Cải tiến kỹ thuật nuôi cá bống bớp qua đông
Với một số loại cá nuôi, để đạt kích cỡ thương phẩm thường phải kéo dài thời gian nuôi giữ qua mùa đông. Do thời tiết mùa đông ở miền Bắc nước ta thường lạnh, nhiều loài cá nuôi nguồn gốc nhiệt đới trong đó có cá bống bớp (một loại cá nước mặn) không chịu được nhiệt độ thấp nên bị giảm tốc độ sinh trưởng, bị chết nhiều, gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi.
Kỹ sư Cao Thị Nga, Phó Phòng Nuôi trồng thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết: Hiện nay, các phương pháp chống rét cho tôm, cá nước mặn thường được áp dụng là nâng mực nước ao nuôi, dùng ni lông che phủ mặt nước và dùng bạt chắn gió song các phương pháp này hiệu quả chưa cao, mới chỉ hạn chế được một phần sự trao đổi nhiệt giữa nước mặt ao nuôi và không khí lạnh. Khi nhiệt độ xuống quá thấp, cá vẫn bị chết hàng loạt.
Cá bống bớp trong tự nhiên lúc nhỏ sống thành từng đàn trong hang, khi trưởng thành có tập tính đào hang trú ẩn và đẻ trứng. Khi nuôi, để tránh cá đi mất, người nuôi thường dùng phên hay lưới để đắp bờ do đó đã làm mất chỗ cho cá đào hang. Vì vậy, khi trời lạnh, cá không có chỗ trú ẩn. Để khắc phục, người nuôi dùng biện pháp che phủ ni lông, căng bạt để chắn gió cho ao nuôi và thả các gốc cây hay các đoạn ống nhựa xuống ao làm chỗ trú cho cá. Tuy nhiên, khi trời lạnh, các nơi trú ẩn này không đạt được hiệu quả cao trong việc tránh rét cho cá, cá vẫn bị còi, yếu và bị chết do lạnh.
Từ thực tế đó, kỹ sư Cao Thị Nga đã có sáng kiến sử dụng nguồn rong biển vẫn phát triển tự nhiên trong ao để làm nơi trú rét cho cá bống bớp khi nuôi qua đông. Rong biển trong ao nuôi còn có tác dụng cân bằng độ pH, ổn định môi trường. Kỹ sư Cao thị Nga cho biết: Trong phương pháp cải tiến kỹ thuật nuôi cá bống bớp qua đông, quá trình cải tạo ao tiến hành bình thường nhưng thay vì dùng phên phủ lót thành ao hay tu sửa lại phần phên bị hỏng thì người nuôi cần phải dùng lưới cước dập một lớp từ chân lòng ao lên đến hết bờ ngập nước, sau đó phủ đất lên để tránh tình trạng cá đào hang xuyên bờ ra ngoài. Mùa đông, người nuôi vẫn tiến hành che chắn gió mùa bằng bạt ở bờ ao nhưng dùng thêm rong làm nơi trú rét cho cá trong ao bằng cách tiến hành thả rong xuống ao nuôi, khi rong phát triển sẽ làm nơi tránh rét tốt cho cá bống bớp.
Người nuôi dùng cọc tre chắc chắn, độ cao 1,5 – 2m và lưới ruồi, dây cước để làm khung dàn trồng rong. Diện tích của một dàn trồng là khoảng 2m2, có chiều ngang 1m, chiều dài 2m. Diện tích này vừa tiết kiệm được vật tư vừa thích hợp cho việc chăm sóc cá cũng như thuận tiện khi thu hoạch rong. Các dàn rong đặt cách đều nhau và cách bờ khoảng 3 – 4m. Đặt 10 dàn cho ao nuôi 1.000m2 . Trọng lượng giống ban đầu bình quân 100g/bụi rong. Khoảng cách giữa các dây rong khoảng 30 – 35 cm, khoảng cách giữa các bụi rong bình quân 20cm. Dây rong trên cùng cách mặt nước khoảng 30cm. Lưới ruồi, bạt che phủ kín xung quanh dàn trồng nhưng phải để trống 1 khoảng ở đáy phía nam dàn trồng.
Giải pháp cải tiến kỹ thuật nuôi cá bống bớp qua đông được kỹ sư Cao Thị Nga nghiên cứu, áp dụng lần đầu tiên tại Nam Định và đang được nhân rộng tại các vùng nuôi cá bống bớp trên địa bàn toàn tỉnh đã đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nuôi. Ưu điểm của giải pháp là giúp cá tránh được thời tiết lạnh vào mùa đông; giảm tác hại của nhiệt độ thấp tới sinh trưởng và khả năng sống của cá; hạn chế ô nhiễm môi trường do sự phân hủy của các vật liệu chống rét. Phương pháp này còn giúp tận dụng ngay nguồn rong sẵn có tại địa phương làm nguyên liệu chống rét. Rong cũng góp phần ổn định pH, hấp thụ một số khí độc trong ao, góp phần cải tạo môi trường ao nuôi. Đây cũng là vật liệu có sẵn, dễ kiếm. Giá thành các vật liệu, dụng cụ khác cũng không quá đắt. Lưới cước dùng được lâu, tiết kiệm thời gian cải tạo ao và không gây ô nhiễm môi trường nuôi. Ngoài ra, hiệu quả chống rét cao, sau quá trình áp dụng thực tế nên đã đem lại kết quả kinh tế lớn trong hạch toán thu chi.
Giải pháp cải tiến kỹ thuật nuôi cá bống bớp qua đông còn có thể dễ dàng áp dụng cho các mô hình nuôi các loài cá, tôm nước mặn, nước lợ khác. Hiệu quả chống rét của giải pháp này có thể thu hút ngư dân đầu tư cho sản xuất, góp phần tăng hiệu quả nuôi trồng thủy sản ven biển. Ngoài ra, hiện nay, nhiều loài cá nuôi nước mặn, nước lợ như cá vược, song, giò... có khả năng chịu rét kém, chưa được áp dụng các biện pháp chống rét phù hợp cũng có thể áp dụng giải pháp này vì chúng có môi trường sống tương tự nhau. Rong biển cũng thích nghi tốt ở tất cả các môi trường nuôi cá kể trên./.