Chứng nhận thủy sản khai thác vì sự phát triển bền vững
Xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác góp phần tạo dựng được uy tín và chỗ đứng trên nhiều thị trường vì sự phát triển bền vững.
Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu thủy sản của tỉnh đã có chuyển biến tích cực với nhiều sản phẩm mới ngao sạch, sứa, tôm, cá bống bớp được xuất đi. Tuy nhiên, ngoài sản phẩm ngao sạch Nam Định của Cty Thủy sản Lenger Việt Nam (CCN An Xá, TP Nam Định) được xuất khẩu thành công vào thị trường châu Âu thì các đối tượng thủy sản khác chủ yếu mới vào thị trường Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch nên việc nâng giá trị kinh tế thủy sản qua xuất khẩu chưa đạt được. Mặt khác, thời gian qua một số sản phẩm thủy sản của nước ta bị Liên minh châu Âu (EU) “rút thẻ vàng” do các vấn đề về kiểm soát đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương và ngư dân nghiêm túc tuân thủ các quy định về khai thác trên biển; trong đó chú trọng công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác, phấn đấu để lĩnh vực khai thác, xuất khẩu thủy sản của tỉnh phát triển mạnh mẽ, tạo dựng được uy tín và chỗ đứng trên nhiều thị trường khác nhau.
Để chứng nhận thủy sản khai thác hợp pháp, việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản đánh bắt được dễ dàng hơn thì một trong những quy định có tính bắt buộc là tất cả các tàu khai thác thủy sản phải ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác đầy đủ theo quy định. Các ngành chức năng đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền cho ngư dân, cấp phát sổ ghi nhật ký khai thác đến từng chủ phương tiện tàu thuyền nhưng vẫn còn nhiều ngư dân chưa thực hiện việc ghi nhật ký khai thác thủy sản. Thậm chí có những chủ tàu đánh bắt cá xa bờ có ghi nhật ký đánh bắt nhưng theo kiểu đối phó để hưởng chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Điều này đã gây cản trở đến quá trình xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác. Ngoài ra, còn nhiều chủ thu mua thủy sản không quan tâm đến các quy định về xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác. Vẫn có những chủ tàu thu mua không quan tâm đến sản phẩm ngư dân khai thác ở đâu. Thủy sản thu mua được tại ngư trường, sau khi phân loại, các chủ tàu bán lại cho tư thương tại các chợ hoặc các điểm thu mua thủy sản. Một số tàu hoạt động ngoài khơi, bán hải sản ngay trên biển cho các tàu dịch vụ chứ không về bến. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở thu mua thủy sản, chế biến vì chưa có sự gắn kết với ngư dân, thu mua từ nhiều tàu, thuyền khác nhau nên không thể biết hết nguồn gốc hàng hóa, việc đi từng tàu để xác nhận nguồn gốc hải sản đánh bắt là rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã nắm bắt được quy định về xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác nhưng việc thực hiện không hề dễ dàng và không phải một sớm một chiều mà thực hiện được.
Trước tình hình trên, để ngư dân và các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác, Chi cục Thủy sản tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân; tăng cường triển khai quy chế chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Sở NN và PTNT quán triệt tới các chủ tàu khai thác thủy sản mà không có giấy phép hoặc khai thác không đúng nội dung được cấp phép; không ghi, nộp nhật ký hoặc báo cáo khai thác thủy sản theo quy định… Thuyền trưởng, chủ tàu cá phải có trách nhiệm cung cấp đúng, đầy đủ thông tin liên quan ghi trong giấy xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác cho chủ hàng; ký xác nhận và chịu trách nhiệm về thông tin đã cung cấp; thực hiện các hoạt động khai thác thủy sản theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ. Chủ tàu có quyền đề nghị cơ quan thẩm quyền cung cấp các quy định liên quan đến việc xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác, đưa ra khỏi danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp. Đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, Sở NN và PTNT yêu cầu lập hồ sơ đề nghị chứng nhận thủy sản khai thác, xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác theo đúng quy định; đồng thời không thu mua thủy sản của các tàu cá khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Các đơn vị thu mua, chế biến thủy sản xuất khẩu phải có trách nhiệm cung cấp đúng, đủ thông tin liên quan ghi trong giấy xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác, xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ thủy sản khai thác xuất khẩu; ký xác nhận và chịu trách nhiệm về thông tin đã cung cấp. Lưu trữ hồ sơ xác nhận, chứng nhận trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được xác nhận, chứng nhận; tạo điều kiện cho đoàn kiểm tra, thanh tra thực hiện nhiệm vụ.
Xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác là biện pháp quản lý cần thiết đảm bảo cho sản phẩm hải sản khai thác thuận lợi trong tiêu thụ, nhất là việc tham gia vào các chuỗi tiêu thụ hiện đại hay xuất khẩu, là cơ hội để nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho ngư dân. Việc thực hiện nghiêm quy định này cũng là cơ hội để ngành thủy sản, nhất là ngư dân và doanh nghiệp nhìn lại mình và từng bước thay đổi thói quen đánh bắt, chế biến thủ công, những điểm chưa tốt sẽ được chấn chỉnh để có thể phát triển bền vững, khai thác gắn liền với tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Do vậy việc thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác cần được ngư dân hợp tác và các cơ quan chuyên môn có giải pháp hữu hiệu