Hồi sinh “dòng” cá mát giữa đại ngàn
Trước nguy cơ tận diệt nguồn thủy sản, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã xây dựng và triển khai đề án bảo tồn các giống cá khe suối. Trong đó chủ yếu là bảo tồn cá mát, thứ đặc sản của đồng bào ở nơi đây. Trải qua những khó khăn buổi đầu thực hiện đề án, đến nay, đàn cá mát được hồi sinh trở thành niềm vui của người dân nơi miền biên viễn.
Đặc sản của đồng bào vùng sơn cước
Giữa đông, suối Chà Lạp như dải thổ cẩm không họa tiết màu biêng biếc lượn lờ uốn mình theo chân các ngọn núi như ôm trọn làng bản vào lòng, dùng dằng qua nhiều ghềnh đá trước khi hợp lưu vào dòng Lam Giang để về xuôi. Suối Chà Lạp bắt nguồn từ Lào, đoạn chảy qua xã Tam Hợp dài gần 30 km. Từ xưa đến nay, Chà Lạp được coi là “đại bản doanh” của những chú cá mát, là nơi cung cấp thực phẩm nuôi dưỡng đồng bào nơi đây.
Cá mát là loài cá sống thành đàn trong các khe đá, nơi nước chảy xiết, nền sỏi cát sạch thường kiếm ăn vào ban đêm. Thoạt nhìn cá khá giống cá linh ở vùng hạ lưu sông Mê Kông. Tuy nhiên, cá ở đây có điểm khác biệt là vảy cá có màu hồng nhạt, trên mình có ba đến sáu chấm đen. Kích thước trung bình tầm hai ngón tay người lớn, con to nhất nặng khoảng nửa kg. Thịt cá mát có tính lành, vừa bổ, thơm ngon, lại vừa ít xương nên rất được người dân nơi đây ưa thích.
Ở miền Tây Nghệ An nói chung, xã Tam Hợp nói riêng, cá mát được xem là đặc sản của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
Đi dọc suối Chà Lạp, chúng tôi gặp ông Lương Duy Khánh, ở bản Xốp Nậm. Ông Khánh là người sống ở vùng này đã nhiều năm và kinh qua nhiều chức vụ ở xã Tam Hơp. Sau khi nghỉ hưu, ông về làm Bí thư Chi bộ bản Xốp Nậm. Ông được nhiều người gán cho cái tên “rái cá suối Chà Lạp”.
Ông Khánh cho biết, đây là vùng đất lành chim đậu nên cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nhiều người vào sinh sống lập bản. Cuộc sống kinh tế chủ yếu dựa vào việc bắt cá mát ở suối Chà Lạp và thu hái sản vật của rừng núi. Khi đó, người dân săn bắt cá mát về rồi họ kẹp thành từng gắp 4 con nướng lên rồi mang đi bán hoặc đổi lấy những nhu yếu phẩm của người dân ở thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương).
Quá quen với cách ăn rêu đá, cách di chuyển, chu kỳ sinh nở, các món ăn chế từ cá mát,… “rái cá suối Chà Lạp” hào hứng kể: “Cá mát có 2 thỏi trứng hai bên lườn, trứng nhỏ như hạt kê. Cá đẻ mỗi năm 1 lứa, vào tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, mỗi lần đẻ trứng nở cả ngàn con. Cá lớn nhanh, 6 tháng tuổi đã bằng 2 ngón tay. Nếu được bảo vệ tốt, cá có thể đạt trọng lượng trên nửa cân 1 con. Cá mát ăn rong, rêu, hàm dưới cứng, sắc nên khi ăn, cá chỉ cần lượn mình sát các hòn đá ở dưới dòng nước chảy, cạp mạnh khiến cho đá suối có nhiều vết nhỏ màu trắng. Đồng bào Thái chế biến cá mát chủ yếu 2 món là rọc phi lê bóp chua ăn gỏi và tước da lấy thịt và xương bằm nhỏ nhuyễn trộn với gia vị làm món lạp. Tuy nhiên, nhiều năm qua, cá mát gần như cạn kiệt do đánh bắt quá mức, người trong bản muốn xuống suối kiếm cá mát ăn cũng rất khó”.
Thực hiện đề án bảo tồn nguồn thủy sản, chính quyền xã Tam Hợp đã lựa chọn nhiều đoạn suối có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cá phát triển.
Cá mát như hồi sinh
Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, cuối năm 2018, Hội đồng nhân dân xã Tam Hợp đã thông qua Đề án bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Đề án quy định những phương tiện, ngư cụ được phép sử dụng khai thác thủy sản phải theo quy định tại Thông tư số 02 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nghiêm cấm trong hoạt động khai thác thủy sản bằng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương tiện có tính hủy diệt khác.
Người ngoài địa phương vào đánh bắt cá trong xã Tam Hợp sẽ bị trục xuất ra khỏi địa bàn. Đối với các hộ dân trong xã, nguồn thủy sản thuộc về toàn dân, những trường hợp đánh bắt thủy sản trái với quy định như: Dùng kích điện, thuốc nổ sẽ bị tịch thu và xử phạt hành chính. Ngoài ra, các bản thành lập khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo từng khúc suối cụ thể. Tất cả các khu vực trên đều được cắm biển báo cho người dân được biết.
Ông Dương Phi Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Hợp kể lại, trước đây, ngoài việc người dân trong xã khai thác quá mức làm cho nguồn cá cạn kiệt thì một thời gian dài, người ngoài địa phương cũng tràn vào địa bàn để bắt cá. Nhiều đêm đèn soi bắt cá nhiều như đom đóm. Phương tiện đánh bắt đủ loại, lưới chài, bắt tay, thậm chí xung điện, mạnh ai người đó săn bắt. Tuy đề án ra đời, nhưng nhận thức người dân vẫn còn hạn chế, tư duy khai thác tự nhiên còn cao. Lúc đầu thực hiện đề án, nhiều người không hiểu đã chống đối, sau khi tuyên truyền, nhận thức người dân dần thay đổi.
Sau gần 3 năm thực hiện đề án, hiện nay, người dân trên địa bàn đã tự giám sát và ngăn chặn những người ở địa phương đến đánh bắt cá. Đàn cá mát lại về trên dòng Chà Lạp. Dọc suối, các đoạn có biển cấm đánh bắt, cá phát triển nhanh, mỗi mét vuông mặt nước ước khoảng trên 30 con. Không những cá mát mà các loại cá pộp, cá lăng, cá lệch cũng hồi sinh, chiếm lĩnh nhiều hang, ngách đá dọc bờ suối.
Giữa trưa, rời xã Tam Hợp, chúng tôi đi qua ngã ba suối Chà Lạp ở khu vực trung tâm xã, dưới dòng nước suối trong xanh, từng đàn cá mát như những con thoi lật mình cạp rêu đá ngửa bụng từng vệt trắng loang loáng. Ông Dương Phi Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Hợp nhìn đàn cá mát thích thú nói: “Nơi đây, cá mát ngày càng nhiều, cuối buổi chiều nhiều người trong bản ra đây vui chơi và để ngắm cá bơi các anh ạ! Đây chính là một trong những nguồn lợi để chúng tôi làm du lịch cho những người ngoài địa phương đến tham quan, vãn cảnh”.