TIN THỦY SẢN

Đừng để tai nạn trên tàu cá vì chủ quan

Nhiều ngư dân huyện Diễn Châu không trang bị đồ bảo hộ khi vận hành máy tời. Ảnh: Thanh Sơn Thanh Sơn - Thành Cường

Hiện nay, tình trạng mất an toàn lao động trên tàu cá đang diễn ra khá phổ biến mà Nguyên nhân chính là do sự chủ quan, thiếu kiến thức của ngư dân và một phần có trách nhiệm của các địa phương, cơ quan chức năng quản lý.

Rủi ro do chủ quan, thiếu ý thức

Trong tháng 3/2017, huyện Quỳnh Lưu liên tiếp đón nhận 2 tin buồn về tai nạn nghề cá. Vào tối 17/3, tàu cá do anh Trần Văn Lợi, trú tại thôn Cộng Hòa, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) làm thuyền trưởng, đang đánh bắt ngoài khơi thì đột ngột bị đứt dây cáp tời kéo lưới. Dây tời va trúng làm anh Trần Quang Lánh, trú tại thôn Cộng Hòa tử vong tại chỗ và 3 thuyền viên khác bị thương.

Sau đó 4 ngày, tức sáng ngày 21/3, tàu cá NA 90615TS do ông Hồ Văn Tám, trú ở xóm Minh Sơn, xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) làm thuyền trưởng đang đánh cá cũng bị đứt dây tời. Hậu quả, thuyền viên Nguyễn Văn Lai, trú xã Tiến Thủy tử vong tại chỗ, thuyền viên Trần Đình Cương, trú xã Quỳnh Long bị thương nặng.

Ngay sau khi những tai nạn đáng tiếc xảy ra, đại diện chính quyền địa phương huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Long, xã Tiến Thủy và Hiệp hội nghề cá của 2 xã đã đến chia buồn, động viên thân nhân gia đình có người tử vong cũng như những người bị thương...

Có mặt ở tang lễ anh Nguyễn Văn Lai, ông Nguyễn Văn Kế - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá xã Tiến Thủy chia sẻ: Lao động trên biển luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngoài bất thường không lường trước được đến từ thiên nhiên, thì người đi biển còn phải đối mặt với những nguy hiểm trong quá trình đánh bắt hải sản. 

Đáng chú ý, những tai nạn lao động trên biển thời gian qua chủ yếu đến từ sự lạc hậu của tàu cá cộng với sự chủ quan của ngư dân.

Ông Nguyễn Văn Kế cho biết, dẫu ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương và hiệp hội đã nhiều lần quán triệt, tập huấn về Nghị định 66/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, song ngư dân vẫn chủ quan khiến tai nạn xảy ra.

Sự chủ quan thể hiện ở việc vi phạm các quy định về an toàn trên biển như không mang áo phao, phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc; đăng ký, khai báo không chính xác vùng, toạ độ đánh bắt cá của ngư dân với cơ quan chức năng trước khi ra khơi. 

Ông Trần Trung Đức - Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long cho biết: “Đại đa số ngư dân chưa đến tuổi trưởng thành đã ra biển, kiếm được được ít tiền rồi vay mượn thêm sắm sửa phương tiện đánh bắt. Tàu thuyền đóng mới giá thành cao nên phần lớn họ mua tàu thuyền cũ, công cụ không đảm bảo an toàn song vẫn ra khơi. Và buồn nhất, nhiều tàu cá hiện nay không trang bị đồ bảo hộ khi vận hành máy, không trang bị máy thông tin liên lạc, hải đồ. Rất ít chủ tàu có ý thức trang bị bình chữa cháy, bình CO2… dù tàu, thuyền thường mang theo trữ lượng dầu lớn, lại có cả bếp gas để nấu nướng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao”

Hơn nữa vì sinh kế, các tàu lại thường tìm cách tách xa nhau để tìm luồng cá nên khi bị nạn, có thông báo cũng không kịp ứng cứu!

Cần thay đổi nhận thức 

Để giảm thiểu những tai nạn rủi ro cho lao động nghề biển, thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã tăng cường hoạt động kiểm tra, giám định chất lượng tàu điều động 2 tàu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tăng cường tuần tra, kiểm soát việc thực hiện quy định về đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải.

Tuy nhiên, những nỗ lực nói trên vẫn chưa thể khắc phục tình trạng mất an toàn lao động khi số lượng tàu cá các loại ở Nghệ An là khá lớn, với trên 4.000 tàu các loại, trong khi lực lượng thanh tra mỏng; ý thức chấp hành các quy định về sử dụng đèn tín hiệu, âm hiệu, thiếu ý thức về chống va chạm của ngư dân còn nhiều hạn chế.

Nhiều tàu cá không chấp hành quy định, lén lút khai thác trái phép hoặc thực hiện các hành vi cấm vào ban đêm như tắt đèn hiệu để tránh cơ quan chức năng kiểm tra nên va chạm, tai nạn vẫn xảy ra. 

Ông Hồ Thế Xuân - Trưởng phòng Tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Chi cục Thủy sản phân tích: “Nghệ An có hơn 20.000 lao động nghề cá song có rất ít người được đào tạo bài bản ở các trường thủy sản, hàng hải. Đa số ngư dân đang hoạt động dựa vào kinh nghiệm và những kiến thức, kỹ năng “cha truyền con nối”, bạn dạy, ít tìm tòi, cập nhật kiến thức mới nên nhiều ngư dân hiện không áp dụng đúng quy trình sử dụng máy tàu, thiếu hiểu biết về máy móc, thiết bị”. 

Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng NN&PTNN huyện Quỳnh Lưu thừa nhận: “Hàng năm, huyện Quỳnh Lưu đều tổ chức 1-2 lớp đào tạo thuyền trưởng ngắn hạn cho ngư dân. Tuy nhiên, những lớp đào tạo này mới chỉ dừng lại ở khâu phổ biến pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ thuyền trưởng tàu cá, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Còn về công tác đào tạo kỹ thuật để ngư dân chủ động khắc phục sự cố trên biển vẫn chưa được triển khai hiệu quả”.Và trên thực tế, không phải riêng ngư dân mới phải thay đổi nhận thức về ATLĐ nghề cá mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải chuyển động tích cực trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ cho ngư dân.

Ông Ngô Trí Đông (54 tuổi), trú tại xóm Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) - chủ của 2 tàu cá lớn nhất Lạch Vạn với công suất 650 CV, chuyên khai thác ở vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ kiến nghị: chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tổ chức thật nhiều lớp tập huấn về kiến thức an toàn hàng hải, cách xử lý ứng cứu cũng như phối hợp với cơ quan chức năng trong trường hợp tai nạn trên biển để mọi thuyền viên, chủ tàu có thêm cơ hội tham gia.

Tuy nhiên, cần chọn thời gian phù hợp để tổ chức, vì trước đây có trường hợp lớp mở thì chủ tàu, thuyền viên đang ở trên biển, lúc về nhà lại không có lớp.

Thanh Sơn - Thành Cường Báo Nghệ An