TIN THỦY SẢN

Bổ sung mật rỉ đường trong ương nuôi ấu trùng tôm sú

Mật rỉ đường - Ảnh: Oh My Veggies Tập 54, Số CĐ Thủy sản

Nghiên cứu nhằm tìm ra thời điểm bổ sung carbohydrate từ rỉ đường thích hợp nhất lên tăng trưởng và tỷ lệ sống của ấu trùng và hậu ấu trùng tôm sú.

Để làm cơ sở cho xây dựng qui trình sản xuất giống tôm sú theo công nghệ biofloc, việc xác định thời điểm bổ sung nguồn carbohydrate là rất cần thiết. Chính vì thế nghiên cứu : "Ương ấu trùng tôm sú bằng công nghệ biofloc từ nguồn carbohydrate rỉ đường theo giai đoạn ấu trùng và hậu ấu trùng tôm" được thực hiện nhằm đánh giá tăng trưởng và tỷ lệ sống của hậu ấu trùng tôm sú. 

Bổ sung mật rỉ đường trong ương nuôi ấu trùng tôm sú

Biofloc được tạo bằng nguồn carbohydrate từ rỉ đường có hàm lượng C là 46,7%. Rỉ đường được hòa vào nước theo tỷ lệ 1 rỉ đường, 3 nước rồi ủ 48 giờ sau đó bổ sung trực tiếp vào bể ương. Lượng rỉ đường được bổ sung 3 ngày một lần được tính theo tỷ lệ C/N trong thức ăn để bổ sung, tùy vào lượng thức ăn sử dụng cho tôm ăn mà thêm lượng rỉ đường để đạt được tỷ lệ C/N = 25. Lượng rỉ đường cần bổ sung vào bể để tạo biofloc được tính dựa theo công thức có cải tiến của Lục Minh Diệp (2012). 

∆N = WTA x %PrTA X 0,08

∆C = 25 X ∆N 

∆CH= ∆C : 50%

Trong đó, ∆N: Lượng nitơ có trong thức ăn; ∆C: Carbon cần bổ sung; ∆CH: Lượng carbohydrate cần bổ sung; WTA Lượng thức ăn cho ăn hàng ngày; %PrTA: Protein trong thức; 0,08: Là (lượng Nito có trong thức ăn (16%), (%N) thải ra (50%); 25: Tỷ lệ C:N cần cung cấp là 25:1; 50%: Tỷ lệ carbon trong carbohydrate bổ sung. 

Bố trí thí nghiệm Thí nghiệm gồm 4 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần, cách bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên. Bể ương có thể tích 500 L, độ mặn 30‰. Mật độ ương ấu trùng 150 con/L.

+ Nghiệm thức 1: Bổ sung mật rỉ đường ở giai đoạn Mysis-1 

+ Nghiệm thức 2: Bổ sung mật rỉ đường ở giai đoạn Mysis-3

+ Nghiệm thức 3: Bổ sung mật rỉ đường ở giai đoạn Postlarve-2 

+ Nghiệm thức 4: Bổ sung mật rỉ đường ở giai đoạn Postlarve-4 

Chăm sóc ấu trùng và hậu ấu trùng

Khi ấu trùng Nauplius chuyển sang ấu trùng Zoea-1 thì cho ăn tảo tươi Chaetoceros sp với mật độ 60.000–120.000 tế bào/ml kết hợp thức ăn nhân tạo (50% Lansy ZL + 50% Frippak-1) với lượng 1– 2 g/m3/ngày.

Giai đoạn ấu trùng Mysis cho tôm ăn thức ăn nhân tạo (50% Lansy ZL + 50% Frippak-2) với lượng thức ăn là 3-4 g/m3/ngày và Artemia bung dù 2 g/m3/lần.

Đến giai đoạn tôm PL-1-PL-6 cho tôm ăn thức ăn Frippak-150, từ PL-7-PL-15 cho ăn Lansy PL từ 2-6 g/m3/lần, Artemia mới nở 4 g/m3/lần (Châu Tài Tảo, 2013).

Trong suốt quá trình ương, không thay nước, chỉ cấp thêm nước hao hụt do siphon. 

Các chỉ tiêu như các thông số môi trường nước, chiều dài tổng của các giai đoạn, tỉ lệ sống, năng suất, chất lượng ấu trùng tôm PL15 được kiểm tra.

Kết quả và đề xuất

Các yếu tố môi trường, mật độ vi khuẩn và chỉ tiêu biofloc của các nghiệm thức nằm trong khoảng thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt từ giai đoạn Mysis 3 đến PL2.

Tăng trưởng về chiều dài, tỷ lệ sống và năng suất của tôm ở giai đoạn PL-15 lớn nhất ở nghiệm thức bổ sung rỉ đường từ giai đoạn Mysis-3. Chất lượng tôm PL-15 ở tất cả các nghiệm thức trong thí nghiệm đạt chất lượng tốt và sạch bệnh đốm trắng, bệnh EMS/AHPND, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô (IHHNV).

Nếu ương ấu trùng tôm sú có bổ sung rỉ đường từ giai đoạn Mysis-3 thì tôm PL-15 có tăng trưởng, tỷ lệ sống và năng suất cao nhất do đó công nghệ biofloc có thể được ứng dụng để ương giống tôm sú từ giai đoạn Mysis-3 vào trong thực tế sản xuất giống. 

Tác giả nghiên cứu: Châu Tài Tảo, Lý Văn Khánh và Trần Ngọc Hải của Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ. Báo cáo được đăng trên Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Cần Thơ.

Tập 54, Số CĐ Thủy sản