TIN THỦY SẢN

Dùng đèn cao áp bắt cá ngừ đại dương, giảm chất lượng sản phẩm!

Dàn đèn cao áp trên tàu đánh bắt cá ngừ

Thời gian gần đây, ngư dân Phú Yên hành nghề câu cá ngừ đại dương phải... đau đầu  trước tình trạng ngư dân các vùng lân cận (Bình Định, Khánh Hòa...)  sử dụng phương thức câu cá bằng hệ thống đèn cao áp. Kiểu đánh bắt này làm giảm chất lượng sản phẩm, tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, đặc biệt đánh mất thương hiệu cá ngừ đại dương Phú Yên vốn nổi tiếng lâu nay.

Theo nhiều lão ngư, ngư dân Bình Định là người nghĩ ra cách câu và đánh bắt cá ngừ đại dương bằng hệ thống đèn cao áp đầu tiên. Với cách câu giàn trước đây, mỗi chuyến biển phải mất khoảng một tháng và nếu đánh bắt được chừng 50 - 60 con cá ngừ đại dương thì coi như thắng lớn. Thế nhưng, với cách câu cá bằng đèn cao áp như hiện nay, mỗi chuyến biển, trung bình một tàu bắt khoảng 50 – 70 con cá ngừ đại dương (thậm chí có tàu thu gần 100 con), thời gian cũng được rút ngắn còn 10-15 ngày.

Ngư dân Nguyễn Ngọc Thìn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cho biết: “Tàu của tôi chuyên hành nghề câu mực, nhưng gần đây thấy việc câu cá ngừ đại dương bằng đèn cao áp đạt hiệu quả nên tôi quyết định chuyển nghề. Trung bình hai tháng tôi ra khơi ba chuyến, mỗi chuyến khoảng 15 ngày, đánh bắt hơn 60 con cá ngừ đại dương/chuyến, cá cỡ 40-70kg/con”.

Một số tàu đánh bắt cá ngừ bằng đèn cao áp 

Còn ông Nguyễn Mâu (ngư dân Phú Yên) có 30 năm hành nghề thì cho biết : "Để hành nghề theo phương pháp mới, mỗi tàu phải trang bị khoảng 20 bóng đèn cao áp trở lên (mỗi bóng có công suất từ 1.000-3.000W), đồng thời trang bị máy phát điện tương xứng. Một bộ đèn cao áp gồm 1 bóng và 1 tăng-phô công suất 1.000-3.000W có giá 2-5 triệu đồng/bộ. Khi chong đèn cao áp, mực sẽ nổi lên và cá ngừ đại dương theo đó mà ăn mồi. Với phương thức kiểu câu mới này nguồn thủy sản có nguy cơ cạn kiệt và đặc biệt mai nay sẽ có nguy cơ mất thương hiệu cá ngừ đại dương của Phú Yên”.

Đèn cao áp sáng rực trong đêm, thu hút cá ngừ từ vùng nước sâu, lạnh lao lên vùng nước nóng trên mặt biển với tốc độ cao

Theo những doanh nghiệp thu mua cá ngừ đại dương xuất khẩu thì chất lượng cá ngừ đại dương đánh bắt bằng đèn cao áp thấp hơn rất nhiều so với cá được câu bằng phương pháp truyền thống. Cá ngừ đại dương đánh bắt bằng đèn cao áp có vẻ ngoài bóng, đẹp nhưng bên trong thịt cá màu đỏ bầm, các vùng thịt ở gần xương sống màu như sôcôla. Nguyên nhân là do thời gian đánh bắt bằng đèn cao áp ngắn hơn so với các tàu câu giàn, cá từ vùng nước sâu, lạnh lên ăn câu trong vùng nước nóng ở mặt biển với tốc độ cao, thân nhiệt tăng đột ngột nên quá trình phân hủy thịt cá diễn ra nhanh hơn dù đã được cấp đông. Khi vào đến bờ, phần lớn cá đã bắt đầu giai đoạn phân hủy, nên chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, không thể xuất khẩu ở những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá P6, TP Tuy Hòa, Phú Yên bức xúc: “Hầu hết ngư dân khai thác cá ngừ đại dương theo phương pháp câu giàn truyền thống không đồng tình với việc một số ngư dân dùng đèn cao áp để đánh bắt, vì điều này không những thu hẹp ngư trường, mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu cá ngừ đại dương Phú Yên đã xây dựng bấy lâu nay. Các cấp, ngành cần sớm có biện pháp ngăn chặn để tạo môi trường khai thác lành mạnh cho ngư dân, đồng thời bảo vệ tài nguyên biển”.

Cá ngừ đại dương đánh bắt bằng đèn cao áp chất lượng không cao 

Trong khi đó, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Bên cạnh việc nghiên cứu kỹ đây có phải là nghề khai thác hủy diệt hay không; các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền ngư dân về tác hại của việc dùng đèn cao áp để khai thác thủy sản, từ đó có sự lựa chọn hình thức khai thác phù hợp.

Đến nay, cả nước đã có hơn 2.400 tàu khai thác cá ngừ đại dương; trong đó số tàu câu bằng đèn cao áp chiếm hơn một nửa, nhiều nhất là Bình Định với hơn 1.000 tàu.

CAO