Cá mái chèo - Sứ giả của đại dương
Trong quan niệm của nhiều ngư dân, điển hình là tại Việt Nam và Nhật Bản thì cá mái chèo được mệnh danh là loài cá hiện thân cho những điềm báo gở.
Liệu loài cá này có phải là sứ giả của đại dương và chuyên mang đến những dự báo không tốt đẹp đến không?
Sự thật về loài cá có vẻ ngoài rất giống thủy quái
Cá mái chèo hay còn được gọi là cá hố rồng có tên khoa học là Regalecus glesne, đây là một loài cá thuộc họ Regalecidae. Loài cá này thường phân bố ở những khu vực rất sâu, theo nhiều ghi nhận thì khoảng 1000m dưới mực nước biển.
Chúng được cho là loài tồn tại lâu đời nhất và cũng là loài cá có xương dài nhất thế giới được biết đến trong các loài cá có xương. Cụ thể, cá mái chèo có thể đạt chiều dài đến 17m và nặng đến 270kg.
Nguyên nhân loài cá này được người ta đặt tên là cá mái chèo là vì phần vây ngực của chúng dài như những chiếc mái chèo.
Cá mái chèo sở hữu cơ thể tương đối mỏng và dẹt màu bạc pha lẫn những mảng màu đen. Đặc biệt, chúng có được những chiếc vây hết sức độc đáo như vây lưng dài và nằm dọc theo toàn bộ chiều dài thân, vây ngực thì khá dài, còn vây chậu lại có hình chèo dài.
Thoạt đầu, khi nhìn vẻ ngoài của cá mái chèo, nhiều người hẳn tỏ ra e ngại và sợ sệt trước ngoại hình khá dị biệt và có phần giống những “thủy quái” trong truyền thuyết của chúng. Tuy nhiên, cá mái chèo lại không hề có khả năng gây hại đến con người. Thậm chí, chúng còn là loài cá rất dễ bị tổn thương do bề mặt da của chúng khá mềm và lại không có vảy nào bảo vệ. Chúng chỉ có một lớp phủ màu bạc được hình thành từ chất guanin (C5H5N5O) bao quanh.
Do không có răng lại lành tính nên ngay cả đối với những sinh vật nhỏ bé, yếu thế hơn cũng không bị cá mái chèo xem là đối thủ. Hầu như thức ăn của cá mái chèo chỉ là các loài nhuyễn thể, giáp xác nhỏ hay sinh vật phù du.
Cá mái chèo trong quan niệm của ngư dân vùng biển
Trong quan niệm dân gian của không ít người đi biển, việc đánh bắt được cá mái chèo không được cho là một thắng lợi của bất kỳ ngư dân nào. Đôi khi, chỉ cần bắt gặp số lượng lớn cá mái chèo thì cũng là một dự báo xui xẻo cho họ.
Một điều hết sức thú vị là ở Việt Nam, đó là nếu ai đó bắt gặp một con cá mái chèo chết và dạt vào đất liền, họ sẽ lập tức kêu gọi những ngư dân khác để cùng nhau chôn cất nó theo phong tục của địa phương. Hành động này được tin là sẽ giảm bớt điều không may mà cá mái chèo - sứ giả đại dương mang đến nơi đó.
Những ngư dân cho rằng cá mái chèo chính là một loài “cá tận thế” bởi sự xuất hiện của chúng thường mang điềm báo cho những hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm như động đất, bão lụt,... Trên thực tế, điều này không phải được dựng nên một cách vô căn cứ. Như đã biết, cá mái chèo ưa sống ở tầng nước biển rất sâu (khoảng 1000m), thế nên chúng có thể cảm nhận nhanh nhạy sự biến đổi của tự nhiên hay thời tiết.
Song, loài cá này không hề có năng lực “tiên tri” như nhiều người đồn đoán mà sự thật khiến chúng xuất hiện gần bờ hay thậm chí là chết và trôi dạt vào bờ là do biến đổi khí hậu. Dễ nhận ra, tác nhân chính gây ra tình trạng đó là những hoạt động sản xuất, sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường của con người.
Tựu lại, chúng ta không nên coi cá mái chèo như hiện thân của một thông điệp xấu từ đại dương mà nên nhận diện chúng như một trong những loài cá có nguy cơ đe dọa và tận diệt trước những tác động của con người đến môi trường biển. Như vậy, việc nhân loại chung tay bảo vệ cá mái chèo cũng như các loài cá khác tồn tại trong đại dương không chỉ là hành động bảo tồn hệ sinh thái biển mà còn là hành động giảm thiểu hệ quả tiêu cực của tự nhiên đến đời sống của con người.