TIN THỦY SẢN

An Giang xử lý doanh nghiệp nợ tiền cá tra

Lãnh đạo Công ty Thuận An (An Giang) đi công tác nước ngoài nhiều ngày mà không về, khiến các chủ nợ lo lắng. Huỳnh Lợi

Gần đây dư luận ở An Giang xôn xao về việc  nợ nần của bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc và chồng là chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Thuận An (Tafishco, ở An Giang), doanh nghiệp chuyên nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra. Vợ chồng bà Trinh được cho là đã đi công tác nước ngoài nhiều ngày mà không về công ty, khiến các chủ nợ lo lắng.

Theo tìm hiểu, vào tháng 8-2014, Ngân hàng Nhà nước cho phép và chỉ định Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) chi nhánh An Giang cho vay tín chấp, đối với Công ty Thuận An để xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị cá tra, gắn với người nuôi trên diện tích 50ha (chưa kể vùng nuôi riêng của công ty này). Mô hình liên kết này thì người nuôi được cung ứng thức ăn, thuốc… trong quá trình nuôi cá, thông qua sự giải ngân vốn của ngân hàng. Khi cá tra tới kỳ thu hoạch thì người nuôi được công ty bao tiêu, chế biến xuất khẩu; sau đó thu tiền về thanh toán lại cho ngân hàng… Phần lợi nhuận người nuôi sẽ hưởng.

Mô hình này được cho là hướng đi mới trong việc liên kết phát triển ngành cá tra. Thế nhưng, khoảng cuối năm 2016 xuất hiện thông tin công ty Thuận An gặp khó khăn về vốn; trong đó nợ các ngân hàng gần 600 tỷ đồng và hơn 2,5 triệu USD, nợ người nuôi cá gần 120 tỷ đồng… Đáng lo hơn là vợ chồng bà Trinh bỗng nhiên đi công tác dài ngày mà không về công ty và không liên lạc được. Trước tình hình trên, nhiều hộ dân bị công ty Thuận An thiếu nợ (trong mô hình liên kết) đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng. 

Chiều 9-2, UBND tỉnh An Giang đã họp với các ngân hàng, ngành chức năng của tỉnh… để bàn biện pháp xử lý những vấn đề liên quan đến Công ty Thuận An; đồng thời ổn định tâm lý người nuôi cá. Ông Phạm Sơn, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh An Giang cho biết: “Qua báo cáo của các ngành liên quan thì hiện nay công ty Thuận An vẫn hoạt động. Vì vậy, quan điểm chung của tỉnh là hỗ trợ nhiều cách để công ty này duy trì hoạt động và ổn định dần, sau đó tìm hướng tháo gỡ khó khăn. Một trong những vấn đề quan trọng lúc này là bảo vệ quyền lợi của nông dân đang bị công ty Thuận An còn nợ”. Ông Nguyễn Văn Tấn, hộ nuôi cá tra than thở: “Tôi tham gia mô hình liên kết và giao cá cho công ty Thuận An đã mấy tháng, như vậy coi như xong phần trách nhiệm của mình khi lấy thức ăn nuôi cá. Tuy nhiên, công ty chưa trả tiền cho ngân hàng, thế là ngân hàng quay sang đòi tôi với số nợ hàng chục tỷ đồng khiến cả nhà mất ngủ”. Cũng theo UBND tỉnh An Giang, hiện các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục theo dõi tình hình nhằm bàn bạc đưa ra giải pháp giải quyết trong thời gian tới…

ĐBSCL: Giá cá tra tăng mạnh

Giá cá tra nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL tăng khá cao trong những ngày gần đây. Chiều 9-2, thương lái ở Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… thu mua cá tra loại 1 với giá khoảng 24.000 đồng/kg, đây là mức giá đảm bảo cho người nuôi lãi khá.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Gò Đàng cho biết: “Do nhu cầu thị trường tiệu thụ trên thế giới cải thiện tốt, trong khi sản lượng cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL hiện nay không nhiều nên giá cá tăng trong mấy ngày qua. Cần thấy rằng, vào năm 2011 cá tra có lúc hút hàng đẩy giá lên cơn sốt 27.000- 28.000 đồng/kg. Do đó, chưa ai biết trước những ngày tới cá tra có tiếp tục tăng thêm nữa hay không”.

Các doanh nghiệp thủy sản cũng nhận định, giá cá đang tăng nhưng người nuôi cần theo dõi chặt diễn biến thị trường, trước khi mở rộng diện tích nhằm tránh tình trạng rớt giá khi thừa nguyên liệu. Thời gian qua, giá cá tra lên xuống thất thường không ổn định, bởi phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ trên thế giới. Do đó, việc thả nuôi cần hết sức thận trọng… 

Huỳnh Lợi SGGP