TIN THỦY SẢN

Khai thác, nuôi trồng thủy sản ở Trường Sa: Tiềm năng cần đánh thức

ANH TUẤN - LÊ MINH

Vùng biển Trường Sa được xem là vựa cá lớn của cả nước, là ngư trường trọng điểm của ngư dân vùng ven biển miền Trung, trong đó có Khánh Hòa. Để đánh thức tiềm năng của ngư trường lớn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Quân chủng Hải quân đầu tư xây dựng Khu tổ hợp nuôi trồng thủy sản (NTTS) - dịch vụ hậu cần nghề cá (DVHCNC) tại đảo Đá Tây hoạt động khá hiệu quả. Ngoài cung cấp thực phẩm tươi sống cho quân dân huyện đảo, tiếp nhận sửa chữa, cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, nước ngọt cho các tàu cá đánh bắt xa bờ (ĐBXB), Khu DVHCNC Đá Tây còn là nơi tránh trú bão an toàn, giúp ngư dân bám biển dài ngày.

Khu dịch vụ hậu cần nghề cá Đá Tây, điểm tựa cho ngư dân bám biển.

Điểm tựa của ngư dân

Đảo Đá Tây là một đảo chìm nằm trong quần đảo Trường Sa với chiều dài khoảng 7 hải lý, chiều rộng 4 hải lý, được bao bọc xung quanh bởi bãi đá ngầm, san hô với độ sâu lý tưởng, tạo thành một lòng hồ giữa biển. Với địa thế này, đảo Đá Tây trở thành nơi neo đậu, trú ngụ an toàn cho tàu bè khi gặp sóng to, gió lớn và đang trở thành trung tâm DVHCNC lớn của Việt Nam. Hiện Khu DVHCNC được xây dựng trên bãi san hô rộng khoảng 3.000 m2 với các kho chứa hàng, nhà nghỉ, nhà kính trồng rau xanh được đưa vào sử dụng, cùng nhiều hạng mục quy mô như bến trụ cập tàu, tường hắt sóng, sân bãi nhằm mục đích nhận sửa chữa, cung cấp nhiên liệu, thực phẩm, nước ngọt cho các tàu cá của ngư dân ĐBXB. Điều đặc biệt, đơn vị cung ứng nhiên liệu bằng giá bán ở đất liền, miễn phí cung cấp nước ngọt, tiền công khi sửa chữa tàu cá bị hỏng… Chỉ tính riêng năm 2011, Khu DVHCNC Đá Tây đã đón 421 lượt tàu thuyền của ngư dân vào đảo, cung cấp 393.000 lít nhiên liệu, 1.070 m3 nước ngọt miễn phí, cung ứng 20 tấn lương thực, sửa chữa hư hỏng cho 18 tàu thuyền các loại… Qua đó, giúp ngư dân ĐBXB tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian đi lại, tăng thời gian bám biển, nâng cao hiệu quả khai thác.

Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, toàn tỉnh hiện có trên 500 tàu cá công suất 90CV chuyên ĐBXB thuộc ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa và DK1. Nhờ có khu DVHCNC ngay trên ngư trường khai thác, ngư dân miền Trung nói chung, Khánh Hòa nói riêng rất thuận lợi trong việc khai thác, bám biển dài ngày. Ngoài giảm được thời gian, phí tổn khi ra khơi, vào bờ, sản lượng khai thác cũng tăng lên đáng kể. Đây là khu DVHCNC có khả năng hỗ trợ ngư dân ĐBXB, đảm bảo an toàn cho ngư dân khi gặp nạn trên biển, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

 Nuôi cá lồng trên biển

Hiện trên đảo Đá Tây, ngoài khu DVHCNC còn có tổ hợp NTTS đang được triển khai thí điểm đạt hiệu quả cao, góp phần không nhỏ trong việc cung cấp thực phẩm cho quân và dân huyện đảo Trường Sa. Ông Chu Tiến Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu NTTS và DVHCNC thuộc Hải đoàn 129 (Quân chủng Hải quân) cho biết: “Bắt đầu từ ý tưởng tìm một loại cá phù hợp với điều kiện khí hậu ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, tạo nguồn thực phẩm tươi sống cải thiện bữa ăn cho quân và dân huyện đảo, năm 2008, chỉ huy đơn vị quyết định nuôi thử nghiệm một vài giống cá gồm: cá chẻm, cá hồng, cá mú và cá chim. Sau gần 5 năm triển khai, đơn vị đã nuôi thành công 3 loại cá chẻm, hồng, chim, thu hoạch từ 10 - 12 tấn cá mỗi năm. Tại thời điểm này, đơn vị có 4 lồng nuôi với 5.000 con, trong đó gần 2.000 con cá chim với trọng lượng 4 kg/con; 1.000 con cá hồng trọng lượng 1,2 kg/con và gần 2.000 con cá chẻm vừa tròn 2 tháng tuổi”.

Theo ông Sơn, khu NTTS trên đảo hiện đáp ứng hơn 50% nhu cầu thực phẩm tươi sống, giúp cải thiện bữa ăn cho quân dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đặc biệt, do môi trường sống rất trong sạch, cá ít mắc bệnh và phát triển rất nhanh nên sản lượng cá nuôi tăng dần theo từng năm. Mặt khác, đây là những loại cá có giá trị xuất khẩu, nếu nhân rộng được mô hình này ở các đảo khác, thu hút nhân dân cùng tham gia thì sẽ đem lại nguồn thu không nhỏ cho đất nước.

Không thể phủ nhận, đầu tư khai thác tiềm năng đánh bắt, NTTS ở quần đảo Trường Sa không chỉ giúp ngư dân làm giàu từ biển, mà còn góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển kinh tế biển của Đảng, Nhà nước bằng những chương trình, dự án cụ thể, thiết thực. Tuy nhiên, để phát huy được tiềm năng, thế mạnh này, Nhà nước và các ngành chức năng cần hoàn chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút người dân tham gia.

Thiếu tá Nguyễn Văn Quảng, Đảo trưởng đảo Đá Tây: “Để khai thác tốt tiềm năng đánh bắt và NTTS, điều quan trọng là phải kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động nuôi và khai thác, trong đó chú ý khâu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Thực tế, khâu này chúng ta đang rất yếu bởi khu DVHCNC chưa đáp ứng đủ nhu cầu về lương thực, thực phẩm và nước ngọt cho ngư dân. Ngoài ra, vấn đề phát triển dự án điện, tạo điều kiện để các vùng NTTS có thể trực tiếp chế biến, xuất khẩu thủy sản ra nước ngoài mà không phải đưa vào đất liền còn là bài toán khó”.
 

ANH TUẤN - LÊ MINH Báo Khánh Hòa, 07/05/2012