, sản lượng tôm của Ecuador là trên 1 triệu tấn với tốc độ tăng trưởng 31% dự kiến sẽ còn tăng mạnh hơn trong năm 2022. 

Ấn Độ

Sau khi nhường ngôi vị quán quân nuôi tôm cho Ecuador, Ấn Độ lui về vị trí thứ 2 trong ngành nuôi tôm trên thế giới. 

Nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững ở Ấn Độ. Ảnh: undercurrentnews.com

Hiện nay quốc gia này đã và đang ứng dụng hàng loạt các kỹ thuật công nghệ cao trong quản lý và nuôi tôm nhằm tăng hiệu quả công việc cũng như sản lượng. Mô hình nuôi tôm tương đối nhỏ, chỉ khoảng 0.2 - 0.5ha/ao và mỗi trại từ 2 - 4 ao nuôi. Tuy nhiên, vụ thu hoạch chính thứ 2 của Ấn Độ có dự kiến sản lượng sẽ thấp hơn bình thường, ước tính chỉ bằng 50% của vụ đầu.  

Dù con số có phần suy giảm, tuy nhiên Ấn Độ vẫn có vị thế cao trong ngành nuôi tôm trên thế giới với sản lượng hiện tại là 700.000 tấn và đến năm 2024 có thể sẽ tăng lên 1,4 triệu tấn dựa trên thế mạnh nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở vùng nuôi mới như bang Gujarat. 

 Ấn Độ cũng đang tăng tốc trong việc thực hiện các kế hoạch cải cách trong công nghệ nuôi tôm nhằm lấy lại vị trí số 1 trên thị trường tôm thế giới. 

Indonesia

Indonesia là một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất Đông Nam Á từ những năm 1980 với bắt nguồn từ việc nuôi tôm sú.

Tôm thẻ chân trắng ở Indonesia. Ảnh: vannameiwhiteshrimp.com

Những năm gần đây, quốc gia này hướng đến mô hình nuôi tôm với thiết kế hình tròn có đường kính từ 5- 30 mét, khung xây dựng bằng lưới thép hoặc tre và lót bên trong bằng HDPE. Mô hình này  phổ biến với nông dân trẻ và quy mô nhỏ với ưu điểm dễ dàng lưu thông nước, loại bỏ chất thải nhanh hơn và dễ dàng ứng dụng công nghệ mới.  

Tổng cục trưởng Tổng cục NTTS - Ông TB Haeru Rahayu cho biết Indonesia đã có kế hoạch đầy tham vọng với dự kiến sẽ tăng sản lượng tôm lên 2 triệu tấn trong năm 2024 và dự kiến sẽ phục hồi các ao nuôi truyền thống, tăng năng suất lên 30 tấn/ha/năm. 

Thái Lan

Từ những năm 1970, Thái Lan đã bắt đầu nuôi tôm và vươn lên tầm thế giới trong những năm 1990. Phần lớn là nhờ việc ứng dụng các công nghệ hiện đại cho các mô hình nuôi tôm như cho ăn tự động, thức ăn chất lượng cao giàu đạm, ít thay nước nuôi tôm, an toàn sinh học trong thâm canh, lai giống tôm bố mẹ, và sử dụng các chế phẩm sinh học như vi khuẩn Bacillus, Lactobacillus

Mô hình nuôi tôm ở miền Nam Thái Lan. Ảnh: miro.medium.com

Trong năm 2022, Thái Lan đặt mục tiêu sản lượng tôm thẻ chân trắng trong nước đạt 320.000 tấn và tăng lên 400.000 tấn trong năm tiếp theo.  

Việt Nam

Từ năm 1990 đến nay, Việt Nam không ngừng phát triển nghề nuôi tôm về cả mô hình nuôi và kỹ thuật. Hiện nay Việt Nam có trên 600.000 ha nuôi tôm với hai loài chủ đạo đó là tôm sú và tôm trắng, sản lượng mỗi năm trên 300.000 tấn. 

Năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đặt ra mục tiêu sẽ mở rộng quy mô nuôi tôm với diện tích 750.000 ha, đạt sản lượng 980.000 tấn, tăng kim ngạch xuất khẩu đến 4 tỷ nghĩa là tăng 2.5% so với năm 2021. Như vậy, nếu tiếp tục giữ vững thị trường tôm nuôi thì đến năm 2025, Việt Nam sẽ xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD.

Nuôi tôm công nghệ cao ở Việt Nam. Ảnh: channel.mediacdn.vn

Như vậy, ngành nuôi tôm đang rất có triển vọng đối với Việt Nam và toàn thế giới. Đây cũng là một trong những ngành nghề cần được phát triển ở thế hệ trẻ với công nghệ hiện đại và dự đoán sẽ đem lại nguồn lợi kinh tế cao trong ngành nuôi trồng thủy hải sản tại các quốc gia. 

Nhã Hương