TIN THỦY SẢN

Hiệu quả nhờ chuyển đổi sinh kế của ngư dân ven biển tại Nghệ An

Với mục tiêu của dự án là cải thiện công tác quản lý nghề cá ven bờ theo hướng bền vững tại các tỉnh ven biển. Lê Hằng

Ban quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tỉnh Nghệ an đã dựa trên tình hình thực tế và đề xuất của tổ cộng đồng ngư dân để hỗ trợ triển khai thực hiện các mô hình sinh kế cho cộng đồng ngư dân thuộc các tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ nhằm mục đích tạo nguồn thu nhập bổ sung cho ngư dân, từ đó giảm áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, cũng như khuyến khích thay đổi thói quen đánh bắt bằng những nghề vi phạm, kém thân thiện với môi trường sang các nghề được phép thân thiện với môi trường.

Các mô hình sinh kế được thực hiện thông qua hai hình thức hoạt động chính bao gồm: Xây dựng mô hình chuyển đổi các nghề khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi sang lưới rê và Xây dựng các mô hình sinh kế bổ sung (như chế biến nước mắn, chăn nuôi gà) nhằm giảm thiểu áp lực cho nghề khai thác. Tổng số mô hình đã được hỗ trợ là 59 hộ mô hình trong đó: 09 mô hình chuyển đổi sang nghề lưới rê; 10 mô hình chế biến nước mắn và 40 mô hình nuôi gà với tổng kinh phí lên đến 724,6 triệu đồng .

 Sau 1 năm thực hiện thí điểm cả 3 loại mô hình đã đem lại những hiệu quả nhất định về kinh tế, xã hội và đã có tác động không nhỏ tới công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đúng như mục tiêu dự án đề ra. Kết quả cụ thể của các mô hình như sau:

*. Đối với mô hình chế biến nước mắn: Được dự án thực hiện trên 10 hộ gia đình tại 4 tổ cộng đồng quản lý ven bờ thuộc 4 xã Quỳnh Lập(TX Hoàng Mai), Quỳnh Long, Tiến Thủy (Huyện Quỳnh Lưu) và Diễn Kim (Diễn Châu) bắt đầu triển khai từ tháng 12/2017 và kết thúc vào tháng 12/2018. Qua Khảo sát thực tế các mô hình đã được triển khai sau 1 năm thực hiện đã mang lại một số hiệu quả:

- Về hiệu quả kinh tế: Sau 1 năm triển khai mô hình đã đạt thành công nhất định. Bên cạnh đó việc giúp phụ nữ tham gia sản xuất đã tạo thêm thu nhập cho gia đình.

- Về hiệu quả xã hội: Mô hình chế biến nước mắm đã góp phần lan tỏa trong các chi hội phụ nữ tại tổ công đồng quản lý nghề cá ven bờ. Qua đó góp phần gắn kết các thành viên trong chi hội thông qua việc cùng tham gia thực hiện mô hình, với những chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi trong quá trình sản xuất. Góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc của phụ nữ về mặt kinh tế tăng thêm tính bình đẳng trong gia đình.

- Tác động đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Tăng thu nhập trong gia đình, giảm tải áp lực kinh tế từ hoạt động khai thác góp phần giảm thiểu áp lực lên nguồn lợi thủy sản.

*. Đối với mô hình chuyển đổi từ các nghề khai thác thủy sản cấm sang nghề lưới rê: Mô hình thực hiện trên 09 hộ gia đình tại 3 tổ cộng đồng quản lý ven bờ thuộc 3 xã Quỳnh Phương(TX Hoàng Mai), Quỳnh Dị (Huyện Quỳnh Lưu) và Diễn Thành (Diễn Châu)

- Về hiệu quả kinh tế: Sau một năm triển khai theo tính toán của các hộ tham gia mô hình hiệu quả kinh tế thu được tính trung bình năm của nghề lưới rê so với hoạt động khai thác trước đây của hộ gia đình cao hơn gấp 1,5 lần.

- Về hiệu quả xã hội:Từ hiệu quả kinh tế nghề lưới rê đã có tác động nhất định đến một số hộ ngư dân KTTS ven bờ, tạo động lực để các hộ này đầu tư chuyển đổi nghề. 

- Tác động đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Đặc trưng của nghề lưới rê là khai thác có chọn lọc, không gây xáo trộn nền đáy vì vậy ít làm xáo trộn các quần thể sinh vật trong nước góp phần giảm thiểu tác động của nghề KTTS đến nguồn lợi thủy sản

*. Đối với mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học: Mô hình thực hiện trên 40 hộ gia đình tại 4 tổ cộng đồng quản lý ven bờ thuộc 4 xã Nghi Tiến (Huyện Nghi Lộc) và Diễn Hải, Diễn Kim, Diễn Thịnh (Diễn Châu).

- Về hiệu quả kinh tế: Hiện tại mô hình đã triển khai được một năm tuy nhiên các hộ chưa phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa mà chỉ nhằm mục đích gia tăng nguồn thực phẩm tại chỗ cho gia đình.

- Về hiệu quả xã hội: Nguồn vốn hỗ trợ đã tạo được hiệu quả của tổ cộng đồng nhằm hỗ trợ các gia đình trong tổ bổ sung sinh kế sản xuất hàng năm.

- Tác động đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Tuy mô hình chưa đạt được các hiệu quả mong muốn về mặt kinh tế nhưng việc hỗ trợ thực hiện các mô hình đã góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc tạo nguồn sinh kế bổ sung, giảm thiểu các áp lực về thu nhập từ hoạt động KTTS.

Với những kết quả bước đầu các mô hình thực sự giúp các hộ ngư dân tăng thêm nguồn thu nhập, góp phần ổn định đời sống ngư dân ven bờ. Hy vọng sau khi dự án kết thúc các ngư dân ven bờ vẫn tiếp tục nhân rộng các mô hình để nâng cao đời sống, ổn định kinh tế, góp phần hạn chế việc khai thác thủy sản ven bờ mang tính hủy diệt, không phải đối mặt với việc xử phạt của các lực lượng chức năng khi phải kiểm tra kiểm soát, góp phần bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản bền vững.

Lê Hằng TSKN