TIN THỦY SẢN

Hiệu quả của mô hình "Tổ tàu thuyền đoàn kết"

Ngư dân tàu cá QNg 95302TS vui mừng khi cập bờ biển Cà Ná. Lam Hạnh

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, những năm qua, nhiều xã, Phường các tỉnh ven biển đã thành lập “Tổ tàu thuyền đoàn kết”, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đấu tranh phòng chống tội phạm và cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Hỗ trợ khai thác hải sản, tố giác tội phạm

Trước đây, khi chưa có “Tổ tàu thuyền đoàn kết”, khi khai thác thủy sản trên biển, ngư dân thường tổ chức đánh bắt riêng lẻ, mạnh ai nấy làm, mỗi tàu thuyền tự tìm cho mình một ngư trường đánh bắt, nên khi có sự cố xảy ra, rất ít khi nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tàu bạn. Từ khi thành lập các “Tổ tàu thuyền đoàn kết”, ngư dân thông tin hỗ trợ nhau tìm ngư trường đánh bắt, khai thác với sản lượng cao, giá trị sản phẩm lớn, tăng mức thu nhập.

Anh Đinh Văn Nít - tổ viên Tổ tàu thuyền đoàn kết xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên cho biết: “Mỗi lần đánh bắt xa bờ phải mất cả tháng trời trên biển, chúng tôi cần có sự đoàn kết, tương trợ nhau cùng khai thác hải sản, kịp thời giúp đỡ nhau cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Từ khi đánh bắt theo mô hình này, tôi và mọi người rất yên tâm đi biển”.

Các “Tổ tàu thuyền đoàn kết”, hay nhiều nơi gọi là “Tổ tàu thuyền đoàn kết đánh bắt xa bờ tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo có từ 5 đến 10 tàu thuyền chuyên đi khai thác vùng xa bờ. Các tổ này thường có quy chế: Các thuyền viên phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, khi đi biển gặp rủi ro thì chia sẻ hoạn nạn, khi gặp luồng cá cùng hỗ trợ nhau khai thác.

Thượng tá Trần Tiến Thực - BĐBP Hải Phòng cho biết thêm: “Việc thành lập và đi vào hoạt động của các “Tổ tàu thuyền đoàn kết” giúp ngư dân hỗ trợ nhau khi khai thác hải sản, bảo đảm an toàn, phòng chống thiên tai, kịp thời cứu hộ, cứu nạn. Điều này thể hiện qua việc các thuyền viên trong tổ chia sẻ kinh nghiệm khai thác ở ngư trường, khắc phục sự cố máy móc, kịp thời thông tin về tình hình thời tiết... Khi các phương tiện khác trong tổ, hoặc không ở trong tổ gặp nạn, các thành viên của “Tổ tàu thuyền đoàn kết” đều có trách nhiệm cứu hộ, cứu nạn”.

Xây dựng “Tổ tàu thuyền đoàn kết”, ngoài việc các ngư dân, phương tiện hỗ trợ nhau trong sản xuất, cứu hộ, cứu nạn, còn giúp lực lượng Biên phòng làm tốt hơn công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biên giới biển. Ngư dân là kênh thông tin quan trọng giúp các đơn vị BĐBP phát hiện kịp thời các hành vi xâm phạm chủ quyền khu vực biên giới biển, cũng như cung cấp thông tin về tình hình an ninh trật tự trên biển.

Hàng năm, từ nguồn tin do ngư dân cung cấp, lực lượng BĐBP đã xua đuổi nhiều lượt tàu cá nước ngoài ra khỏi vùng biển Việt Nam. Cũng từ nguồn tin do ngư dân cung cấp, các Đồn BP đã xử lý nhiều vụ người dân dùng te kích điện đánh bắt hải sản, mua bán, tàng trữ trái phép chất nổ, chất ma túy. Ngư dân còn là lực lượng tại chỗ giúp BĐBP cùng các cơ quan liên quan thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên biển khi được trưng dụng phương tiện, con người. Nhiều ngư dân đã được BĐBP các tỉnh, thành tặng Giấy khen vì có thành tích cùng lực lượng BĐBP tham gia cứu nạn trong bão, cứu hộ, cứu nạn các vụ chìm tàu.

Kịp thời cứu hộ, cứu nạn

Giữa biển cả mênh mông, đợi lực lượng cứu hộ từ đất liền phải mất nhiều giờ đồng hồ nên mỗi khi tàu cá gặp nạn trên biển, họ phải phát tín hiệu cho các tàu cá đánh bắt gần đó đến cứu. Nhiều tàu cá bị nạn trên biển đã may mắn được các tàu cá khác lai dắt hay cứu hộ các ngư dân trên tàu lên các đảo của quần đảo Trường Sa hay vào bờ.
Đêm 4/3/2017, tàu cá QNg 90460TS do anh Nguyễn Văn Đồng (SN 1978, trú tại Quảng Ngãi) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng khi đang khai thác hải sản cách đảo Tiên Nữ, quần đảo Trường Sa khoảng 42 hải lý thì bị hỏng máy chính, hệ thống chiếu sáng không hoạt động.

Cùng lúc đó, xuất hiện một tàu sắt nước ngoài không mang số hiệu, lao tới đâm mạnh vào phía mũi tàu làm tàu anh Đồng hư hỏng nặng, có nguy cơ bị chìm. May mắn, tàu cá gặp nạn đã được tàu cá BĐ97703TS đang đánh bắt ở gần đó khi nhận được tin báo đã ứng cứu, lai dắt tàu QNg 90460TS về đảo Tiên Nữ. Tại đây, các ngư dân gặp nạn đã được cán bộ, chiến sĩ trên đảo kịp thời động viên, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, chăm sóc y tế và bố trí nơi ăn, nghỉ chu đáo.
Tối 29/3/2017, tàu cá QNg 95302TS do anh Huỳnh Minh Dũng làm thuyền trưởng đang đánh bắt gần đảo Đá Lát (huyện Trường Sa, Khánh Hòa) thì một cơn lốc xoáy dữ dội ập đến, hất văng chiếc tàu vào rạn đá ngầm, làm vỡ đáy và chìm. Trong tình thế cấp bách, thuyền trưởng và 27 ngư dân phải rời khỏi tàu thoát thân.

Rất may, tàu NT 95738TS do ông Nguyễn Bá Công làm thuyền trưởng đang đánh bắt cá gần đó đã huy động hai tàu bạn là tàu NT 90202TS của ông Lê Hùng và tàu NT 90397TS của ông Bạch Văn Giỏi cùng đến cứu vớt và đưa 28 ngư dân gặp nạn vào bờ biển Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận an toàn, bàn giao cho BĐBP tỉnh Ninh Thuận vào chiều ngày 3/4/2017.
Sáng 8/4/2017, tàu cá PY 96172TS do ông Phạm Ngọc Tuấn (SN 1968, ở Phú Yên) làm thuyền trưởng đã đưa 6 ngư dân trên tàu cá bị nạn PY 96678TS về bờ, cập cảng cá Đông Tác. Trước đó, 8 giờ ngày 27/3/2017, tàu cá PY 96678TS do ông Phạm Ngọc Sơn làm thuyền trưởng cùng 5 lao động đang câu cá ngừ đại dương tại vùng biển cách đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa 108 hải lý về phía Tây - Tây Bắc thì bị va vào đá ngầm.

Tàu bị phá nước chìm dần. Sau khi phát tín hiệu ứng cứu, thuyền trưởng và các thuyền viên đã rời tàu, xuống thuyền thúng. Nhận được tin báo, ông Tuấn đã cho tàu đến ứng cứu. Hơn hai giờ sau, tàu ông Tuấn đã tiếp cận và vớt các ngư dân bị nạn, đồng thời buộc dây, lai dắt tàu cá của ông Sơn vào bờ. Chạy được 1 hải lý thì tàu của ông Sơn chìm hoàn toàn, các thuyền viên phải cắt dây, thả tàu. Ông Tuấn tiếp tục cho tàu đánh bắt, sau chuyến biển mới chạy vào bờ.

Lam Hạnh Báo Pháp Luật