TIN THỦY SẢN

Australia "bơm" 66 triệu USD khơi thông xuất khẩu nông, thủy sản

Chính phủ Australia khơi thông hoạt động thương mại quốc tế cứu ngành nông nghiệp, thủy sản. Diệu Linh

Chính phủ Australia sẽ “bơm” 110 triệu AUD (66 triệu USD) để khơi thông hoạt động thương mại quốc tế, giúp tổ chức hàng trăm chuyến bay chuyên chở hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu ra nước ngoài.

Khoảng 200 chuyến bay vận chuyển hàng nghìn tấn tôm hùm, cua, bào ngư, cá tươi và tôm đông lạnh, cùng với sữa và các loại thịt đỏ… sẽ lần lượt bay đến các thị trường xuất khẩu truyền thống của Australia trong thời gian tới, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Khu hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Singapore và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Kế hoạch vận chuyển hàng hóa này là trọng tâm của gói cứu trợ cho các nhà xuất khẩu, dự kiến sẽ được chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison công bố trong ngày 1/4. Các máy bay, ngoài nhiệm vụ chở hàng hóa xuất khẩu của Australia ra thị trường thế giới, sẽ vận chuyển về nước các vật tư y tế cần thiết mà chính phủ đã đặt mua.

Xuất khẩu nông, thủy sản của Australia hiện đang gặp khó khi hàng loạt hãng hàng không ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Với tính chất là sản phẩm tươi cần vận chuyển nhanh trong vòng 24 giờ sau thu hoạch, lĩnh vực xuất khẩu nông, thủy sản phụ thuộc hoàn toàn vào cách thức vận chuyển bằng đường hàng không, thay vì có thể tìm kiếm giải pháp thay thế như vận chuyển bằng đường biển.

Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham cho biết việc hỗ trợ ngành xuất khẩu trở lại hoạt động là rất cần thiết, giúp giảm thiểu tổn thất việc làm do đại dịch. Đây cũng là một phần quan trọng trong tiến trình phục hồi nền kinh tế.

Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế và nhà chức trách Australia đã lên tiếng cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu về việc chi phí vận chuyển hàng hóa hiện nay sẽ cao hơn rất nhiều so với giai đoạn bình thường khác. Trong đó, riêng tuyến bay từ Australia đến Trung Quốc có khả năng tăng ít nhất gấp đôi do chi phí vận hành và bến bãi cao đột biến.

Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các chính  phủ không được hỗ trợ trực tiếp chi phí vận chuyển hàng hóa cho các nhà sản xuất trong nước. Để tránh vi phạm quy tắc này, Canberra sẽ chỉ tham gia tạo điều kiện dễ dàng để “khơi thông” các tuyến bay. Toàn bộ phần chi phí vận chuyển hàng hóa vẫn do các nhà xuất khẩu tự chi trả.

Diệu Linh TTXVN