Các thương vụ thâu tóm đình đám
Nông nghiệp là ngành đang sốt sình sịch. Hiện những lĩnh vực của ngành này đang thu hút nhà đầu tư và diễn ra nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A - mergers and acquisitions) là thủy sản, chăn nuôi, cũng như lĩnh vực SX giống, vật tư...
Cuộc chiến âm thầm
Giới kinh doanh thực phẩm, giữa năm 2015, xôn xao bởi thông tin Masan Consumer, một công ty con thuộc Tập đoàn Masan, mua lại DN tư nhân Ba Huân, nhà cung cấp sản phẩm trứng gia cầm nổi tiếng tại TP.Hồ Chí Minh.
Cho dù không lên tiếng xác thực thông tin, nhưng việc Ba Huân nằm trong tầm ngắm của Masan Consumer là điều đã được giới đầu tư dự đoán trước.
Một trong những nguyên nhân được lý giải là, Masan Consumer hiện còn thiếu khâu thực phẩm trong chuỗi giá trị 3F của họ (Feed: thức ăn chăn nuôi, Farm: nông trại, Food: thực phẩm trên bàn ăn).
Khoảng 3 năm trở lại đây, Masan Consumer đã liên tục thực hiện các cuộc rót vốn đầu tư hoặc mua lại nhiều DN trong lĩnh vực nông nghiệp, để hoàn thiện chuỗi kinh doanh theo mô hình 3F.
“Trong khi thị trường thức ăn cơ bản đã được xác lập thị phần giữa các DN lớn thì thị trường chăn nuôi vẫn phân mảnh. Số liệu do Masan trích dẫn cho thấy thị trường thức ăn chăn nuôi hiện có trị giá 6 tỷ USD nhưng thị trường chăn nuôi lớn gấp 3, đạt 18 tỷ USD.
Nếu không khẳng định được vị trí trên thị trường chăn nuôi, các công ty thức ăn về lâu dài sẽ mất vị thế khi mà tất cả đều chạy đua hoàn thiện chuỗi giá trị. Do đó, đầu tư cả 2 lĩnh vực này vẫn là lợi thế", một lãnh đạo Masan cho hay.
Do vậy, chắc ai quan tâm đến lĩnh vực SX thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam hẳn còn nhớ rõ trên thị trường thức ăn chăn nuôi, Proconco vốn dĩ đã là có thị phần lớn, nhưng khi kết hợp với cả một công ty lớn khác là ANCO để hình thành nên Masan Nutri-Science thì đây có lẽ là đối thủ đáng gờm đối với C.P, DN sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam hiện tại.
Đầu tư vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, Masan hầu như đã hoàn thành chuỗi 3F của mình. Chuỗi khép kín này được đánh giá là tiên tiến, tối đa hóa lợi nhuận cho DN, tạo nên những DN nông nghiệp lớn, đủ khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài.
Đây cũng là công thức chung mà hầu hết các DN lớn đã, đang và sẽ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo đuổi, từ Dabaco, GreenFeed, hay các DN thủy sản lớn như Hùng Vương, Minh Phú.
Trước đó, trong buổi gặp gỡ lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh vào tháng 3/2015, ông Lee Hae Sun, Tổng Giám đốc Công ty CJ CheilJadang Corporation (Hàn Quốc), cho biết CJ rất quan tâm đến cổ phần hóa DN nông nghiệp nhà nước tại TP này và muốn được tham gia. Cụ thể đặt trọng tâm là Công ty Vissan.
Thủy sản chạy đua
Rõ ràng đối với các DN kinh doanh sản phẩm nông nghiệp nói chung, việc thiếu hay yếu ở bất kỳ mắt xích nào trong chuỗi 3F đều sẽ dẫn đến giảm sức cạnh tranh.
Chế biến cá tra xuất khẩu
Gần đây nhất là việc Tập đoàn Hùng Vương đã mua thêm 3,19 triệu cổ phần tại Công ty CP Chế biến thủy sản XNK Tắc Vân. Sau giao dịch, Hùng Vương nâng tổng số cổ phần nắm giữ từ 888 nghìn lên 4,08 triệu cổ phiếu, chiếm 51% vốn điều lệ của Tắc Vân. Không chỉ mua cổ phần ở Tắc Vân, Hùng Vương còn tiến hành chào mua công khai 2,5 triệu cổ phiếu FMC của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao ta (Fimex) với giá chào mua mỗi cổ phần là 24.000 đồng. Nếu thành công, Hùng Vương sẽ tăng số cổ phần sở hữu từ 7,5 triệu cổ phiếu lên 10 triệu cổ phiếu, chiếm 50% cổ phần.
Trước đó, công ty này còn công bố đã mua xong 4 triệu cổ phiếu VTF của Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại đơn vị này lên 75,96%. Mới đây, để tiếp tục sở hữu lên đến 90,28% cổ phần, Hùng Vương đăng ký mua thêm 3,9 triệu cổ phiếu thông qua giao dịch thỏa thuận. Như vậy nếu hoàn tất các thương vụ trên, Tập đoàn Hùng Vương sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại khá nhiều công ty.
Đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về thủy sản cho rằng, 2015, quá trình mua bán sáp nhập (M&A) các nhà máy thủy sản đã diễn ra một cách mạnh mẽ. DN yếu sẽ khó trụ vững trong quá trình cạnh tranh gay gắt nên đây chính là cơ hội cho đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh.
“Thủy sản là chuỗi giá trị toàn cầu, từ khâu con giống, thức ăn, nuôi trồng, sản xuất đến đầu ra. Trong khi đó, các DN lớn của Việt Nam hiện nay phần lớn là gia công nên giá trị mang lại thấp. Để thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị này, DN cần tiến sâu vào đầu tư hơn nữa, cách nhanh nhất là M&A.
Do vậy, việc các DN lớn như Hùng Vương, Minh Phú tiến hành đầu tư hay mua cổ phần toàn bộ các công ty trong ngành sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho họ”, chuyên gia chứng khoán Lê Duy Khiêm đánh giá.
Masan và CJ chỉ là hai trong nhiều trường hợp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam thời gian gần đây. Bên cạnh đó, còn một loạt tên tuổi khác cũng đang mạnh dạn rót vốn vào ngành này, như Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, TH Milk, SSI hay F.I.T.
Nếu xét về vĩ mô, có thể thấy rõ 10 năm qua, thủy sản là ngành đóng góp vào kim ngạch XK lớn nhất của Việt Nam. Năm 2015, xuất khẩu thủy sản toàn ngành đạt 6,7 tỷ USD, chủ yếu đến từ hai sản phẩm tôm và cá tra. Đây là "miếng mồi" mà các nhà đầu tư không dễ bỏ qua.