TIN THỦY SẢN

Cần "giải cứu" sản phẩm mực khô

Mực xà được đánh bắt xa bở. Ảnh: Vnexpress Văn Phin

Mấy ngày qua, mực khô ở cảng An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) bắt đầu được mua cầm chừng, nhưng hiện số lượng mực ứ đọng ở đây vẫn còn rất lớn, cần được “giải cứu” để ngư dân vươn khơi…

Theo quan sát của chúng tôi, hiện ở cảng cá An Hòa có hơn 20 tàu câu mực khơi vẫn nằm bờ vì chưa xuất bán được sản phẩm mực khô. Ông Dương Hải - chủ tàu chụp mực QNa-9084TS (ở thôn Thuận An, xã Tam Giang) nói: “Tàu chúng tôi cập bến cách đây 18 ngày với hơn 3 tấn mực khô, đến nay vẫn chưa bán được, tàu phải nằm bờ, 14 anh em bạn biển vẫn phải ở nhà giữa vụ mùa chính. Do chủ nậu ép giá xuống rất thấp; trước đây tàu vừa cập bến là tôi bán được ngay với giá 110 nghìn đồng/kg mực khô, còn nay thì chịu!”.

Còn ông Phạm Văn Nhì ở thôn Đông Xuân (xã Tam Giang), người sống gần cảng cá An Hòa có con trai đi câu mực khơi kể: “Tàu câu mực QNa-90749TS của ông Huỳnh Quốc Việt (có con ông cùng đi) cập bến vào đầu tháng 6.2019 đạt sản lượng 25 tấn mực khô, đến nay sau gần 1 tháng mới bán được sản phẩm (với giá 105 nghìn đồng/kg mực khô, thấp hơn 25 nghìn đồng/kg so với trước), nhưng phải “bán chịu”, không được trao tiền ngay nên hiện tại tàu ông Việt vẫn nằm bờ!”. Cũng theo lời ông Nhì, mấy ngày qua, chủ nậu có đến mua sản phẩm mực khô của ngư dân, nhưng mua giá thấp và chưa thanh toán tiền ngay cho ngư dân. Vì thế, nhiều tàu cũng không xuất bến được do không có tiền mua sắm nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho chuyến biển mới.

Do ảnh hưởng của việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch với yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc từ phía Trung Quốc, gần 1 tháng qua, mực khô của ngư dân huyện Núi Thành không bán được. Theo thống kê, tính đến ngày 26.6, toàn huyện có đến 930 tấn mực khô tồn đọng. Riêng ở xã Tam Giang số mực khô tồn đọng lại khá lớn, làm cho hơn 20 tàu phải nằm bờ. Ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho hay, từ những ngày cuối tháng 6 đến nay, mực khô bắt đầu bán được lai rai nhưng với giá rẻ hơn. Một số chủ tàu đã bán được mực và xuất bến, nhưng số tàu chưa bán được sản phẩm vẫn còn nhiều. Hiện tại, chủ nậu vẫn đang mua sản phẩm mực khô nhưng chỉ ở mức độ cầm chừng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đến thời điểm này thị trường Trung Quốc vẫn chưa mở cửa thu mua lại sản phẩm mực khô, thế nhưng tại sao các chủ nậu đã bắt đầu mua lại mực khô với giá thấp? Đem thắc mắc này hỏi chủ tàu chụp mực Dương Hải (xã Tam Giang), anh cho biết, có thể chủ nậu mua để trữ lại và sẽ xuất bán sau này. Chúng tôi cũng tìm đến một chủ nậu (người địa phương khác) có cơ sở thu mua mực khô tại xã Tam Giang. Khi được hỏi về việc tiêu thụ mực khô, chủ cơ sở này có vẻ bực tức, tỏ ra không bằng lòng với thông tin mực khô không bán được. Theo bà T., cơ sở của bà vẫn thu mua mực khô bình thường với giá 105 nghìn/kg, có bao nhiêu mua bấy nhiêu, nếu không xuất được sang Trung Quốc thì xuất bán cho Thái Lan và hiện cơ sở bà đang xuất bán mực khô cho Thái Lan. Đó là thông tin riêng của cá nhân chủ nậu T. chuyên mua mực khô ở xã Tam Giang, cần có sự kiểm chứng thực tế. Tuy nhiên, hiện tại việc ứ đọng mực khô ở Núi Thành vẫn tiếp diễn và đang cần được giải cứu.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, nếu tình trạng ứ đọng mực khô tiếp diễn thì đội tàu câu mực khơi của huyện không thể ra khơi đánh bắt được, đời sống của hàng ngàn hộ ngư dân sẽ gặp khó khăn. UBND huyện Núi Thành đang đề nghị UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể về đánh giá, công nhận chất lượng và có giải pháp can thiệp, giải cứu để sản phẩm mực khô được xuất khẩu ổn định. Cùng với đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngư dân trong giai đoạn thay đổi cơ chế, tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm mực khô xuất khẩu mà hiện nay ngư dân không theo kịp yêu cầu.

Văn Phin Báo Quảng Nam