TIN THỦY SẢN

Hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản nội đồng vùng ĐBSCL

Ảnh minh họa (Internet) Huỳnh Kim Anh

Nguồn lợi thủy sản nội đồng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm hàng ngày, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho hàng triệu người dân vùng ĐBSCL. Do đó để bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả - bền vững nguồn tài nguyên này thì các nhà quản lý cần xây dựng các chiến lược nghiên cứu và kế hoạch hành động kèm theo nhằm hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn lợi thủy sản trong vùng.

Hiện trạng nguồn lợi thủy sản nội đồng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL)

Về thành phần loài

Trong chương trình nghiên cứu gần đây ở vùng ĐBSCL đã xác định được 175 loài cá thuộc 109 giống, 48 họ, 17 bộ. Trong đó bộ cá chép (Cypriniformes) có thành phần loài đa dạng nhất chiếm 36% tổng số loài; tiếp theo là bộ cá nheo (Siluriformes) chiếm 27%; bộ cá vược (Perciformes) chiếm 19%, bộ cá cơm (Clupeiformes) chiếm 6%; bộ cá bơn (Pleuronectiformes) chiếm 3%, 12 bộ còn lại chỉ chiếm 1% tổng số loài. Hầu hết thành phần loài cá thuộc nhóm cá trắng chiếm 74%, nhóm cá đen chiếm 7%. Ngoài ra nhóm cá nước lợ chiếm 11% như cá cá đối (Mugil spp.), cá mề gà (Coilia spp.), cá mặt quỷ (Eleutheronema tetradactylum), cá lạt vàng (Congresox talabonoides). Nhóm cá có nguồn gốc nước mặn chiếm 7% cũng bắt gặp trong các thủy vực cửa sông, tiêu biểu là cá thu (Scomberomorus sinensis) và cá mập trắng (Carcharhinus leucas) (Vũ Vi An et al., 2011). Đây là nghiên cứu trên một số loại ngư cụ có tính chọn lọc, cho nên có thể nhiều loài cá có kích thước nhỏ và không có giá trị kinh tế chưa được miêu tả.

Các đối tượng có nguy cơ tuyệt chủng được liệt kê vào Sách đỏ Việt Nam chưa được cập nhật thường xuyên. Một số loài có quần đàn giảm sút nghiêm trọng và có nguy cơ bị tuyệt chủng, nhưng chưa được liệt kê vào danh sách cần được bảo vệ. Điển hình là cá dày (Channa lucius), cá rô biển (Pristolepis fasciata), cá sặt vện (Nandus nandus), cá chốt chuột (Bagrichthys macropterus), cá bám đá (Gyrinocheilus pennocki) v.v.

Về sản lượng khai thác hàng năm

Sản lượng khai thác thủy sản nội địa vùng ĐBSCL đang bị giảm sút nghiêm trọng. Kết quả thống kê cho thấy sản lượng khai thác thủy sản của 5 tỉnh nội đồng ĐBSCL giảm từ 144.379 tấn (2001) xuống còn 73.089 tấn (2009). Trong chương trình quan trắc về sản lượng khai thác thủy sản nội địa trong những năm gần đây cho thấy sản lượng khai thác của ngư dân giảm từ 8,17kg/ngày (2007) xuống còn 4,38kg/ngày (2011) (Vũ Vi An et al. 2011).

Các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản nội đồng ĐBSCL

Áp lực khai thác

Số lượng người tham gia khai thác, cùng với nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản, đặc biệt các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc tự nhiên ngày càng tăng. Trong chương trình điều tra của Ủy Hội Sông Mekong cho thấy 67% số hộ thuộc tỉnh An Giang liên quan đến khai thác thủy sản (AMFC 2001), Trà vinh có 62% số hộ tham gia khai thác (AMFC 2002). Theo kết quả điều tra của Phạm Mai Phương và Nguyễn Văn Trọng (2005) tại hai xã thuộc huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp cho thấy 64% nông hộ khảo sát liên quan đến đánh bắt thủy sản. Nhìn chung số hộ tham gia đánh bắt thủy sản rất cao, nhưng đa số là khai thác theo mùa với mục đích cung cấp thực phẩm trong gia đình, số người đánh bắt chuyên nghiệp chiếm không quá 10%.

Ngư cụ khai thác đa dạng, hiện nay đã xác định được trên 120 loại ngư cụ. Một số loại ngư cụ khai thác có tính hủy diệt đang được lạm dụng như dớn và kích điện, cào điện. Mặt khác việc đánh bắt cá bố mẹ đang tham gia sinh sản và đánh bắt cá con như cá rồng đồng và cá rô dăm đã ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản vùng ĐBSCL. Ngoài ra việc khai thác các loài thủy sản có kích thước nhỏ được sử dụng trực tiếp cho việc nuôi cá lóc hay chế biến làm thức ăn cho cá tra basa. Điều này làm cho nguồn lợi thủy sản càng bị suy thoái.

Chế độ thủy văn

Chế độ thủy văn có vai trò quan trọng đến nghề khai thác thủy sản nội địa vùng hạ lưu sông Mekong: mực nước lũ cao cho sản lượng khai thác cao và ngược lại (Hortle et al., 2005; Vu Vi An, 2006, Halls et al., 2007), và khi mực nước lũ giảm 10 cm thì sản lượng khai thác thủy sản sẽ giảm tới 21%.

Hiện nay có trên 10 công trình thủy điện dự kiến sẽ được xây dựng trên dòng chính ở khu vực Hạ Lưu Sông Mekong. Việc xây dựng đập có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản vùng ĐBSCL. Một trong những nguyên nhân quan trọng là ngăn chặn sự di cư của cá. Trong một nghiên cứu mới đây cho thấy 70% thành phần loài cá vùng ĐBSCL là cá có tập tính di cư (nhiều loài di cư xuyên quốc gia), chiếm 54% tổng sản lượng khai thác. Đối với nhóm cá di cư này thì bãi đẻ thường tập trung trên thượng nguồn, cho nên việc xây dựng đập sẽ ngăn chặn trực tiếp đường di cư sinh sản, di cư bắt mồi của cá.

Trong một nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược mới đây về tác động của đập trên dòng chính vùng Hạ lưu sông Mekong cho thấy sản lượng khai thác thủy sản sẽ giảm 26 – 42% nếu 11 đập được xây dựng, sản lượng sẽ giảm 17 - 32% nếu 9 đập được xây dựng, và sản lượng sẽ giảm 13 - 29% khi có 6 đập được xây dựng.
Phát triển sản xuất nông nghiệp

Diện tích cho sản xuất nông nghiệp đặc biệt là trồng lúa vùng ĐBSCL ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê diện tích này chiếm 63% tổng diện tích tự nhiên. Những vùng hoang hóa và ao địa tự nhiên đang khai phá triệt để cho việc gia tăng diện tích trồng trọt. Điều này làm thu hẹp nơi cư trú các loài thủy sản trong mùa khô.

Cùng với sự gia tăng diện tích đất trồng trọt, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cũng tăng theo, làm ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản. Ngoài ra, các công trình đê đập phòng chống lũ tạm thời hay vĩnh viễn để trồng lúa vụ ba sẽ ngăn cản sự di cư của cá con và cá trưởng thành vào vùng ngập lụt để bắt mồi./.

Huỳnh Kim Anh Nguồn: Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản