TIN THỦY SẢN

Gio Linh: Chú trọng phát triển kinh tế biển

Tàu thuyền Gio Linh thu được hiệu quả kinh tế cao sau những chuyến vươn khơi​ Minh Đức

Gio Linh có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, với bờ biển dài 16 km, nằm giữa 2 cửa lạch Cửa Việt và Cửa Tùng nên thuận lợi trong việc khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản và phát triển dịch vụ du lịch biển. Phát triển kinh tế biển được xem là nhiệm vụ quan trọng của huyện Gio Linh.

Những năm qua, huyện Gio Linh đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương dài hạn về khai thác tiềm năng thế mạnh biển. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển kinh tế-xã hội vùng cát miền biển; năm 2016, Huyện uỷ, HĐND huyện phê duyệt thông qua chương trình phát triển kinh tế vùng biển của UBND huyện giai đoạn 2016-2020. Các nghị quyết, chương trình, đề án của huyện về phát triển kinh tế vùng biển được cán bộ và nhân dân tích cực hưởng ứng, gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng huyện Gio Linh đã tập trung thực hiện việc điều chỉnh, sắp xếp, tổ chức lại các ngành sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh khai thác và chế biến hải sản, nâng cao hiệu quả các dịch vụ hậu cần nghề cá; khởi động các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch dọc các tuyến đường ven biển; mở rộng sản xuất trên vùng cát, xây dựng nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện từng vùng, giải quyết thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Ngư dân đã tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển mạnh đội tàu đánh bắt xa bờ, mở rộng khai thác thêm các ngư trường mới; tiếp tục thực hiện nâng cấp, cải hoán tàu thuyền vùng bãi ngang để mở rộng địa bàn khai thác. Bên cạnh đó, ngư dân còn tích cực thực hiện các Nghị định 67, Nghị định 89, Nghị định 17, Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản. Toàn huyện đã đóng mới, nâng cấp 84 tàu, trong đó đóng mới 21 tàu với mức đầu tư trên 435 tỉ đồng, nâng tổng số tàu xa bờ lên 171 tàu, chiếm 74,7% số tàu xa bờ toàn tỉnh. Ngư dân cũng tích cực đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, hệ thống thông tin liên lạc, kĩ thuật đánh bắt, ngư lưới cụ hiện đại nhằm khai thác hiệu quả kinh tế biển. Tổ chức thành lập các đội tàu đánh bắt xa bờ, tổ tự quản tàu thuyền bến bãi, giúp đỡ nhau trên biển về phát triển kinh tế, cứu hộ, cứu nạn và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Về vùng biển Gio Linh hôm nay, có thể thấy nhiều đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ khá hùng hậu, cùng với đó là khát vọng chinh phục biển khơi, làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương từ những chủ tàu và các thuyền viên. Năm 2018, tổng sản lượng khai thác thuỷ sản của Gio Linh đạt 13.652 tấn, chiếm 60% sản lượng toàn tỉnh; sản lượng nuôi trồng đạt 1.109 tấn. Đặc biệt, việc anh Lê Văn Tuấn, thôn Xuân Lộc, xã Gio Việt đánh bắt được 180 tấn cá bè xước ở ngư trường Cồn Cỏ vào tháng 3/2017, bán được hơn 5,5 tỉ đồng, đến tháng 2/2019, anh Lê Văn Viện, thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt đánh bắt 120 tấn cá bè vàng, bán được khoảng 5 tỉ đồng đã tạo động lực cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Hoạt động đánh bắt thủy sản phát triển mạnh đã tạo thuận lợi cho việc thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản. Hiện nay, toàn huyện có hơn 120 cơ sở chế biến thuỷ sản, đưa vào chế biến mỗi năm hàng chục nghìn tấn hải sản các loại; nhiều sản phẩm chế biến thuỷ sản được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận về chất lượng.

Theo đánh giá chung, trong những thành tựu của ngành thuỷ sản Quảng Trị, nhiều năm qua huyện Gio Linh luôn giữ vai trò chủ lực. Số lượng tàu đánh bắt xa bờ của toàn tỉnh phần lớn tập trung ở Gio Linh, tổng sản lượng khai thác thủy sản của huyện chiếm hơn 1/2 tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh. Đây chính là động lực và nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho ngư dân Gio Linh tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, ngư lưới cụ hiện đại để vươn khơi bám biển, khai thác hải sản, làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau sự cố môi trường biển năm 2016, từ năm 2017 đến nay, hoạt động du lịch biển huyện Gio Linh có nhiều khởi sắc. Lượng khách trong, ngoài tỉnh và nước ngoài đến các bãi biển huyện Gio Linh ngày càng nhiều, bình quân hằng năm trên 150.000 lượt người, doanh thu hàng chục tỉ đồng, trong đó nhiều nhất là vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 với trên 30.000 lượt người.

Quan điểm của huyện Gio Linh về phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, phát huy mạnh mẽ vai trò của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Mục tiêu chung được đề ra đó là tập trung phát triển mạnh du lịch, phấn đấu đến năm 2025 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của huyện, đến năm 2030, Gio Linh trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh Quảng Trị, trong đó du lịch biển đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, huyện Gio Linh đã huy động, sử dụng lồng ghép nhiều nguồn lực để tăng cường xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng ven biển, kết hợp với việc quảng bá, khởi động các hoạt động dịch vụ du lịch, tắm biển, nghỉ dưỡng tại các bãi tắm cộng đồng và các cụm, điểm du lịch dịch vụ biển… Tất cả nhằm đánh thức và khai thác hiệu quả du lịch biển, xây dựng thành công “thương hiệu” du lịch biển Gio Linh, trở thành điểm đến lí tưởng của du khách trong nước, quốc tế.

Minh Đức Báo Quảng Trị