TIN THỦY SẢN

Hoàng Sa mùa cá chuồn cồ

Giá cá chuồn thường dao động 20.000 - 22.000 đồng/kg Lê Văn Chương

Cá chuồn cồ to gần bằng bắp tay, mắt xanh mượt, có đôi cánh dài bay là là khắp mặt biển. Mùa cá chuồn cồ, ngư dân Quảng Ngãi lại cho thuyền ngang dọc Hoàng Sa đánh lưới.

Đặc sản Hoàng Sa

Tại thôn Định Tân, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), những ngư dân chân thấp chân cao trên bãi bồi, lưng vác lưới quăng lên tàu để mở biển. Những phụ nữ khom lưng vá đụp những tấm lưới bị cá chuồn xé toang. Những lão ngư tóc bạc râu dài ngâm nga câu thơ có từ xưa lắm: “Ai về nhắn với nậu nguồn/Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”. Làng chài mừng vui bước vào mùa đánh bắt cá chuồn cồ ở Hoàng Sa.

Cá chuồn có nhiều loại. Mùa hè, ngư dân đi thuyền nhỏ ra cách bờ khoảng 50 hải lý đánh cá chuồn rắc. Cá chuồn rắc chỉ nhỉnh hơn 2 ngón tay, bình quân 1 kg cá vài chục con. Khu vực gần bờ thỉnh thoảng xuất hiện loại cá chuồn nhỏ như ngón tay (cá mang giang), xương mềm, có thể ăn cả con mà không cần bỏ xương. Nồi canh chua với tô cá mang giang trở thành món khoái khẩu khó quên, nếu ai một lần thăm miền biển. Cá chuồn cồ Hoàng Sa thì có thân hình to, đậm, màu xanh đậm, thịt nhiều và ngon, 3 - 4 con/kg.

Những năm trước, khi ra Hoàng Sa, ngư dân mang theo khoảng 250 tấm lưới chuồn. Cả ngày đêm chỉ cần đánh một giác lưới. Cá nhiều, đánh cá chuồn không câu nệ kỹ thuật, cứ cho thuyền vào giữa rạng ngầm, chọn hướng nước chảy để đánh ngang là xong. Bây giờ, cá dần hiếm, ngư dân chọn khu vực vành đai của rạng ngầm, nhằm hướng nước chảy, giăng lưới chờ. Mỗi tàu mang theo 400 - 500 tấm lưới. Một giàn lưới dài 7km. Mỗi ngày đêm phải đánh cật lực 15 giờ, xong vẫn chưa được ngủ ngon. Mỗi ngư dân ôm một thùng mồi, lưỡi câu ra be câu cá. Phần cá câu được hưởng  riêng; ngư dân phải thức thâu đêm để kiếm thêm.

Dông tố Hoàng Sa

Cách đây vài năm, khi ra Hoàng Sa đánh cá chuồn, đài báo áp thấp, biển động cấp 7 là cả đoàn thả neo chờ thời. Giờ đây, biển động cấp 7 ngư dân vẫn bươn ra làm. Một ngư dân kể: “Khó khăn thứ nhất là phía Trung Quốc liên tục đuổi bắt mình, nên phải tranh thủ từng ngày. Thứ hai, mình phải lao ra giăng lưới dọc gò. Nếu mình ra sau, tàu khác chiếm chỗ thì đói luôn”.

Các thuyền trưởng kể: “Có bữa gió cấp 7, đánh một giác lưới không có cá. Nghĩ tới phiên biển với tổn phí gần 100 triệu, vậy là hội ý anh em và cho tàu đâm thẳng vào bão, lao phía ngoài Hoàng Sa 100 hải lý. Trên đường đi, sóng phủ kín tàu; 10 ngư dân ngồi im lìm, trong lòng thon thót lo...”.

Thôn Định Tân, xã Bình Châu chuyên nghề cá chuồn cồ Hoàng Sa. Chuồn cồ được xếp tốp đầu trong các loại cá chuồn. Thịt cá chuồn cồ trắng, nhiều sớ, thơm ngon. “Kéo lưới lên, bắt vài con chuồn cồ còn sống, thả vô nồi nước sôi, mùi thơm lựng cả thuyền, thịt ngon như gà luộc” - một ngư dân kể. Cá chuồn cồ thường sống quanh các đảo ngầm. Quần đảo Hoàng Sa chính là nơi trú ngụ của cá chuồn cồ. Những ngày chớm đông, trời mưa rả rích, cá chuồn cồ xuất hiện và đẻ trứmg. Mùa này, ngư dân Định Tân lại vượt sóng gió, ào ào lao ra Hoàng Sa. Mùa cá chuồn cồ kết thúc vào tháng 7. Mãn mùa cá chuồn, lại có thêm nhiều chuyện hay về những ngày tháng trụ ở Hoàng Sa. Chuyện được kể lúc họ khom lưng vá lưới chuẩn bị sang vụ sau. Mỗi ngư dân lên thuyền được chung 50 tấm lưới, mỗi năm phải 10 tấm bổ sung. Mắt lưới cá chuồn được tính toán ở mức vừa phải. Cá chuồn vào lưới chỉ bị mắc nhẹ ở phần đầu, giũ lưới là cá văng ra sàn. Nếu cá mắc ở mang, sẽ tốn nhiều thời gian gỡ...

Ngóng ra Hoàng Sa

Tại thôn Định Tân, mỗi năm, gần 50 tàu cá ra khơi đánh bắt 7 tháng; 5 tháng còn lại thì neo nghỉ chờ mùa cá chuồn sang năm. Sống bám vào vụ mùa, nên vào mùa cá chuồn, ngư dân phải đánh bắt tận lực. Bình thường giá cá chuồn 20.000 - 22.000 đồng/kg; lúc cao điểm 30.000 đồng/kg.

Ông Lê Văn Huy, một ngư dân đánh cá chuồn từ năm 1990, kể: “Thời đó, cả làng có được chiếc tàu to nhất của ông Sáu Thỏa. Giao cho ông Trần Hùng làm tài công, anh em ra biển Hoàng Sa đánh bắt cá chuồn. Cá chuồn nhiều vô kể”. Cá đánh vào bờ, việc bán không thể quy một mối; tàu phải lang thang ra Huế, Đà Nẵng để bán. Ngư dân ngồi dựa thành tàu, thỉnh thoảng một khách hàng tới: “Bán cho em vài trăm cá chuồn để đi chợ”. Ngư dân đánh lưới ngoài biển đã cực, vào bờ lại phải kiêm việc bán hàng. Một tàu cá chuồn, phải rình rang bến này bến kia bán cả tuần mới hết. Giờ đây, chủ nậu mua trọn, ngư dân đỡ nhọc nhằn”.

Tại thôn Định Tân, cứ dịp Tết, chị Hồ Thị Minh, vợ ngư dân Nguyễn Tiến Trung lại ra biển ngóng chồng ở Hoàng Sa. Đài phát thanh liên tục dự báo quần đảo Hoàng Sa xuất hiện áp thấp nhiệt đới. Kể chuyện chờ chồng, mắt chị ngân ngấn nước... Tết làng chài, nhiều nhà vắng đàn ông; phụ nữ ngồi đan lưới chờ chồng. Sau mùng 10 Tết, tàu đánh cá chuồn mới lục tục về. Tới ngang đảo Lý Sơn, ngư dân đồng loạt rút điện thoại alô vào bờ: “Hai tiếng nữa tôi tới Sa Kỳ. Anh em tôi mỗi người kiếm cỡ chục triệu…”.

Vậy là vợ các ngư dân đi lưới chuồn Hoàng Sa lại chân thấp chân cao chạy ra bến. Đón xuân muộn, cả nhà rộn tiếng cười. Vợ nhìn chồng, mừng rơi nước mắt. Bữa cơm đón xuân muộn có thêm đĩa cá chuồn. Hàng xóm, bạn bè ghé đến chia vui...

>> Từ hàng trăm năm trước, cá chuồn đã được dân miền biển ướp muối, đặt trên lưng ngựa thồ lên vùng cao. Cá chuồn trở thành sản vật của biển, được đồng bào vùng cao treo đầy trong nhà sàn cheo leo vách núi.

Lê Văn Chương thuysanvietnam.com.vn