TIN THỦY SẢN

Cấp thiết hiện đại hóa nghề cá Quảng Nam

Máy Movimar hiện đại cần thiết để phát triển nghề cá bền vững. Ảnh: QUANG VIỆT Việt Nguyễn

Không đủ vốn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để khai thác hải sản thuận lợi và nguồn nhân lực yếu kém, sử dụng không hiệu quả công nghệ hiện đại là 2 nguyên nhân chủ yếu khiến năng lực sản xuất của nghề cá Quảng Nam đạt thấp.

Sản lượng giảm

Lưới vây là nghề cá chủ lực của Quảng Nam nhưng nhiều phương tiện lại nằm bờ trong thời gian gần đây. Sản xuất kém, các bạn biển quay lưng nên nhiều chủ tàu không đủ lao động để vươn khơi đánh bắt xa bờ. Ngư dân Nguyễn Đức Nghiệp (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) - chủ tàu lưới vây QNa-90747 có công suất 822CV cho biết, nhiều chuyến biển năm nay thu chỉ đủ bù chi; nhiều chuyến biển thua lỗ vì sản lượng đạt thấp, giá hải sản èo uột.

“Nghề lưới vây đang chịu rất nhiều áp lực. Giá dầu tăng cao khiến cho giá các nhu yếu phẩm phục vụ chuyến biển cũng tăng theo. Tàu Trung Quốc rất manh động, thường xuyên cản phá, xua đuổi nên phải chạy lòng vòng nhiều lần, tốn rất nhiều nhiên liệu. Trong khi đó, trữ lượng cá nục, cá ngừ ở vùng biển Hoàng Sa giảm dần” - ông Nghiệp nói.

Theo tính toán của ông Nghiệp, mỗi chuyến biển với chừng 15 lao động diễn ra khoảng 15 ngày ở ngư trường Hoàng Sa chi phí xấp xỉ 200 triệu đồng. Trong khi đó, giá cá nục, cá ngừ chỉ chừng 15 nghìn đồng/kg nên cần phải đạt hàng chục tấn hải sản mới có thể đảm bảo thu nhập cho bạn biển. “Thiếu lao động là thực trạng chung của nghề cá. Chỉ có tàu lưới vây nào sản xuất hiệu quả thì mới có đủ lao động vươn khơi. Bạn biển cần ổn định thu nhập mà tàu cá của tôi thiếu các thiết bị, máy móc hiện đại trợ lực nên sản lượng hải sản đạt thấp” - ông Nghiệp nói.

Sản xuất khá, tích lũy đủ vốn liếng, ngư dân Phạm Xuân Lệ (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang. Núi Thành) - chủ tàu lưới vây QNa-90315 đã đầu tư máy dò ngang Sonar trị giá hơn 300 triệu đồng để hỗ trợ quá trình khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa. Ông Lệ cho rằng, máy dò ngang hiện đại như con mắt trong lòng biển, dò được các luồng cá lớn để có thể vây bắt, thu được sản lượng lớn. Nhờ đó, trung bình mỗi chuyến biển trong mỗi năm sản xuất của tàu cá QNa-90315 đạt khá, giá trị kinh tế thu được cao.

Ông Võ Văn Long - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho rằng, ứng dụng máy dò ngang nói riêng, các thiết bị kỹ thuật hiện đại nói chung giúp quá trình đánh bắt hải sản của ngư dân không chỉ tăng sản lượng mà còn giảm được chi phí, lợi nhuận nâng lên. Ngành khuyến nông đã huy động các nguồn lực của tỉnh và Trung ương để hỗ trợ 50% kinh phí, triển khai các mô hình ứng dụng máy dò ngang giúp ngư dân, đạt kết quả khá tốt. Tuy nhiên, rất khó nhân rộng trên phạm vi trên toàn tỉnh bởi các chủ tàu ỷ lại hỗ trợ của Nhà nước hoặc không đủ vốn để tự đầu tư.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh giảm dần qua từng năm, từ 90 nghìn tấn, xuống còn 85 nghìn tấn, 80 nghìn tấn và 75 nghìn tấn trong lần lượt các năm 2015, 2016, 2017, 2018. “Không lo sản lượng hải sản giảm. Giảm nhưng với các loại hải sản quý hiếm thu được thì giá trị kinh tế rất cao, điều đó mới quan trọng. Giảm sản lượng hải sản thu được từ nghề cá ven bờ là rất cần thiết, đó là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nghề cá Quảng Nam” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam nói.

Ở nhiều địa phương có nghề cá phát triển như Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, nhiều ngư dân đã sử dụng rộng rãi điện mặt trời và đèn led trên tàu cá để phục vụ đánh bắt hải sản. Còn tại Quảng Nam, mô hình này vẫn còn mới mẻ với chỉ vài chủ tàu thực hiện. Ngư dân Võ Công Thảo (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) - chủ tàu lưới vây QNa-90170 có công suất 1.050CV cho biết, sử dụng bè đèn led để dụ cá hiệu quả hơn bè đèn thông thường. Cụ thể, tiết kiệm được lao động, thao tác nhanh, không lo giật điện, thu hút cá hiệu quả ở cả bề rộng lẫn chiều sâu mặt nước biển và quan trọng là dễ đưa được đàn cá vào chính giữa vàn lưới nên thâu tóm chúng dễ dàng, hiệu quả hơn. Nhờ đó, năng suất, sản lượng khai thác hải sản đạt cao. Ứng dụng điện mặt trời không quá khó, chỉ là hệ thống điện gồm nhiều tấm pin lắp đặt trên khung inox, bố trí theo hàng. Điện mặt trời từ các tấm pin lắp đặt trên tàu được nạp đầy vào bình ắc quy cung cấp cho các hoạt động trên tàu cá, giảm nhiều chi phí nhiên liệu, giảm khấu hao đầu vào của chuyến biển, nâng cao hiệu quả sản xuất.


Quảng Nam cần tiếp sức giúp ngư dân hiện đại hóa nghề cá để tăng giá trị kinh tế sau mỗi chuyến biển. Ảnh: QUANG VIỆT

Chuyên nghiệp hóa nghề cá

Chỉ một mẻ lưới, ngư dân đánh bắt được hơn 30 tấn hải sản là thành quả lớn. Đây là trường hợp điển hình minh chứng cho việc chuyên nghiệp hóa nghề cá sẽ thu được hiệu quả cao.

Nguyễn Thanh Thành (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng là ngư dân kỳ cựu trong nghề khai thác hải sản. Anh đã được các ngành chức năng của tỉnh, huyện vinh danh là ngư dân tiêu biểu. Nhiều lần phát hiện luồng cá lớn, dự tính lên đến hàng chục tấn nhưng không thể vây bắt hết, anh Thành thất vọng với chính mình và đặt ra mục tiêu phải đóng được tàu công suất lớn, trang bị ngư lưới cụ hiện đại, hệ thống tời kéo lưới thủy lực tiên tiến để thành công với nghề.

Qua tích cóp vốn liếng, mượn của người thân, vay của ngân hàng, anh Thành đã sở hữu tàu cá QNa-91636 có chiều dài 24m, công suất máy chính 720CV, trị giá 5,77 tỷ đồng. Trên tàu cá của mình, anh Thành trang bị đầy đủ các máy móc, thiết bị hiện đại gồm máy dò ngang, máy định vị, máy định dạng, vàn lưới vây dài xấp xỉ 5km, 2 tời kéo lưới thủy lực hiện đại, 8 hầm bảo quản cá bằng vật liệu P.U... “Tôi thu được mẻ cá “khủng” lên đến 32 tấn cá ngừ sọc dưa, cá nục chuối. Khi về bờ, thân cá bóng mảy, được bán với giá cao, doanh thu kỷ lục. Đúng là mẻ cá... nhớ đời” - anh Thành nói.

Theo anh Thành, mẻ cá lớn được đánh bắt nhờ tổng hợp của nhiều yếu tố. Tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong nghề, anh Thành dự đoán tọa độ có thể thu được sản lượng hải sản lớn và điều tàu tới vùng biển Hoàng Sa. Qua máy dò ngang hiện đại, anh Thành sung sướng phát hiện đàn cá lớn hoạt động. Các công đoạn vây bắt cá được thống nhất từ thuyền trưởng đến thuyền viên, các lao động phụ trợ.

“Tôi cho tàu tiến lại gần, tiếp cận phù hợp, tránh làm cá hoảng sợ mà lặn xuống sâu hoặc trốn đi nơi khác. Sau khi phán đoán nhanh tình huống, tôi thả lưới chắn trước đàn cá và bắt đầu vòng vây lưới, khép chặt dần luồng cá lớn. Các công đoạn thu lưới, thu cá, đưa cá lên tàu diễn ra đúng kịch bản nhờ vàn lưới rất dài, tời kéo lưới rất lực” - anh Thành kể.

Thu được nhiều thành quả trong nghề khai thác hải sản, anh Thành đúc kết kinh nghiệm: “Điều cần nhất với nghề cá là chuyên nghiệp, muốn vậy phải đầu tư hiện đại. Tàu cá phải vững chãi để đương đầu với sóng to, gió lớn. Ngư lưới cụ phải phát huy hết công năng đánh bắt hải sản, dài, rộng, vây bắt nhanh. Tời kéo cá thủy lực là rất cần thiết chứ tời cơ ngư dân mình áp dụng lâu nay bị động, nhiều khiếm khuyết. Khi đã có được sản lượng hải sản lớn thì cần bảo quản bài bản để nâng cao giá trị hải sản sau khai thác, thu được giá trị kinh tế lớn sau mỗi chuyến biển” - anh nói.

Việt Nguyễn Báo Quảng Nam