TIN THỦY SẢN

Công nghệ nuôi cá chình hoa thu hoạch 70kg/m3 nước

Trong bể nuôi có bỏ sàn để cá chình thư giãn, nghỉ ngơi và trú ẩn.

Nuôi cá chình hoa trong ao đất chỉ cho năng suất trung bình từ 10 - 15kg cá/m3 nước, nhưng nếu nuôi công nghệ cao trong hệ thống tuần hoàn nước khép kín có thể cho thu hoạch lên đến 70kg cá/m3 nước, thậm chí còn cao hơn.

Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III) khẳng định đã làm chủ công nghệ nuôi này.  

Nhiều hình thức nuôi

ThS Hoàng Văn Duật, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, sản xuất, dịch vụ và Chuyển giao công nghệ thủy sản (Viện III) cho biết, chình hoa là loài cá có sức đề kháng cao, ít xảy ra dịch bệnh, cùng với đó giá cả luôn ổn định và ở mức cao, dao động từ 400 - 500 nghìn đồng/kg. Nếu thả nuôi cỡ giống 100g/con (10 con/kg) sau 1 năm cá có thể đạt trọng lượng 1 kg/con, bán với giá loại 1. Còn nuôi thêm 2 - 3 năm nữa cá sẽ đạt trọng lượng 4 - 6kg, vì giai đoạn sau cá chình rất mau lớn.

Trong khi chi phí đầu tư nuôi cá chình thấp (tùy vào điều kiện thả nuôi), nhưng hiệu quả kinh tế có thể đạt “1 vốn, 1 lời”. Do đó, nghề nuôi cá chình thương phẩm đang là hướng đi triển vọng của người nuôi trồng thủy sản.

“Thực tế đã được chứng minh khi nghề nuôi cá chình những năm gần đây ngày càng phát triển, lan tỏa nhiều vùng nuôi. Hiện cả nước đã có 40 tỉnh thành nuôi cá chình thương phẩm, tuy nhiên chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, trong đó tỉnh nuôi nhiều là Cà Mau với diện tích khoảng 700ha.

Hàng năm, sản lượng cá chình thương phẩm của cả nước xuất ra thị trường khoảng 2.000 tấn. Đương nhiên nguồn cung này chưa đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng trong nước và phải nhập cá chình từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á”, anh Duật chia sẻ.

Về hình thức nuôi cá chình thương phẩm, theo ThS Hoàng Văn Duật, hiện rất đa dạng, như nuôi cá chình trong ao đất, nuôi bể xi măng, nuôi cá chình trong lồng trong ao, nuôi cá chình trên sông, nuôi cá chình trong lồng trong hồ chứa…


Nghề nuôi cá chình thương phẩm đang là hướng đi triển vọng của người nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên đều là các hình thức nuôi quảng canh, tỷ lệ an toàn không cao và việc sử dụng thức ăn cá tạp thường gây ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm không ổn định, ảnh hưởng đến nguồn lợi.

Mặt khác, đối với hình thức nuôi trên sông, hồ chứa nhiều khi sơ suất do ảnh hưởng thiên tai có thể khiến người nuôi thiệt hại.  

Thu hoạch cá lên đến 70kg/m3 nước

Một hình thức nuôi mới từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Viện III, đó là công nghệ ương giống và nuôi cá chình theo hình thức công nghiệp do ThS Hoàng Văn Duật làm chủ nhiệm, đồng tác giả là Trần Thị Thu Hiền, Ngô Minh Khang, Trần Thị Tuyết.


Hệ thống ao nuôi ngoài trời và ao dự trữ nước nuôi cá chình của Cty TNHH Nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân.

Theo công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá chình hoa theo hình thức công nghiệp của các nhà khoa học Viện III, nếu ương giống cấp I (từ 0,15 lên 5g/con), lợi nhuận thu được trên 1m3 bể ương trong hệ thống tuần hoàn (5.000 con) là 20,32 triệu đồng và trong hệ thống hở (1.500 con) là 3,22 triệu đồng.  Nếu áp dụng để ương 10 triệu giống/năm sẽ thu được lợi nhuận 40 tỷ đồng (ương trong hệ thống tuần hoàn) hoặc trên 21 tỷ đồng (ương trong hệ thống hở).  Còn ương giống cấp II (từ 5 lên 50 g/con), lợi nhuận thu được trên 1m3 bể ương trong hệ thống tuần hoàn (1.500 con) là 30,18 triệu đồng và trong hệ thống hở (600 con) là 10,9 triệu đồng.

Theo đó, mô hình này sử dụng thức ăn tổng hợp để ương nuôi cá chình trong hệ thống nuôi tuần hoàn (không thay nước) bổ sung oxy nguyên chất.

Mô hình cho phép ương nuôi cá chình với mật độ cao, đặc biệt không dùng hóa chất và chất kháng sinh nên cho sản phẩm chất lượng, đảm bảo ATVSTP. Đây là công nghệ được tổ chức SEAFDEC đánh giá tốt nhất Đông Nam Á vào năm 2017.

Hiện công nghệ này được Viện III chuyển giao cho nhiều tỉnh như Khánh Hòa, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Thanh Hóa, Quảng Bình, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu và Ninh Thuận.

Đặc biệt, Cty TNHH Nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân (Khánh Hòa) là đơn vị đầu tiên ứng dụng công nghệ này ương giống và nuôi thương phẩm khá thành công.

Đến nay, mỗi năm Cty cung cấp ra thị trường hơn 1 triệu cá chình giống chất lượng cao và 50 tấn cá chình thương phẩm.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi cá chình của Cty TNHH Nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân, nằm tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), ThS Hoàng Văn Duật giới thiệu tổng diện tích xây dựng trại nuôi này rộng khoảng 5.000m2, với tổng mức đầu tư xây dựng nhà xưởng công trình khoảng 10 tỷ đồng. Trong đó, hệ thống bể nuôi và hệ thống lọc sinh học tuần hoàn đã chiếm đến trên 2.000 m3.

Còn lại là diện tích công trình bể chứa nước, ao nuôi ngoài trời, nhà kho, nhà cho công nhân nghỉ, máy phát điện, sân, đường giao thông nội bộ… được xây dựng kiên cố và khép kín.


Nuôi cá chình tại Cty TNHH Nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh cho cá, khu ương nuôi được xây dựng trong nhà cách ly hoàn toàn bên ngoài và hạn chế tối đa người ngoài vào. Chúng tôi vào tham quan khu nuôi này phải qua khu xử lý khử trùng, đảm bảo an toàn không mang mầm bệnh đến khu nuôi.

Tại đây, theo ghi nhận chúng tôi, có 4 khu nuôi (2 khu ương giống và 2 khu nuôi thương phẩm), hầu hết bể ương nuôi đều hình tròn được xây dựng cố định bằng gạch trát xi măng, sơn nước đẹp mắt. Mỗi khu ương giống gồm 12 bể, kích thước bề mặt 15m2 (chứa 10 m3 nước) và mỗi khu nuôi thương phẩm có 10 bể, trong đó có 8 bể 50m2 (chứa 30 m3) và 2 bể 150m2 (chứa 100m3).

Đặc biệt, các bể được thiết kế theo tuần hoàn nước, nên nước lúc nào cũng thu gom xử lý bằng hệ thống lọc sinh học để làm sạch nước. Sau đó nước này sẽ được bơm trở lại bể nuôi liên tục (tái sử dụng đến 85%) cho nên sẽ thải ra môi trường lượng nước không nhiều.

Và, nước thải của hệ thống ương nuôi có thể được tận dụng để canh tác trồng rau xanh rất hiệu quả. Do đó, Cty này đang có kế hoạch phát triển vườn rau sạch tận dụng nguồn nước thải từ nuôi cá chình.


Giống cá chình được phân loại trước khi xuất bán.

Theo lãnh đạo Cty TNHH Nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân, hiện toàn bộ hệ thống trại nuôi này chỉ có 10 người vận hành, trong đó phụ trách khu nuôi 8 người hằng ngày kiểm tra bể nuôi và cho cá ăn ngày 2 lần bằng thức ăn công nghiệp dạng bột, vào sáng sớm từ 4 - 5 giờ, chiều 17 - 16 giờ.

Bên cạnh đó, cứ định kỳ từ 90 - 100 ngày, các công nhân làm việc nơi đây thực hiện sàng lọc cá, để vừa bán cho các đơn đặt hàng giống, vừa thả nuôi cá đồng kích cỡ trong giai đoạn tiếp theo.

“Nhờ nuôi cá trong môi trường nước sạch cho nên chúng tôi thả cá ở mật độ cao. Ví dụ bể 10m3, thả mật độ từ 500 - 700kg nhưng không xảy ra dịch bệnh, cá vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, mau lớn, tỷ lệ thành công của bể nuôi đạt từ 90 - 100% và cho thu hoạch cá lên đến 70kg/m3 nước, thậm chí lên đến 100kg/m3 nước”, lãnh đạo Cty TNHH Nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân khẳng định.

ThS Hoàng Văn Duật: Hiện nay trên thế giới đã có những nước thành công trong công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá chình, tuy nhiên chỉ dừng lại ở quy mô thử nghiệm, chưa đưa ra được quy mô công nghiệp.

Tại Việt Nam nguồn cá chình bột trắng dùng để ương nuôi cá chình chủ yếu được đánh bắt từ tự nhiên, nhất là tại 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên với sản lượng hàng năm ước từ 3 - 5 triệu con/năm. Khi bắt về bán cho các trạng ương giống ở các tỉnh phía Nam như An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng và Khánh Hòa sẽ ương nuôi 1 năm để bán và cung cấp cơ sở nuôi. Giống có nhiều cỡ, từ 5g (200 con/kg) đến 200g/con (5 con/kg). Song với việc đánh bắt quá mức sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi.

Do đó, chúng tôi đề nghị các đơn vị có khả năng hỗ trợ, hợp tác để nghiên cứu công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá chình quy mô công nghiệp, góp phần giảm thiểu tình trạng khai thác quá mức làm cạn kiệt nguồn lợi giống cá chình tự nhiên.

NNVN