Bội thu cá, thất thu giá
Từ sau tết, nhiều chuyến ra khơi của ngư dân đều được mùa cá, tuy nhiên khi vào bờ để bán, thường bị các chủ thương lái ép giá, khiến nhiều chủ tàu thất thu.
Được cá , thương lái ép giá
Tình trạng này xảy ra nhiều trên địa bàn cảng biển tỉnh TT-Huế, đặc biệt đối với các chủ tàu đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến ra khơi phải chuẩn bị các nhu yếu phẩm, nhiên liệu lên đến hàng trăm triệu đồng. Khi các tàu cần có đầu tư ban đầu lớn, đã liên kết ứng trước một khoản tiền với các thương lái, việc bị ép giá là điều khó tránh.
Bội thu cá, thất thu giá
Theo ông Trần Soạn, ở thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) chủ tàu cá có công xuất hơn 400CV, được vay vốn đầu tư đóng mới theo nghị định 67 của Chính phủ cho biết: “ Đầu tháng 3 vừa qua, tàu xuất bến thực hiện chuyến biển đầu tiên. Với mẻ cá nục hơn 10 tấn trong quá trình đánh bắt lần 1, sau 4 ngày, định ghé cảng Đà Nẵng để bán, tuy nhiên trên đường lại gặp được một “tàu hậu cần” cách cảng 10 hải lý, họ trả và chúng tôi đã đồng ý bán với giá 15.000đ/kg. Sau đó quay ra biển để tiếp tục chuyến hành trình, tàu chúng tôi cũng đã đánh bắt được hơn 12 tấn cá, chủ yếu cá nục, lúc đó ngày 25 âm lịch, do đó, tôi cho tàu quay về cảng Thuận An. Nhưng khi thương lái đến thu mua chỉ với giá 11.500đ/kg, khiến cho chuyến tàu đánh bắt vừa qua, mặt dù đánh được cá nhưng mất giá do bị thương lái ép. Chứ ở thị trường, cá nục hiện nay rơi vào khoản 25.000-30.000/kg, vẫn không thấp so với những ngày trước đó”.
Cá nục bán trước cảng cá Thuận An giá 30.000đ/kg
Vừa vui vì chuyến đầu tiên trên con tàu mới vừa đóng xong, với gần 20 nhân công tham gia đánh bắt, chuyến ra quân như vậy là tương đối tốt. Tuy nhiên, vì cũng gặp khó khăn về vốn, nên phải cậy đến chủ thương lái, do đó xét về tổng thu nhập cả chuyến biển đối với tàu công xuất lớn, chỉ dư giả vài chục triệu sau khi trừ mọi chi phí thì tương đối thấp, bởi đây là thời điểm bắt đầu rơi vào thời vụ đánh bắt. Nên tôi và anh em đi biển, không thấy vui lắm. Ông Soạn cho biết thêm.
Tăng dịch vụ hậu cần
“ Hầu hết các tàu đánh bắt xa bờ đều phải liên kết với các chủ thương lái thu mua lớn, do đó việc bị ép giá là khó tránh khỏi. Nếu trên biển chúng ta hiện nay, được tăng cường nhiều tàu dịch vụ hậu cần, vừa thu mua hải sản lại vừa cung cấp nhiên liệu và lương thực, thực phẩm thì nhiều con tàu sẽ mạnh dạn vươn khơi xa hơn, đánh bắt lâu ngày với cơ hội thu hoạch được nhiều cá hơn, giá cả cũng hợp lý hơn”. Ông Soạn mong muốn.
Để đảm bảo, tạo điều kiện cho tàu ngư dân có cơ hội thuận lơi vươn khơi bám biển, vừa tăng năng suất đánh bắt vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mong rằng các cơ quan ban ngành chức năng, cần tăng cường phối hợp, đầu tư tạo điều kiện nâng cao dich vụ hậu cần trên biển cả về số lượng và chất lượng. Đó là điều mong mỏi của nhiều ngư dân trên ngư trường mọi vùng biển của tổ quốc.